Tăng trưởng thuê bao có phần chậm lại so với cùng kỳ năm trước, một số nhà mạng lớn bắt đầu có doanh thu từ phần dịch vụ.
Tăng chậm
Giá cước rẻ nên nhiều người dân ở vùng sâu vùng xa được dùng điện thoại di động. Trong ảnh: ông R’Mah Yũ ở huyện Chư Puh (Gia Lai) dùng điện thoại di động.Ảnh: Minh Phúc |
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9.2010, số thuê bao mới của dịch vụ di động là 32,1 triệu, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Chỉ số tăng trên, theo các chuyên gia viễn thông, phản ánh đúng với thực tế của ngành di động Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của một nhà mạng, căn cứ vào thủ tục đăng ký của khách hàng, thuê bao mới từ các tỉnh tăng trưởng mạnh hơn các đô thị. Đại diện nhà mạng này bình luận: “Ước tính thuê bao mới tại các tỉnh ước chừng 30%. Còn tại các đô thị lớn, mức tăng trưởng thấp hơn. Có thể lý giải hiện tượng này là tại các đô thị lớn, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ di động đã ổn định trong khi chính sách của các nhà mạng chỉ tập trung vào những hình thức nhất định”.
Quan sát hoạt động kinh doanh của các nhà mạng, để giữ chân khách hàng, chiêu thức mà các nhà mạng đang thực hiện là tặng cước theo hình thức: tặng 100% giá trị thẻ nạp vào những “ngày vàng” của tháng. Một nhà mạng cho biết, hiện nay, thuê bao trả sau chỉ chiếm chừng 15% trên tổng số thuê bao nên việc áp dụng tặng tài khoản theo mệnh giá thẻ nạp cho thuê bao trả trước hoặc gọi 10 phút chỉ tính một phút… là những cách kinh doanh đang được một số nhà mạng áp dụng. Nếu các nhà mạng lớn như Vinaphone, Mobifone và Viettel áp dụng hình thức “ngày vàng” trong vòng hai tuần, thì các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile lại áp dụng ngày vàng theo chu kỳ hằng tuần. S-Fone đang trong quá trình chuyển đổi mô hình nên các hoạt động khuyến mãi khá im ắng, thỉnh thoảng có gói cước mới nhưng chưa hấp dẫn khách hàng.
Góp còn ít!
Phân tích về tốc độ tăng trưởng thuê bao mới, một chuyên gia viễn thông cho rằng: “Đến lúc các nhà mạng cần khai thác về nội dung hơn là chú ý đến những hình thức khuyến mãi quen thuộc như giảm cước, tặng cước…” Trên thực tế, các nhà khai thác dịch vụ di động đã có các dịch vụ nội dung dành cho chiếc điện thoại, từ mạng 2G cho tới mạng 3G. Ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng tiếp thị bán hàng của Mobifone cho biết, doanh thu từ các dịch vụ phi thoại trong năm 2010 đã tăng lên 30% trong tổng doanh thu. Những dịch vụ phi thoại đang chiếm giá trị cao là nhắn tin, nhạc chờ và đặc biệt là các gói dịch vụ dữ liệu chủ yếu là kết nối internet trên mạng 3G. Doanh thu của dịch vụ dữ liệu trên mạng 2G và 3G của một nhà khai thác dịch vụ mỗi tháng khoảng 40 tỉ đồng.
Từ khi triển khai mạng 3G, doanh số trung bình trên đầu mỗi thuê bao hàng tháng của ba nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel tăng lên, trong đó đóng góp chính là các dịch vụ phi thoại. Tính toán, chỉ số ARPU của dịch vụ di động Việt Nam khoảng 6,2 USD, tăng 30% so với năm trước. Mức tăng như vậy chủ yếu từ dịch vụ vì giá trung bình của các cuộc gọi, theo một chuyên gia, giảm 15% so với năm trước.
Dù có đóng góp vào doanh thu chung nhưng chính các nhà mạng xác nhận, đóng góp của các dịch vụ phi thoại chưa nhiều. Ông Lê Huy Luyện, trưởng phòng phát triển dịch vụ của S-Fone chia sẻ: “Hiện nay các nhà mạng có chú ý đến các đối tượng để khai thác các dịch vụ nội dung. Song, tâm lý của người tiêu dùng vẫn quen với những chức năng cơ bản như nghe, nhắn tin nên vai trò của dịch vụ nội dung còn thấp”.
Tính chung các nhà mạng di động, hiện có gần 200 dịch vụ phi thoại nhưng trong đó không quá 10 dịch vụ là có khách hàng sử dụng.
( Theo TRỌNG HIỀN // Báo Sài gòn tiếp thị Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com