Hơn một tháng nay, người dùng thiết bị di động ở Việt Nam nhận được lời mời kết nối qua ứng dụng di động Wala. Đăng nhập qua số điện thoại, bạn có thêm các mối quan hệ thông qua hình ảnh chia sẻ... "Sau một tháng thử nghiệm, chúng tôi có được 15.000 người dùng", tiến sĩ Nguyễn Quốc Minh, một trong những người sáng lập công ty Wala cho biết.
Vậy Wala - quá lạ, như lời giải thích của nhóm phát triển - có gì lạ so với các ứng dụng chat, chia sẻ trên mạng xã hội như Facebook, Twitter hay We Chat hoặc Zalo? Nguyễn Quốc Minh cho biết thêm, đó là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi sản phẩm mà công ty đưa ra, dựa trên định hướng xây dựng công nghệ lõi để phục vụ cộng đồng người sử dụng di động tại Việt Nam.
Đón làn sóng di động
Năm 2010, trở về Việt Nam sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ công nghệ thông tin ở George Tech (Mỹ), Nguyễn Quốc Minh quan sát thăm dò thị trường. Quốc Minh nói: "Nếu như ông Mã Vân biết đón sóng internet để từ Canada về Trung Quốc lập nên Alibaba, thì cơ hội tương tự sẽ đến với di động khi điện thoại thông minh ngày càng phát triển". Niềm tin đó lớn tới mức vị tiến sĩ 30 tuổi này thuyết phục được người bạn đang ở Mỹ là tiến sĩ Nguyễn Thanh Hoà cùng về nước để xây dựng dự án. Ông Hoà chia sẻ: "Cái khó không chỉ ở tính chất khởi nghiệp, mà còn là gia đình, khi vợ con sống ở Mỹ". Từng tham gia một dự án tương tự khi là nghiên cứu sinh năm thứ nhất ở Mỹ mà sau này bán lại cho Google với giá 13 triệu USD, Nguyễn Thanh Hoà chia sẻ: "Dự án đầu là của người ta. Còn tham gia Wala là làm cho chính mình".
Cứ vậy mà số người tham gia tăng dần. Sau Hoà là thạc sĩ Phạm Đình Quốc Hưng ở Nga. Là Nguyễn Ngọc Dũng, người đang làm trưởng phòng cho một công ty chuyên phần mềm bảo mật ở Việt Nam. "Tới nay, nhóm có 15 người cùng làm" - Nguyễn Thanh Hoà cho biết. Để có sản phẩm đầu tay, nhóm làm việc thâu đêm, suốt sáng. Ông Hoà, người tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ rằng, kinh nghiệm rút ra từ dự án khởi nghiệp đầu tiên là tinh thần làm việc chăm chỉ. "Nói đúng ra là phải cày", vị tiến sĩ nói với chất giọng xứ Nghệ. Thanh Hoà cho biết thêm, cũng có người trước đây quen làm việc tuần sáu ngày, nhưng cứ thấy Hoà hay Minh làm việc tới ba, bốn giờ sáng, kể cả chủ nhật, rồi họ cũng quen với guồng máy ở nơi mới.
Với người dùng, Wala là ứng dụng để kết nối bạn bè, chia sẻ ảnh, hay sau này có thêm tính năng thoại. Với những người như Minh, Hoà hay Hưng là bao bài toán khó phải giải quyết. Đó là công nghệ nén, công nghệ phân tán, xử lý song song, rồi là vấn đề bảo mật. Trong con mắt của những người chủ chốt về công nghệ như Minh, Hoà, Hưng, còn là tham vọng xử lý và cung cấp thông tin đúng đối tượng, một bài toán thời sự trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay.
Cứ đi rồi sẽ tới
Nghe Minh nói chuyện về Wala, về sản phẩm, có đôi lúc, người nghe cảm giác mình đang gặp một nhà kinh doanh hơn là một chuyên gia về kỹ thuật. Ông Minh nói: "Một công ty công nghệ muốn tồn tại phải có lợi thế cạnh tranh về kỹ thuật. Do vậy, phải nắm được công nghệ lõi". Đó cũng là điều làm Quốc Minh tâm đắc khi bước chân vào giảng đường và gặp Brian Cooper, người cùng chung phòng thí nghiệm với Lary Page. "Tất cả các bạn ở đây sẽ thay đổi thế giới". Điều kiện kèm theo là bạn phải sở hữu công nghệ nào đó. Để làm được điều này, những người gầy dựng công ty có thương hiệu mang hình trái dưa hấu cắn dở, đổ công sức để tập hợp lực lượng, cùng nhau nghiên cứu và đào tạo nhân lực. Nguyễn Thanh Hoà chia sẻ: "Trái dưa đỏ gắn với sự tích Mai An Tiêm và việc khắc tên trên vỏ dưa là một hình ảnh minh hoạ cho sự giao tiếp. Đây cũng là trái cây có mặt ở nhiều nơi trên thế giới". Chữ W được cách điệu thành hai trái tim lồng nhau vừa thể hiện tên doanh nghiệp vừa thể hiện sự kết nối.
Hiện số người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam, theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, chiếm 22% thuê bao di động. Khi thiết bị ngày càng rẻ, số lượng sử dụng ắt hẳn sẽ còn tăng lên nữa. Quốc Minh cho biết, sở hữu công nghệ lõi, họ sẽ phát triển thành nền tảng cho môi trường di động, để từ đó, mở rộng ra các dịch vụ nội dung cho công ty cũng như các doanh nghiệp khác cùng khai thác.
Rủi ro cho các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp như Wala là bài toán phát triển và khả năng tồn tại cho đến khi thị trường bùng nổ. Quốc Minh giải thích: "Nếu thất bại, mất mát lớn nhất là thời gian đã bỏ ra. Coi như đó là chi phí cơ hội vậy". Còn Thanh Hoà có cách nhìn khác. Cựu học sinh chuyên toán Phan Bội Châu (Nghệ An) nói: "Lương cho một người mới ra trường ở Mỹ là 60.000 USD. Ở Việt Nam, mình có thể nuôi quân được một năm".
Tương lai của trái dưa hấu Wala, theo ba người định hướng doanh nghiệp mới thành lập hồi tháng 6.2012, do thị trường quyết định. Từ trải nghiệm của mình, Thanh Hoà chia sẻ như một cách trả lời: "Khi khởi nghiệp thì cứ quan niệm, cứ đi rồi sẽ tới.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com