Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Áp dụng chữ ký điện tử: Tiện dụng nhưng chưa phổ dụng

Chữ ký số là vấn đề đã được đề cập nhiều trong vài năm nay, song việc ứng dụng nó ở Việt Nam chưa phổ biến. Hiện đã có hành lang pháp lý về giao dịch điện tử và Trung tâm Chứng thực số quốc gia đã đi vào hoạt động, tuy nhiên các tổ chức chứng thực số công cộng vẫn chưa được cấp giấy phép.


Ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực số quốc gia thuộc Cục Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết, ông có đọc tin trên báo về việc một cựu nhân viên ngân hàng đã biển thủ 50.000 đô-la Mỹ từ tài khoản của một công ty. Ông Khả cho rằng, trong trường hợp này, nếu các đơn vị áp dụng chữ ký số thì kẻ gian nọ đã không thể thực hiện được hành vì lừa đảo. Chữ ký số giúp ngăn chặn tội phạm, tránh gây tổn hại cho quyền lợi của các công ty nói riêng và cho xã hội nói chung.


Chữ ký số hay còn gọi là chữ ký điện tử được xem là một trong những giải pháp an toàn trong việc xác thực trong các giao dịch điện tử. Theo ông Khả, chữ ký số bảo đảm bốn yêu cầu như: bảo mật, xác thực, nhất quán và tính không chối bỏ.


Vì sao chưa phổ dụng?


Theo ông Khả, chữ ký số có vai trò quan trọng và sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều trong các giao dịch thương mại của các doanh nghiệp hay các giao dịch hành chính công của các cơ quan nhà nước.


Chỉ có một số dịch vụ không có yêu cầu cao về tính bảo mật mới không cần thiết ứng dụng chữ ký số. Chữ ký số có thể ứng dụng được ở các tổ chức, đơn vị với quy mô khác nhau, từ nhỏ đến lớn và cho các ứng dụng từ đơn giản đến phức tạp.


Thông thường, có hai ứng dụng chữ ký số: cho giao dịch với bên ngoài và giao dịch trong nội bộ.

 

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu công nghệ mới Nacencomm, cho rằng chữ ký số an toàn hơn chữ ký tay bởi có thể kiểm tra tính xác thực ngay nguồn gốc của nó nhờ chức năng bảo mật và mã hóa trong giao dịch.
 

Tại cuộc hội thảo chuyên đề về chữ ký số trong khuôn khổ của hội nghị An ninh - Bảo mật 2009 diễn ra tại Hà Nội mới đây, một vị đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết đơn vị này đang định đưa phần mềm quản lý công văn đi và đến vào sử dụng nhưng khi triển khai lại gặp khó khăn ở con người chứ không phải ở công nghệ.


Đây là phần mềm quản lý công văn và chuyển công văn đến các phòng ban liên quan, trong đó cần sự ký duyệt của những người lãnh đạo bởi khi ký công văn bằng chữ ký điện tử còn có thể theo dõi và xác thực về thời điểm ký. Thế nhưng, có nhiều người lãnh đạo không muốn dùng chữ ký điện tử mà muốn dùng chữ ký tay vì có thể chủ động về thời gian mà không bị quản lý.


Theo ông Khánh, Luật Giao dịch điện tử đã được ban hành bốn năm nay nhưng chữ ký số vẫn chưa đi vào cuộc sống do nhiều nguyên nhân. Ông Khánh cho rằng việc thiếu sự đồng thuận của những người lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị là một trong những lý do quan trọng cản trở việc ứng dụng chữ ký số. Trong khi đó, xây dựng hệ thống chữ ký số là việc làm khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức.


Do đó, để xây dựng thành công cần có sự quyết tâm cao của lãnh đạo cấp cao nhất, nếu giới lãnh đạo không đồng tình thì khó có thể thực hiện được. Ngoài ra, việc triển khai chữ ký số cũng gây khó khăn bởi quy trình thực hiện yêu cầu tính nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các thao tác, quá trình mã hóa sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc trong giai đoạn đầu ứng dụng.


Bên cạnh đó, khách hàng cũng chưa xác định được mục tiêu và yêu cầu cụ thể của việc ứng dụng chữ ký số của đơn vị mình khiến cho nhà cung cấp giải pháp khó đưa ra được “lời giải”. Thêm nữa, nhiều khách hàng còn băn khoăn về tính pháp lý của chữ ký số vì chưa có nhà cung cấp dịch vụ chứng thực số công cộng nào được cấp giấy phép.


Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Viễn thông số Digicom, cho rằng chữ ký số chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam là do các dịch vụ liên quan như hoạt động giao dịch điện tử chưa được chấp nhận. Người sử dụng e ngại khi sử dụng các dịch vụ này. Mà khi các giao dịch thương mại điện tử chưa lấy được lòng tin của người sử dụng thì chữ ký số cũng sẽ khó phổ dụng.


Ông Khả cho rằng việc triển khai chữ ký số tại Việt Nam đang có sự “lệch pha” giữa mong muốn và điều kiện thực tế. Chữ ký số đang gặp khó khăn về dịch vụ hỗ trợ bởi nó không chỉ đơn thuần là một ứng dụng công nghệ thông tin mà cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố cùng một lúc mới có thể thành công.


“Hiện dịch vụ chữ ký số chưa được xem là một dịch vụ bình đẳng trong nền kinh tế. Trong khi đó đây là dịch vụ cung cấp niềm tin. Cung cấp một chứng thực số tức là cung cấp niềm tin của xã hội và phải chịu trách nhiệm về dịch vụ đó”, ông Khả nói.


Theo quy định của Nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực số phải mua bảo hiểm hoặc phải có sự bảo lãnh của ngân hàng. Đây là điều rất đúng và nhiều nước trên thế giới đều làm như thế. Mục đích của nhà nước khi đưa ra các quy định đó là bảo đảm có nguồn tiền bảo vệ cho khách hàng. Tuy nhiên việc bảo lãnh cho dịch vụ này ở Việt Nam cần thêm một thời gian ngắn nữa bởi dịch vụ chữ ký số còn quá mới nên dịch vụ hỗ trợ nhiều khi chưa theo kịp hoặc chưa dám hỗ trợ. Ông Khả nhấn mạnh: “Việc triển khai chữ ký số không phải do một tổ chức, một cá nhân mà phải do cả cộng đồng cùng thực hiện mới hy vọng thành công”.


Đề xuất, kiến nghị


Ông Foo Jong Ai, Tổng giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ chứng thực Netrust (Singapore), cho rằng để chữ ký số phổ dụng cần có một giải pháp đơn giản, dễ triển khai cho người sử dụng.


Ông Khả cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu phát triển mô hình của chữ ký số để đưa ra những biện pháp thúc đẩy cũng như chế tài cho phép mở rộng thị trường, giúp các doanh nghiệp có niềm tin và đầu tư lớn để đưa ra những giải pháp hoàn thiện. Trung tâm Chứng thực số quốc gia đang nghiên cứu và đề xuất giải pháp kết nối các đơn vị cấp chứng thực số nội bộ trong các ngành, các tổ chức với các đơn vị cấp chứng thực công cộng. Nếu không thì các chứng thư số cấp phát nội bộ của các đơn vị sẽ không thể giao dịch được với nhau hoặc với các chứng thư số công cộng.


Điều kiện pháp lý cho chữ ký số tại Việt Nam còn đang hoàn thiện nhưng cũng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, bên cạnh những quy định chung của nhà nước, mỗi đơn vị cần ban hành những quy định cụ thể riêng, phù hợp với thực tế và điều kiện của mỗi ngành, cơ quan thì việc triển khai chữ ký số mới có thể thành công.


Ông Khánh đề nghị Nhà nước nên tập trung giải quyết những vướng mắc tồn đọng để hỗ trợ những tổ chức muốn triển khai chữ ký số; cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thủ tục để có thể cấp giấy phép và cần có chính sách khuyến khích các đơn vị chứng thực số công cộng, thúc đẩy được các hoạt động thương mại về chữ ký số, giảm bớt những rào cản và không nên quá cầu toàn trong công tác quản lý.


Hơn nữa, cần có chế tài để các cơ quan nhà nước chấp nhận chữ ký số, tránh tình trạng khi có chữ ký số gửi đến các cơ quan nhà nước họ lại vẫn yêu cầu chữ ký tay có đóng dấu. Các cơ quan nhà nước nên đưa ra những danh mục dịch vụ hành chính công bắt buộc phải áp dụng chữ ký số…    

Một số sự kiện liên quan đến chữ ký số

Năm 2005: Luật Giao dịch điện tử được thông qua.

Năm 2006: Nghị định về giao dịch điện tử trong ba ngành tài chính, thương mại và ngân hàng được ban hành.

Năm 2007: Nghị định quy định chi tiết việc thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và chứng thực chữ ký số được ban hành. Nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của TP.HCM được đăng ký.

Năm 2008: Danh mục các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và chứng thực chữ ký số ; Quy chế báo cáo của các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được ban hành.

Năm 2009: Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Ngân hàng Nhà nước được đăng ký. Có thể có nhiều nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động.

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã khóa công khai. Mỗi người dùng chữ ký số phải có một cặp khóa (keypair) gồm khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key). Khóa bí mật dùng để tạo chữ ký số. Khóa công khai dùng để thẩm định chữ ký số hay xác thực người tạo ra chữ ký số đó. Hạ tầng mã khóa công khai cần được nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử (CA) cấp chứng thư cho người sử dụng và chứng thực chữ ký số được tạo ra bởi khóa bí mật của người sử dụng tương ứng với khóa công khai có chứa trong chứng thư của người sử dụng đó.

Nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử (CA) phải xây dựng và duy trì hạ tầng máy chủ phục vụ việc chứng thực chữ ký số của người sử dụng. Chứng thực chữ ký số là hoạt động chứng thực thông tin của người tạo ra chữ ký số có tương ứng với chứng thư của người sử dụng đó được cấp bởi CA hay không. Hệ thống chứng thực điện tử cung cấp cho người sử dụng những công cụ kỹ thuật cần thiết để thực hiện việc chứng thực nguồn gốc và nội dung thông tin, mã hóa và bảo mật thông tin.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Mỹ chú trọng "chiến tranh trên mạng"?
  • Các thấu kính lỏng tạo ra lade dẻo cực nhỏ trên chip
  • Những công nghệ bảo mật mới hấp dẫn tại Infosec 2009
  • Blackberry Curve qua mặt iPhone
  • Gần 1/3 người dùng Internet lo sợ thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp khi mua sắm trực tuyến
  • Samsung ra mắt điện thoại Android đầu tiên
  • Microsoft mở cửa kho ứng dụng cho các nhà phát triển
  • 5 phát minh công nghệ làm thay đổi thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị