Những con số tăng trưởng 40% trong giai đoạn 2002 – 2007 hay dự báo đầy hứa hẹn của IDG về chỉ tiêu tăng trưởng công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam trong năm 2008 chưa thể là lời giải cho bài toán hóc búa về nhận dạng công nghiệp phần mềm Việt.
Không nhiều các phần mềm đóng gói dành cho nhóm sinh viên – học sinh. Ảnh: Minh Phúc |
Cuốn Danh bạ sản phẩm – dịch vụ phần mềm ưu việt Việt Nam 2009 do hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) phát hành thống kê danh sách hơn 100 doanh nghiệp trong nước được cho là đang hoạt động hiệu quả, sản xuất trải rộng tới 15 nhóm sản phẩm khác nhau.
Kỳ vọng xa thực tế
Những số liệu về ngành sản xuất phần mềm Việt Nam được đưa ra tại diễn đàn công nghệ thông tin thế giới (WITFOR) 2009 khá ảm đạm. Các doanh nghiệp được cho là đầu tàu trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm nội địa như công ty phần mềm FPT (F-Soft), tập đoàn công nghệ Tinh Vân tốc độ tăng trưởng đang giảm mạnh. Cụ thể là F-Soft, doanh nghiệp lớn nhất về xuất khẩu phần mềm Việt Nam dự kiến chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong năm nay so với mức tăng 40% và doanh thu 41 triệu USD của năm 2008. Các doanh nghiệp chuyên làm gia công với thị trường Nhật Bản còn gặp khó khăn hơn nhiều. Điển hình như công ty NEC Solutions Việt Nam, doanh thu trong sáu tháng đầu năm đã sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia trong và ngoài nước đều chung quan điểm về tỷ lệ nghịch giữa “chất” và “lượng” của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay. Tính đến tháng 8.2009, Việt Nam có 800 doanh nghiệp phần mềm với hơn 45.000 nhân viên. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp là quy mô nhỏ, thậm chí chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có số lượng nhân viên từ 100 tới 500 người. Không chỉ về quy mô, xét về khía cạnh chuẩn chất lượng, trong 800 doanh nghiệp cũng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp đạt các chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế. Ông Nguyễn Lâm, tổng giám đốc IDG Việt Nam phát biểu: “Phát triển công nghiệp phần mềm là bước đi đúng và có cơ hội cho Việt Nam. Nhưng rõ ràng thực tế về tiềm năng cho thấy Chính phủ cũng như các doanh nghiệp cần rất bình tĩnh suy xét một chiến lược vừa sức, không nên kỳ vọng quá mức so với thực tế”.
Thực tế mà ông Lâm muốn nói tới chính là nguồn nhân lực về phát triển phần mềm tại Việt Nam. Tại cuộc hội thảo về nhu cầu và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam diễn ra trước thềm WITFOR 2009, những hạn chế kìm hãm chất lượng ngành công nghiệp này hoá ra lại rất cơ bản.
Tiến sĩ Denis Kirkpatrick, thuộc đại học Mở Anh quốc, tỏ ra thất vọng về trình độ ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh, ngôn ngữ sử dụng rộng rãi trong ngành CNTT, của các kỹ sư Việt Nam. “Vấn đề nằm ở cả hai phía, người được tuyển dụng trình độ kém quá đông khiến doanh nghiệp đành phải chấp nhận. Nhưng khi tuyển dụng xong doanh nghiệp cũng không ý thức đầu tư đào tạo”, ông này nói.
Chìa khoá: nguồn nhân lực
Một giám đốc doanh nghiệp phần mềm Việt Nam lý giải nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam thực chất chỉ mạnh ở gia công sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn còn tập trung cho những hợp đồng gia công thì trình độ của nhân công cũng khó được nâng cao.
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo ông Trần Tấn Công, tổng thư ký VINASA, ngay lập tức chưa thể có những chuyển biến mạnh mẽ. Ông Công cho biết hiệp hội và các doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho tình trạng khủng hoảng về nguồn nhân lực hiện nay.
Trong trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhóm gian hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được xếp ở vị trí trung tâm nhất. Nhưng chỉ sau ngày khai mạc WITFOR 2009, sức hút của những khu vực này đã giảm hẳn. Có lẽ số lượng và sự bóng bẩy của những gian hàng đã không thể tạo được sức hút khi những sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu những đột phá thực sự.
(Theo Xuân Thi/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com