Với những lời quảng cáo có cánh như: “bảo đảm key xịn 100%” hay “cam kết hoàn tiền 100%...”, chắc chắn sẽ cuốn hút nhiều người. Tuy nhiên, tiền nào của nấy, độ tin cậy của những key này cũng... cực thấp!
Những phần mềm có key giá rẻ được rao bán kể trên chủ yếu của hãng M., như hệ điều hành Windows 7 được rao bán từ 60.000 đồng - 100.000 đồng, tùy phiên bản; hệ điều hành Windows Vista hay XP thì chỉ 50.000 đồng, phiên bản bất kỳ.
Đó là những mức giá bèo bọt vì một hệ điều hành chính hãng có giá rẻ nhất cũng đã 860.000 đồng (Windows 7 Starter - phiên bản thấp nhất của dòng Windows 7). Ngoài ra, các phần mềm diệt virus, spyware cũng được rao bán tràn lan, chủ yếu là của hãng K. với giá chỉ bằng... 1/7 giá chính hãng.
Vấn đề được đặt ra là: “Những key này là key lậu hay key chính hãng được bán với giá rẻ?”. Thực tế, những key giá rẻ tồn tại song song hai dạng trên.
Có khi key lậu cũng được xem như key chính hãng vì bị hacker tìm ra giải thuật mã hóa tạo key đăng ký phần mềm, song key lậu không được khai báo từ server của hãng nên khi người dùng sử dụng tính năng cập nhật trực tuyến sẽ bị khóa phần mềm. Còn những key cho phép cập nhật trực tuyến đương nhiên trở thành “key chính hãng”.
Vì sao “key chính hãng” dạng này lại rẻ vô đối như vậy? Một người bán hàng trực tuyến giải thích: “Nhờ được mua số lượng lớn bên Mỹ đưa về VN phân phối lại hưởng chênh lệch”.
Thật sự, nguồn key “chính hãng” này được đăng ký mua hẳn hoi nhưng bằng cách thức thanh toán trực tuyến từ nước ngoài thông qua một tài khoản ngân hàng đã bị hack. Key phần mềm từ nguồn này là key chính hãng 100% nhưng rủi ro cho người sử dụng rất cao, bởi lẽ khi chủ tài khoản phát hiện, báo cho hãng thì những key dạng này sẽ lập tức bị đưa vào “danh sách đen”. Khi đó, người mua chịu thiệt.
Đã có trường hợp người mua phản ánh với ban quản trị một trang web mua bán rằng sau khi mua, key bị khóa nhưng người bán đã biệt tăm. Ban quản trị cũng chỉ biết hủy nick của người bán chứ không có cách nào để bảo vệ người mua.