Trong tương lai, chúng ta sẽ được đọc báo trên một thiết bị mỏng và nhỏ như thế này. |
Một ngày nào đó có thể bạn sẽ đọc tờ báo yêu thích của mình, và cả tờ TBVTSG này nữa, trên một thiết bị chỉ dùng để đọc báo (e-reader). Đó là một tờ nhựa mỏng, cỡ tờ giấy A4, có thể mang ra bãi biển hoặc lên tàu xe. Ngày ấy, cũng không còn xa lắm, và có thể chính là ngày tàn của báo giấy…
Thế giới sách báo in trên giấy đang chật vật cạnh tranh với những tập đoàn như Google và Yahoo!, những kẻ đăng quảng cáo trên các thiết bị thân thiện với Internet. Cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt và nhiều người đã nhìn thấy giai đoạn suy tàn của sách báo in.
Trong thực tế, Internet vẫn chưa trở thành cỗ máy in tiền mà ngành xuất bản toàn cầu, có doanh thu mỗi năm lên tới 300 tỷ đô-la Mỹ, hy vọng. Doanh số quảng cáo trực tuyến đang tăng nhưng chưa đủ bù lại sự sút giảm của quảng cáo trên báo in.
Nếu Internet không làm được thì cái gì có thể cứu những tạp chí được yêu thích khỏi sự tàn lụi ? Các công ty báo chí như News Corp, Hearst và Time Inc. đang hướng tới một thế hệ mới gọi là e-reader (thiết bị đọc báo kỹ thuật số).
Những thiết bị điện tử cầm tay này có phần giống với máy Kindle của hãng Amazon, hay Sony Reader của Sony đang bày bán trên thị trường, dùng “mực điện tử” để hiển thị nội dung bài báo lên một màn hình rộng và mỏng, giúp người đọc có cái cảm giác quen thuộc như đọc báo giấy.
Công nghệ đã sẵn sàng
Ngày nay, máy Kindle và Sony Reader chỉ phù hợp với sách bởi vì màn hình 6 inch đen trắng của chúng không gây hứng thú khi đọc và không tạo môi trường thu hút quảng cáo như báo và tạp chí in trên giấy.
Để khắc phục các điểm yếu này, hiện đang có ít nhất một chục công ty – từ những gã khổng lồ như Hewlett-Packard và Fujitsu cho đến những kẻ mới khởi nghiệp như Polymer Vision, FirstPaper và Plastic Logic – đang đua nhau phát triển loại máy e-reader. Vài mẫu đầu tiên có thể sẽ xuất hiện trên thị trường vào cuối năm nay.
Được thiết kế theo yêu cầu của báo và tạp chí, những mẫu máy này có màn hình rộng, có kết nối không dây để tải nội dung, có độ phân giải cao, có màu và có thể trình chiếu video. Hãy hình dung, bạn tải số mới nhất của tạp chí mà mình thích vào một màn hình bằng nhựa mỏng, vừa nhẹ vừa bền, có thể bỏ gọn trong túi xách mang ra bãi biển hoặc ra vườn ngồi đọc dưới ánh nắng. Độ phân giải màn hình cao tới mức hình ảnh hiện ra sắc nét và rực rỡ không kém các tờ tạp chí bán ngoài sạp báo…
Kenneth Bronfin, Giám đốc bộ phận truyền thông tương tác của tập đoàn Hearst – chủ sở hữu các tờ nhật báo như San Francisco Chronicle và các tạp chí như Esquire, nói : “Nghe như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng thật ra mọi công nghệ cần thiết đều đã có sẵn.” Giới công nghệ nói rằng Hearst sắp tung ra một loại e-reader không dây màn hình rộng dành cho việc đọc báo và tạp chí. Các tờ báo có thể in “măng-sét” của mình lên thiết bị của Hearst và định dạng nó, cũng như thiết lập cách thức “bán” nội dung đến độc giả dài hạn.
Đi tìm mô hình kinh doanh
Báo chí dựa vào doanh thu từ độc giả dài hạn và quảng cáo. Hiện thời doanh thu phát hành và quảng cáo đều suy giảm do khủng hoảng kinh tế, giá giấy in báo và phí gửi báo qua bưu điện lại tăng, gây khó khăn rất nhiều cho các tòa báo. E-reader có thể giúp giảm các khoản chi phí như giấy, mực in, công in và phí phát hành hiện chiếm tới hơn 50% tổng chi phí sản xuất báo in. Và e-reader còn tốt cho môi trường vì tình trạng đốn cây rừng làm giấy sẽ giảm.
Nhưng các tòa báo không thể bỏ báo in, chuyển hoàn toàn sang “báo mạng” mà vẫn giữ nguyên được doanh số phát hành và quảng cáo. Chưa ai nghĩ ra được một mô hình kinh doanh tối ưu nào cho vấn đề này.
Một phương án được đặt ra là các tòa báo bán nội dung thông tin cho các nhà sản xuất máy e-reader như Plastic Logic, Sony, Amazon… hoặc cho các công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông như AT&T, Verizon Wireless… Những công ty này sẽ bán và quản lý các thiết bị e-reader, sau đó cung cấp cho khách hàng những gói thông tin báo chí, theo kiểu các công ty truyền hình cáp mua nội dung các kênh truyền hình rồi cung cấp cho khán giả có thu phí.
Độc giả có thể mua dài hạn một vài tờ báo mình thích và cũng có thể đặt mua trọn gói những tờ báo, tạp chí chuyên về một lĩnh vực nào đó như báo kinh tế, thể thao, giải trí… Anthony Lewis, Phó chủ tịch tập đoàn Verizon Wireless, nói rằng Verizon sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho mọi loại máy e-reader, vấn đề là các nhà sản xuất thiết bị và các tòa báo sẽ hợp tác với nhau như thế nào.
Hiện nay, tập đoàn News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đang rất quan tâm tới e-reader. Ông Murdoch luôn tin rằng, vai trò của truyền thông là cung cấp thông tin cho công chúng một cách thuận lợi nhất, bằng bất cứ phương tiện nào. Điều đó hàm ý rằng News Corp có thể sẽ lao vào cuộc kinh doanh e-reader, cả phần cứng và phần mềm. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gai góc.
Khi thế hệ kế tiếp của máy e-reader chuyên dùng để đọc báo xuất hiện vào cuối năm nay, giá mỗi chiếc có thể lên tới 800 đô-la. Chẳng lẽ độc giả bỏ ra số tiền đó mua một chiếc máy chỉ có thể tải về báo Wall Street Journal (WSJ), New York Post và vài tạp chí do News Corp sở hữu ? Rõ ràng là, bất cứ tập đoàn báo chí nào muốn tham gia trò chơi e-reader đều phải cung cấp một hệ thống mở, cho phép người sử dụng tải về tất cả các loại báo và tạp chí nào có ấn bản điện tử. Người kinh doanh thiết bị và hệ thống đó lại phải đi thương thảo bản quyền với tất cả các tòa báo, các đối thủ cạnh tranh để xây dựng một danh mục báo chí mà độc giả của mình có thể tải xuống được – đó là một công việc thiên nan vạn nan, có thể dẫn tới cuộc tranh chấp dai dẳng về tiền bản quyền.
Không còn miễn phí nữa ?
Có một thực tế phổ biến là người đọc ngày nay đã quen lấy thông tin miễn phí từ mạng Internet. Thuyết phục họ phải trả tiền cho những nội dung họ từng xem miễn phí là việc đội đá vá trời. Đã có tiền lệ như vậy. Từ khi các tờ báo WSJ, Financial Times và tạp chí Consumer Reports bắt đầu thu của người đọc trên mạng khoản phí đọc báo hằng năm thì số người truy cập trang báo của họ giảm hẳn.
Hiện thời, số người đọc WSJ trên mạng (đóng phí mỗi năm 103 đô-la) chỉ còn 6 triệu lượt mỗi tháng, chưa bằng một nửa so với số 14 triệu lượt truy cập hằng tháng của New York Times điện tử (miễn phí). Nhưng năm ngoái, tập đoàn News Corp thu được 100 triệu đô-la tiền đọc báo WSJ trên mạng, và nếu nội dung tờ báo hấp dẫn hơn nữa, sau này họ có thể thu phí những người đọc báo WSJ trên máy e-reader.
Vài chuyên gia tin rằng người đọc có thể trả tiền cho từng bài báo họ tải về, theo kiểu tải nhạc từ trang iTunes về máy nghe nhạc iPod hoặc điện thoại iPhone của Apple. Nhưng các cuộc khảo sát cho thấy, trừ âm nhạc và phim ảnh, công chúng rất ngại trả tiền cho các nội dung tin tức trên mạng.
Làm sao thu hút quảng cáo?
Nếu số người đăng ký đọc báo dài hạn tăng lên nhiều thì các nhà quảng cáo sẽ tìm tới, với điều kiện là e-reader cung cấp một môi trường mà trong đó các mẩu quảng cáo trông thật bắt mắt. Các công ty sản xuất máy e-reader như Plastic Logic hy vọng sẽ duy trì được cái cảm giác giống như đọc báo hoặc tạp chí in trên giấy tốt. Richard Archuleta, CEO của công ty Plastic Logic, nói: “Thiết bị của chúng tôi có kích cỡ một tờ tạp chí, cho nên nó có thể giữ nguyên phong cách trình bày, hình ảnh, thiết kế – và tất cả các mẩu quảng cáo – vốn là những bộ phận làm nên thương hiệu của một tờ tạp chí”.
Nhưng điều làm cho các tòa báo lo lắng nhất là dù sao mô hình kinh doanh e-reader cũng sẽ khó thu hút quảng cáo hơn báo in. Hiện thời, giá quảng cáo trên ấn bản điện tử (online) của các tờ báo thấp hơn rất nhiều so với trên báo in mà doanh số quảng cáo điện tử vẫn rất thấp.
Một vấn đề nữa : báo in thường được chuyền tay từ người này sang người khác và tòa báo được trả tiền tùy theo “độ lan tỏa” của ấn phẩm ; trong khi đó hiếm có người đọc nào dám cho chuyền tay cái e-reader có giá 800 đô-la.
Những người ủng hộ e-reader cho rằng, môi trường báo điện tử sẽ hấp dẫn đến mức các công ty quảng cáo sẵn sàng trả nhiều tiền hơn mức hiện nay họ đang trả cho quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là khi mẩu quảng cáo của họ xuất hiện trong những tờ báo mà độc giả phải trả tiền mới đọc được. Tòa báo cũng có thể chứng minh cho khách hàng quảng cáo thấy ai đã đọc mẩu quảng cáo của họ và đọc trong bao lâu. Cuối cùng, thì cho dù giá quảng cáo trên e-reader có thấp hơn báo in thì tòa báo cũng bù lại được bằng khoản tiết kiệm tiền giấy, công in và chi phí phát hành.
Dẫu vậy, theo ông David Smith, CEO của công ty quảng cáo kỹ thuật số Mediasmith, có trụ sở tại San Francisco, thì thu hút quảng cáo không phải là chuyện một sớm một chiều. “Chừng nào e-reader chưa được sử dụng rộng rãi tới mức tạo ra một khối lượng tới hạn (critical mass) thì những phương tiện truyền thông khác, như điện thoại di động chẳng hạn, vẫn có ưu thế hơn. Tôi tin rằng người ta sẽ đăng quảng cáo trên e-reader nhưng việc đó sẽ không xảy ra trong năm nay hoặc năm sau”, ông Smith nói.
E-reader, điện thoại hay netbook?
Để được sử dụng rộng rãi, máy e-reader phải giảm giá thật mạnh. Theo một nghiên cứu của Học viện Báo chí Reynolds thuộc Đại học Missouri, người ta chỉ mua e-reader nếu giá của nó không quá 200 đô-la, một mức giá quá “bèo” so với mức 800 đô-la mà các nhà sản xuất dự kiến cho thế hệ e-reader kế tiếp. Có thể rồi đây, các tòa báo phải tìm cách trợ giá máy e-reader theo kiểu các công ty viễn thông trợ giá máy điện thoại di động để thu hút khách thuê bao mới.
Một trở ngại nữa là sự cạnh tranh giữa e-reader với các thiết bị truyền thông điện tử giống như nó, chẳng hạn như điện thoại di động thế hệ mới. Hiện nay đã có nhiều người đọc sách báo trên điện thoại iPhone, BlackBerry hoặc trên máy netbook nhỏ gọn. Liệu họ có muốn mang thêm bên mình một thiết bị điện tử nữa hay không ? Ông Steve Haber, Giám đốc bộ phận kinh doanh thiết bị đọc kỹ thuật số của Sony, cho rằng mỗi thiết bị phù hợp với một tình huống riêng. “Khi điện thoại di động có chức năng chụp ảnh (camera-phone) ra đời, nhiều người bảo, máy ảnh kỹ thuật số sẽ chết. Trong thực tế, khi bạn cần những bức ảnh thật sự chất lượng, bạn phải dùng máy ảnh. Tương tự, khi thật sự muốn đọc sách báo, bạn cần có e-reader chứ không phải là điện thoại,” ông Haber nói.
E-reader thế hệ mới
Tại bản doanh của Công ty Plastic Logic ở thành phố Mountain View trong thung lũng Silicon của Mỹ, CEO Archuleta lấy ra một tấm nhựa trắng, kích thước 8x11 inch, dày khoảng 1/8 inch và nặng 400 g. Ông chạm tay vào một nút nhỏ trên góc trái và một trình đơn xuất hiện, liệt kê các văn bản, báo và tạp chí đã lưu trữ trong máy. Đây là chiếc e-reader mà Plastic Logic dự định bán ra thị trường vào đầu năm tới, trông giống một tấm bảng tập viết của trẻ con. Một viên pin lithium-ion loại mỏng cung cấp năng lượng cho nó hoạt động vài ngày sau mỗi lần sạc điện. Và cũng giống như máy Kindle của Amazon, Plastic Logic Reader cho phép tải tài liệu từ máy tính hoặc cập nhật từ Internet qua mạng không dây.
Để tạo ra sản phẩm này, Plastic Logic đã mất nhiều năm nghiên cứu và 200 triệu đô-la tài trợ từ các tập đoàn hóa chất Dow Chemical và BASF. Phát minh chủ yếu của họ là tạo ra loại transistor bằng nhựa có thể làm thay công việc của transistor bằng silicon, lại khó bị gãy vỡ. Một lợi thế khác của transistor nhựa là chi phí rất rẻ; chúng có thể được “in” ra chứ không nhất thiết phải chế tạo trong những nhà máy trị giá hàng tỷ đô-la. Transistor nhựa cũng rất bền. Màn hình của Plastic Logic tuy không xếp lại được như giấy nhưng không vỡ khi bị giẫm lên. Ngoài Plastic Logic, các hãng điện tử khác như HP, LG Display và Polymer Vision cũng đang phát triển loại màn hình “mềm” riêng của từng hãng, cho phép người sử dụng xếp màn hình lại và nhét vào túi áo.
Ngoài ra, công nghệ sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) dùng cho ti-vi và máy tính – đã có những cơ sở sản xuất khổng lồ. Một khi giải quyết được các bài toán về tiêu hao năng lượng và độ dễ đọc, LCD sẽ có thể kéo giá thành của màn hình xuống rất thấp. Công ty Pixel Qi – một doanh nghiệp mới khởi sự kinh doanh ở California, dự kiến bắt đầu tung ra thị trường trong mùa hè này loại màn hình LCD màu 10 inch, có thời lượng dùng pin dài và hiển thị video sắc nét, chuyên dùng cho các máy e-reader.
“Một khi bạn tạo ra được thiết bị trình chiếu video màu có thời lượng pin lâu thì bạn đã có điều kiện làm cho thiết bị này trở nên hấp dẫn và đó là điều căn bản để nó được phổ biến rộng rãi. Không làm được như vậy, bạn sẽ thất bại”, giáo sư David Yoffie, trường Kinh doanh Harvard, cựu thành viên ban giám đốc Công ty E-Ink, nhận định.
(Theo tentacgia // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Fortune)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com