Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến hạn chót để các thuê bao điện thoại di động trả trước phải đăng ký thông tin cá nhân.Các mạng đều khẳng định việc đăng ký thông tin cá nhân đối với thuê bao trả trước hiện lên đến con số là 99,8%, nhưng có tới 50% thuộc diện đăng ký trên 3 sim/mạng cần phải đăng ký lại theo quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong khi đó, các nhà mạng đang phải đối mặt với việc mặc dù đã gửi tin nhắn thông báo tới những thuê bao cần phải đăng ký lại nhưng nhiều khách hàng vẫn làm ngơ.
Lúng túng, nhưng sẽ gỡ dầnTrong buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các mạng di động như Viettel, VinaPhone, MobiFone, S-Fone, Vietnamobile và Gtel, đại diện những doanh nghiệp này đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông là siết chặt công tác quản lý thuê bao trả trước.
Các nhà mạng cũng đã đưa ra con số đáng báo động là trong tổng số thuê bao trả trước hiện nay thì có tới 50% (khoảng vài chục triệu thuê bao) đang nằm trong tay 3 triệu đối tượng, mà phần lớn là các đại lý kinh doanh sim.
Một số chuyên gia viễn thông cho rằng, việc quản lý thuê bao trả trước của cơ quan quản lý nhà nước và các mạng di động đang bị các đại lý lũng đoạn.
Bởi đã từ lâu, khách hàng muốn sử dụng dịch vụ điện thoại di động chỉ cần ghé vào bất cứ cửa hàng bán sim, thẻ nào là có thể sở hữu một simcard đã có đủ các thông tin cá nhân do các đại lý làm hộ, dẫn đến tình trạng hiện nay, nhiều thuê bao đang sử dụng có đăng ký thông tin cá nhân nhưng không phải là tên và địa chỉ của mình.
Không chỉ vậy, các đại lý còn nghĩ ra đủ "kế" để "né". Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 18/10, mỗi cá nhân thuê bao chỉ được sử dụng không quá 3 sim/mạng nhưng các đại lý đã "đổ xô" xin thành lập doanh nghiệp để được sở hữu nhiều sim hơn để bán cho khách hàng.
Trao đổi với phóng viên, không ít lần đại diện mạng VinaPhone, MobiFone đều phản ánh, khó khăn nữa mà các mạng đang gặp phải là không có cơ sở dữ liệu chứng minh thư để đối soát thông tin cá nhân của khách hàng. Đây là vấn đề nan giải cho cả ngành viễn thông Việt Nam.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, công tác quản lý thuê bao trả trước phải được siết chặt, từ đó mới giảm thiểu đuợc tình trạng khách hàng bị lợi dụng, quấy rối điện thoại hay sử dụng vào các việc phạm pháp.
Quan điểm dứt khoát của Bộ là sau ngày 31/12, các thuê bao trả trước không đăng ký thông tin cá nhân sẽ bị cắt liên lạc.
Đối với lượng thuê bao lớn nằm ở dạng 3 triệu đối tượng (chủ yếu là đại lý) đăng ký trên 3 sim/mạng rồi bán ra thị trường, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chỉ đạo các mạng cần thông báo ngay tới những thuê bao có thông tin đăng ký "mượn" này để đi đăng ký lại; thiết lập cổng thông tin để các thuê bao có thể kiểm tra được thông tin thuê bao của mình có phải là chính chủ và có chính xác hay không.
Đảm bảo quyền lợi cho khách hàngTheo ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng có trên 3 sim đang sử dụng, khách hàng có thể chuyển tiền (trong tài khoản gốc) sang tài khoản gốc của một trong 3 sim được đăng ký giữ lại bằng dịch vụ I-share.
Các mạng VinaPhone, MobiFone cũng đã áp dụng hình thức tương tự đối với các thuê bao. Trong quá trình các thuê bao đăng ký lại sim, VinaPhone còn đưa ra các biện pháp nhằm tránh việc lợi dụng việc đăng ký này để chiếm đoạt sim số đẹp. Khách hàng sẽ không mất bất kỳ chi phí nào khi tiến hành đăng ký lại thông tin cá nhân.
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trụ,Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói: "Số tiền tài khoản gốc của thuê bao sở hữu trên 3 sim/mạng khi đi đăng ký lại phải chuyển lại sang tài khoản gốc của một trong 3 sim mà khách hàng đăng ký giữ lại".
Theo ông Trụ, đối với tài khoản khuyến mại, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo Luật Khuyến mại nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Đại diện MobiFone cũng khuyến cáo, khách hàng mua sim từ các đại lý, cửa hàng mà không đăng ký thông tin cá nhân nên tự kiểm tra lại với nhà mạng để tránh việc bị cắt liên lạc mới biết.
Có thể "nghẽn" nếu đổ xô đăng kýĐại diện Viettel cho biết, cách đây 2 tháng, mạng này đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và hệ thống tại gần 100.000 điểm đăng ký thông tin là các đại lý, điểm bán, cửa hàng trực tiếp được ủy quyền để phục vụ khách hàng.
Từ ngày 10/8 đến nay, đã có khoảng 11 triệu sim của Viettel đã được đăng ký lại thông tin cá nhân. Như vậy hơn 1 tháng nữa, 12 triệu sim sẽ phải tiến hành đăng ký lại thông tin cá nhân nếu muốn tiếp tục được sử dụng.
Không chỉ Viettel mà các mạng di động đều có chung lo ngại tâm lý "nước đến chân mới nhảy" của các khách hàng, tức là chờ đến ngày chót cuối năm nay mới đổ xô đi đăng ký thông tin cá nhân.
Như vậy, nhiều khả năng các mạng di động sẽ bị nghẽn tại các điểm đăng ký nếu số lượng khách hàng đến đăng ký quá đông (bởi hình thức đăng ký qua tin nhắn không được áp dụng). Đó là chưa kể các mạng di động mới như Vietnamobile đang có quá ít các điểm giao dịch.
Ngoài ra, một tình huống xấu nữa mà các mạng sẽ phải đối mặt là hàng loạt khách hàng sẽ thắc mắc khi sim điện thoại của mình bị cắt đứt liên lạc...
Nhằm tạo điều kiện cho các điểm giao dịch cũng như giảm thiểu khó khăn cho đại lý, nhà mạng, mạng MobiFone đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét việc kết nối dữ liệu thông tin của khách hàng có thể qua điện thoại di động 3G chứ không phải bắt buộc phải có hệ thống máy tính.
(Theo TTXVN)