Việt Nam vừa mới cung cấp dịch vụ 3G nhưng dự báo đến năm 2014 sẽ có hơn 51 triệu khách thuê bao, đứng thứ 15 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Theo hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Pyramid Research, năm 2009 là thời điểm bước ngoặt của công nghệ 3G tại châu Á-Thái Bình Dương. Sau khi phát triển mạnh ở Nhật và Hàn Quốc, công nghệ này sẽ dịch chuyển đến các thị trường mới nổi nhờ vào kỳ vọng của chính phủ các quốc gia này cùng với chi phí vận hành mạng và giá thiết bị đang giảm nhanh.
Pyramid ước tính tốc độ tăng trưởng của số thuê bao 3G hằng năm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt 38% trong giai đoạn 2009-2014, và vượt qua mốc một tỷ số thuê bao vào đầu năm 2014. Việt Nam sẽ nằm ở vị trí cuối trong danh sách 15 thị trường hàng đầu của khu vực, với lượng khách thuê bao hơn 51 triệu, tương đương 42% dân số tiếp cận với dịch vụ 3G vào năm 2014. Hành động của chính phủ Nhiều tác nhân đang tạo ra lực đẩy cho thị trường này. Theo Pyramid, quan trọng nhất là chính phủ ở các thị trường mới nổi đang tiếp tục cấp giấy phép 3G vì mong muốn thúc đẩy cạnh tranh ở thị trường viễn thông trong nước. Việc mở rộng vùng phủ sóng vô tuyến để cung cấp dịch vụ băng thông rộng sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, vì thế đã tạo động lực cho các chính phủ hành động. Điều này sẽ giải quyết được hai vấn đề lớn thường gặp ở nhiều thị trường: tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng cố định thấp và việc cạnh tranh thiếu hiệu quả của thị trường di động. Tần số vô tuyến ngày càng được khai thác như là một nguồn lợi quốc gia, các chính phủ càng quan tâm sử dụng để tạo ra nguồn thu mới thông qua việc cấp giấy phép 3G. Công nghệ 3G không chỉ phù hợp với truyền thông đa phương tiện dạng trung tâm dữ liệu tại các thị trường đã phát triển mà còn phù hợp với phân khúc tiêu dùng thấp và các mô hình kinh doanh đại trà. Chính vì thế mà giá trị của các giấy phép 3G tại các thị trường này cũng tăng lên. Chẳng hạn việc đấu giá 3G ở Indonesia mang về cho chính phủ gần một tỷ đô-la Mỹ, và gần đây Ấn Độ cũng tăng mức phí mua tần số 3G lên 838 triệu đô-la Mỹ, gấp hai lần giá cơ bản, sau khi xem xét lại quá trình định giá. Theo Pyramid, kinh nghiệm cho thấy khi nhà điều hành mạng cung cấp dịch vụ truy cập Internet 3G, các gói băng thông rộng di động được đưa đến cho cả người sử dụng cá nhân và doanh nghiệp, đã tạo ra áp lực cạnh tranh đến các nhà cung cấp khác. Riêng khu vực Đông Nam Á, hai năm qua có bốn nhà điều hành mạng cung cấp dịch vụ Internet 3G song song với thoại và nhắn tin truyền thống. Trung Quốc cũng đang sử dụng 3G để định hình chính sách viễn thông nội địa. Với việc trao giấy phép 3G cho ba hãng di động chính sau khi tái cơ cấu toàn ngành, nước này đang theo đuổi một chiến lược giúp củng cố vị trí của hai hãng di động yếu hơn trong thị trường nội địa. Chi phí giảm Nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng cho mạng 3G tăng nhanh trên toàn cầu đã làm cho giá cả giảm nhanh. Pyramid nhận định rằng các đối thủ đang nổi lên trên thị trường viễn thông là ZTE và Huawei của Trung Quốc như những “tay phá giá”, làm cho các nhà cung cấp toàn cầu đang tìm cách cạnh tranh. Kết quả là các chi phí khấu hao giảm đối với các nhà điều hành và ảnh hưởng tích cực lên chi phí chung. Thứ hai, các cải tiến về thiết kế khiến trạm cơ sở ngày càng trở nên nhỏ gọn và tiết kiệm điện hơn, làm giảm chi phí năng lượng và xây lắp trạm. Mức tiêu thụ điện năng giảm đến 12-15% so với mức tiêu thụ của công nghệ 2G, và một số trạm cơ sở 3G nhỏ đến mức có thể mang đi được, cho phép lắp đặt trên cùng các cột trạm cơ sở 2G hiện tại. Tương tự, điện thoại kết nối 3G được cho là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của 3G, nhất là ở các thị trường mới nổi. Các thiết bị dưới 50 đô-la Mỹ từ lâu đã được xếp vào nhóm giá rất thấp, thích hợp cho khách thuê bao trả trước ở các thị trường mới nổi. Nhưng hiện nay trong danh mục này có mặt nhiều hãng nhỏ khác, chẳng hạn sản phẩm theo thiết kế gốc (ODM) từ Trung Quốc của ZTE hay Huawei đang tiệm cận mức giá này. Nokia mới đây đã giới thiệu thiết bị 3G với giá 80 euro, mặc dù còn cao, tuy nhiên xu thế cho thấy các nhà sản xuất sẽ phải hướng tới các thiết bị dưới 50 đô-la Mỹ trong vài năm tới. Ngắn, trung hay dài hạn? Mức tăng trưởng số thuê bao và doanh thu ở các thị trường mới nổi trong khu vực thời gian qua đã phản ánh mức độ trưởng thành của thị trường cũng như sự cạnh tranh khốc liệt về giá cước. Các nhà điều hành mạng vì thế đang cố gắng duy trì lợi nhuận và nhận thấy cần dịch chuyển lên 3G với kỳ vọng rằng công nghệ mới sẽ nhanh chóng mang lại những lợi ích. Theo Pyramid, điểm khác biệt làm nên thành công giữa các nhà điều hành mạng nằm ở chiến lược phù hợp cho thị trường tầm ngắn, trung và dài hạn. Kinh nghiệm cho thấy dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng là cách nhanh nhất để khai thác lợi thế cạnh tranh bởi các yếu tố: đáp ứng nhanh nhu cầu truy cập băng thông rộng thay cho những hạn chế của dịch vụ cố định; thu hút được các khách hàng thuê bao hạng cao với các gói đàm thoại và dữ liệu; mở rộng được tới các lĩnh vực kinh doanh như phân phối máy tính qua các gói dịch vụ; và các lợi ích về thương hiệu. Trong khi các lợi thế cạnh tranh dài hạn sẽ đến khi các nhà điều hành mạng thực hiện các mô hình kinh doanh, các dịch vụ và ứng dụng mới mẻ và sáng tạo tạo nên mảnh đất cho 3G thể hiện những tác động lớn trên thị trường. Theo Pyramid, ở khía cạnh dịch vụ và ứng dụng mới, các nhà điều hành mạng 3G hiện mới chỉ khai thác trên bề mặt. Doanh thu từ dịch vụ tải nhạc chuông và hình ảnh chiếm phần lớn trong tổng doanh thu từ cung cấp dữ liệu. Tuy nhiên, mạng 3G cho dịch vụ tốc độ nhanh hơn hàng trăm lần sẽ thúc đẩy một số lượng lớn dịch vụ nội dung “ăn theo”, cho phép các nhà điều hành mạng thu lợi từ các ứng dụng mang tính đại trà và đặc thù, nhờ thế có thể giảm giá trong khi vẫn duy trì được lợi nhuận cho cả việc điều hành mạng và các hãng phát triển nội dung. Pyramid ước tính hiện trong khoảng một nửa dân số trong khu vực cứ một người sở hữu một điện thoại di động, nhưng chỉ một trong 14 người có sở hữu một máy tính. Như vậy thị trường đại chúng vẫn còn rất hấp dẫn để thu lợi. Trong dài hạn, sự kết hợp 3G và các gói dịch vụ sẽ có tác động đến quá trình vận động giữa các phân khúc khách hàng. Điều này sẽ giúp các nhà điều hành mạng mở rộng quy mô và tăng doanh thu trung bình từ cả ở phân khúc khách hàng có thu nhập cao nhất lẫn các phân khúc tiêu dùng nằm ở dưới đáy của tầng tháp kinh tế.
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com