Liên tiếp nhiều ngày qua, chất lượng mạng di động tại Hà Nội giảm sút nghiêm trọng. Trên thực tế, đây chính là "bệnh cũ tái phát" của các nhà mạng khi mà lượng thuê bao tăng cao, năng lực đáp ứng không theo kịp.
Bên cạnh đó còn là vấn đề rào cản từ phía chính quyền, người dân trong việc không cho DN lắp trạm thu phát sóng (BTS).
Cảnh báo sụt giảm chất lượng mạng
Vào những năm từ 2005 - 2007, chất lượng mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) luôn là vấn đề nóng. Tuy nhiên sau đó, khi mà các DN đua nhau trồng trạm BTS; thậm chí còn rục rịch chuẩn bị cho 3G thì vấn đề chất lượng dịch vụ đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên thời gian gần đây, "bệnh cũ" của các nhà mạng lại tái phát.
Theo phản ánh của không ít khách hàng thì chất lượng mạng MobiFone, Vinaphone và Viettel đều có vấn đề. Tình trạng chung của những thuê bao (TB) này đều có biểu hiện là sóng đầy, pin tốt, nhưng... không liên lạc được. Chủ TB 090318xxxx cho biết: Sáng 20.11, tôi có cuộc hẹn mở. Tuy nhiên, khi tôi liên lạc với đối tác cũng thuộc mạng MobiFone thì không thể nào kết nối được. Những biểu hiện cụ thể là máy hiện dòng chữ "call not allow" (cuộc gọi không thực hiện được), hoặc "network busy" (mạng bận).
Phải gọi nhiều lần thì mới thành công kết nối, nhưng sau đó lại tự động ngắt cuộc gọi. Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (khu vực Hào Nam - Hà Nội) phản ánh: Trong một buổi sáng, tôi thấy lạ là bạn bè cứ gọi đến số ĐT bàn và nói là liên lạc đến ĐTDĐ không được. Tôi kiểm tra và thấy máy vẫn mở, sóng vẫn đầy. Sau đó, tôi gọi đi thì đúng là... TB quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được.
Một biểu hiện khác của chất lượng mạng thời gian qua còn là việc... mất sóng đột ngột. Tại khu vực Tây Sơn (Hà Nội), tình trạng này diễn ra rất phổ biến khi sóng ĐTDĐ có chỗ, có lúc sụt mạnh, thậm chí là mất hẳn sóng và mất hẳn dấu hiệu hiển thị nhà cung cấp dịch vụ.
Chạy theo không kịp?
Đây là nguy cơ rất thực tế của các mạng ĐTDĐ. Theo các DN thì hiện nay, MobiFone, Vinaphone và Viettel đều có hơn 20 triệu TB. Con số này tăng trưởng theo ngày với trên dưới 40.000/TB/ngày/DN. Trong khi đó, các DN này lại không thể trồng trạm BTS theo đúng kế hoạch. Đại diện các DN cho biết, về mặt công nghệ thì các DN có đủ năng lực đáp ứng.
Tuy nhiên, chất lượng mạng lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Nguyên nhân đầu tiên là sự can thiệp kỹ thuật khi căn chỉnh đồng bộ sóng giữa các trạm. Bên cạnh đó, cũng có khu vực bị nghẽn sóng do lưu lượng cuộc gọi vượt quá khả năng. Với 2 nguyên nhân này, chất lượng mạng bị ảnh hưởng chỉ là cục bộ.
Một nguyên nhân khác gây mất sóng đột ngột chính là việc Hà Nội ngày càng nhiều điểm đen, vùng lõm. Theo tính toán sơ bộ, tại Hà Nội hiện các DN có hàng ngàn điểm như tầng hầm, thang máy, góc khuất khu chung cư... mà sóng di động không thể phủ tới. Lý do là các trạm BTS khu vực đã bị những công trình xây dựng chắn mất vùng phủ sóng.
Thực tế, "quả bóng" này đang được các DN một phần đá về cho các khu vực. Điều này buộc các cơ quan, DN chấp nhận lắp thêm thiết bị kích sóng. Tuy vậy, chất lượng mạng cũng chỉ được cải thiện phần nào.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là việc các DN đang thiếu trạm BTS trầm trọng. Hiện nay tại Hà Nội, tình trạng người dân, thậm chí là chính quyền địa phương ngăn cản không cho xây trạm BTS đã khiến các DN... như ngồi trên lửa. Theo thống kê, hiện mỗi DN cần ít nhất 500 trạm BTS nữa để mạng hoạt động thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này lại là việc quá khó. Thậm chí, các DN cho rằng có ít nhất trên dưới 200 điểm có nhu cầu bức thiết lắp trạm BTS nhưng lại không lắp nổi. Cá biệt nhiều nơi, sau khi trạm BTS lắp xong thì lại bị tháo dỡ.
Các chuyên gia viễn thông nhận định: Với những lý do này, trong đó đặc biệt là năng lực đáp ứng dịch vụ từ số lượng trạm BTS còn hạn chế đã khiến tình trạng sụt giảm chất lượng mạng ngày càng trầm trọng.
Tuy nhiên, đáng chú ý là đến nay các DN vẫn chưa tìm ra giải pháp công nghệ để khắc phục. Bên cạnh đó, DN, chính quyền và người dân cũng chưa có được giải pháp xã hội trong việc lắp trạm BTS. Vì thế trong tương lai gần, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán tới, tình trạng nghẽn mạng cục bộ là khó tránh khỏi.
(Theo Lao động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com