Vấn đề an sinh xã hội, nợ quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn... đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên họp toàn thể chiều 27/5.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Chiều 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, các đại biểu cơ bản nhất trí nước ta đã vượt qua những khó khăn thử thách, sớm ngăn chặn được suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn những điều đáng suy nghĩ trong bức tranh kinh tế - xã hội. Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) cho rằng, việc giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế với chăm lo các vấn đề xã hội có nơi, có lĩnh vực không được suôn sẻ. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch trong khi những chỉ tiêu không đạt đều thuộc về lĩnh vực xã hội, giáo dục và môi trường.
Giải thích về nguyên nhân của việc chưa đạt một số chỉ tiêu an sinh xã hội trong năm 2009, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất bị thu hẹp trên khắp thế giới, cả khu vực và trong nước nên nhiều chỉ tiêu an sinh xã hội cũng bị tác động tiêu cực.
Một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về nợ quốc gia, bội chi ngân sách và đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế trong tình hình mới.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh - Ảnh: Chinhphu.vn |
Làm rõ một số nội dung về bội chi ngân sách, quản lý nợ, đại biểu Vũ Văn Ninh (Nam Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng chúng ta chấp nhận mức bội chi ở mức khá cao để đầu tư cho hạ tầng kinh tế-xã hội, đầu tư cho phát triển.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về nợ công, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay, vay trung hạn và dài hạn là chủ yếu, chiếm 86,5%. Cơ cấu nợ khá hợp lý, nằm trong tầm kiểm soát, không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ. Điều quan trọng là ta đã trả đầy đủ các khoản nợ ngắn hạn, không có nợ xấu, cũng không có khoản nào đến hạn mà không trả được nợ.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị, nên phân tích rõ cơ cấu nợ hiện nay, tính khoản nợ hàng năm tới kỳ phải trả là bao nhiêu, còn bao nhiêu để đầu tư…
“Phân tích kỹ cơ cấu nợ là để chủ động đầu tư. Cần hết sức tránh tình trạng thấy nợ mà không dám đầu tư”, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề.
Về tái cấu trúc nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết từ thực tiễn nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong giai đoạn khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế.
Trong tái cấu trúc nền kinh tế, cần xác định rõ những ngành nghề ưu tiên dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền trong cả nước, phải xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay…
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), Lê Văn Tâm (Cần Thơ)…, cho rằng, trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong năm 2010, cần chú ý xem xét hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xử lý tình trạng phân bón giả, phát triển hạ tầng giao thông tại nông thôn và công nghiệp chế biến nông sản...
Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, có 45 ý kiến đại biểu thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Quốc hội sẽ tập hợp các ý kiến phát biểu của các đại biểu để gửi tới Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.
(Theo Nguyễn Hoàng - Ảnh: Nhật Bắc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com