Mặc dù là đối tác ưa thích, nhưng các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chỉ được coi là sân sau khi gia công phần mềm cho các công ty Nhật Bản.
Việt Nam mới chiếm 0,5% thị phần thuê gia công ngoài biên giới của các công ty Nhật Bản |
Được Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) đánh giá là đối tác gia công phần mềm được ưa thích số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng hiện tại, Việt Nam mới chiếm 0,5% thị phần thuê gia công ngoài biên giới của các công ty Nhật Bản.
Trong khi đó, không phải là đối tác được ưa thích, nhưng Trung Quốc chiếm trên 80% thị phần, còn ấn Độ chiếm 15%. Như vậy, có thể hiểu, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế khi “tấn công” vào thị trường Nhật Bản.
Điều này đã được chính các doanh nghiệp Việt Nam chuyên gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản thừa nhận. Ông Bùi Trần Lượng, Phó giám đốc Công ty Phần mềm Luvina cho biết, tuy được nhìn nhận là đối tác thân thiện, nhưng các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản khi thuê gia công phần mềm chỉ coi các doanh nghiệp Việt Nam là sân sau, sau Trung Quốc và ấn Độ.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác công nghệ thông tin Việt - Nhật (VJC), 0,5% thị phần cũng là con số đáng khích lệ. Lý giải cho nhận định của mình, ông Hùng cho biết, sau 5 năm, từ con số không, các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam đã vươn lên là đối tác lớn thứ 3 trong gia công phần mềm với Nhật Bản, chiếm 0,5% thị phần và là đối tác được ưa chuộng nhất. Ông Hùng cũng khẳng định, cơ hội hợp tác của doanh nghiệp hai nước còn rất lớn và nếu khai thác tốt thì thị phần có thể tăng lên 5% trong 5 năm tới, gấp 10 lần so với hiện tại.
Vậy điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi gia công cho thị trường Nhật là gì và làm thế nào để có thể nâng thị phần như kỳ vọng của ông Hùng? Câu trả lời được các doanh nghiệp đưa ra là phải cải thiện nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Hiện tại, số lượng kỹ sư phần mềm làm gia công cho thị trường Nhật còn ít, đặc biệt là đội ngũ lập trình viên vừa thành thạo nghiệp vụ vừa thông thạo tiếng Nhật. Theo ông Lượng, số lượng nhân công mà Trung Quốc cung cấp cho thị trường Nhật Bản gấp hàng trăm lần so với số lượng nhân lực do Việt Nam cung cấp. Hơn nữa, Trung Quốc có lợi thế tương đồng về hệ ngôn ngữ. Ông Lượng cho biết thêm, số lượng kỹ sư Việt Nam có trình độ tiếng Nhật 2-kyu (trình độ tiếng Nhật tối thiểu để đọ với các kỹ sư Trung Quốc) hiện có thể coi là của hiếm.
Chia sẻ nhận xét này, ông Hùng cho biết, Việt Nam hiện chỉ có thể cung cấp cho thị trường Nhật trên 35.000 kỹ sư phần mềm, trong khi Trung Quốc có thể cung cấp tới 200.000 kỹ sư phần mềm/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến đầu năm 2010, vấn đề nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường Nhật Bản sẽ được cải thiện đáng kể. Lý do là, cách đây vài năm, nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin đã đưa tiếng Nhật vào chương trình đào tạo kỹ sư phần mềm.
Đơn cử, Trường đại học FPT sẽ cho ra trường “mẻ” sinh viên đầu tiên vừa có trình độ chuyên môn, vừa biết tiếng Nhật vào giữa năm 2010. Hay như Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng có khoảng 10% sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin được đào tạo tiếng Nhật.
(Theo Huyền Anh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com