Việc hợp tác để phát triển truyền thông, nội dung cũng như các dịch vụ, ứng dụng trên mạng xã hội sẽ đem lại cho doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội và nhà cung cấp nội dung (content provider – CP) cơ hội tiếp cận rộng khắp các cư dân mạng và có doanh thu lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không có nhiều tiềm lực về tài chính và nhân sự.
Sau nhiều năm hoạt động như một nhóm viết các trò chơi trên mạng và không thu được kết quả như mong muốn, ông Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hoàng Phát, đã quyết định thành lập công ty vào đầu năm 2011 để có cơ hội tiếp cận các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội thuận lợi hơn.
Cơ hội từ sự hợp tác
Theo ông Tâm, đối với một công ty có quy mô nhỏ, việc tự phát triển, quảng bá cho sản phẩm của chính mình là rất khó khăn, vì thế cần tận dụng nguồn tài nguyên mà nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến đang có sẵn.
Trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến, có rất nhiều sự lựa chọn cho doanh nghiệp muốn tham gia thị trường, trong đó gồm việc phát triển trò chơi MMORPG (trò chơi trực tuyến nhập vai), lên mạng xã hội sẵn có hoặc tự tạo mạng xã hội để đưa trò chơi lên.
Ở Việt Nam, trò chơi MMORPG do đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển không nhiều bởi năng lực còn hạn chế, mà chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu nhà lập trình trò chơi chọn phương thức tự đầu tư để quảng bá trò chơi của mình thì phải bỏ tiền ra đầu tư cho hạ tầng rất lớn. Đó là phải tự đầu tư cho hệ thống máy chủ, đường truyền, băng thông… hoặc mua trọn gói dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) với một gói lớn. Ngoài ra, các CP phải bỏ ra một chi phí lớn để xây dựng chiến lược quảng bá cho sản phẩm, cần thời gian tìm kiếm thành viên và những thành viên này chưa chắc đã sẵn sàng chi tiền vào dịch vụ. Điều này là rất khó với những CP cỡ vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, nếu hợp tác với nhà cung cấp mạng xã hội thì các CP nhỏ và vừa có thể tận dụng được một cơ sở hạ tầng sẵn có, mức độ kết nối sẵn sàng và dịch vụ hỗ trợ khách hàng kịp thời. Các CP chỉ cần có một hoặc hai nhân sự quản lý ứng dụng hay trò chơi của mình đã cung cấp trên mạng, giúp tiết kiệm được chi phí đồng thời tận dụng được cộng đồng mạng xã hội sẵn có để quảng bá sản phẩm mà không mất chi phí xây dựng kênh phân phối và kênh thanh toán trực tuyến.
Theo ông Tâm, kể từ đầu năm 2011, Hoàng Phát đã đưa trò chơi “Đế vương” của mình lên mạng Zing Me và đã thu được những thành công nhất định. Sau ba tháng, doanh thu của công ty liên tục tăng.
Ngoài những điểm thuận lợi mà các CP có thể tận dụng được trên mạng xã hội thì tỷ lệ ăn chia doanh thu cũng là một lợi điểm quan trọng.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, chủ sở hữu mạng Zing Me, cho biết Zing Me sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với các CP. Cụ thể, đối với nội dung hoặc ứng dụng độc quyền thì các CP sẽ được hưởng 70% doanh thu. Đối với sản phẩm không cung cấp độc quyền thì tỷ lệ ăn chia doanh thu sẽ là 50/50.
Thách thức không nhỏ
Mặc dù việc đưa ứng dụng và nội dung lên mạng xã hội có nhiều thuận lợi nhưng trong đó vẫn tồn tại không ít khó khăn khiến nhiều CP phải e ngại.
Việc triển khai dịch vụ trên mạng xã hội với một cộng đồng lớn có lợi thế nhưng cũng phải chịu sức ép. Phục vụ một cộng đồng lớn, nhà cung cấp dịch vụ nội dung sẽ phải đối mặt với cảnh “chín người mười ý” với nhiều ý kiến trái ngược nhau về chất lượng dịch vụ. Do đó, chủ thể của dịch vụ (ở đây là các CP) phải làm sao dung hòa được các ý kiến từ cộng đồng, có quyết định chính xác về nội dung và chiến lược lâu dài của sản phẩm, sao cho sản phẩm có sức hấp dẫn lâu bền.
Các mạng xã hội không có giới hạn về biên giới, múi giờ nên thường xuyên có lượng khách đông đảo. Do đó, các CP phải phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến để giải quyết các sự cố có thể xảy ra. Thêm vào đó, sản phẩm thường xuyên được nâng cấp và bảo đảm phục vụ liên tục, do đó cả hai bên phải có các phương án sao lưu (backup) dữ liệu tốt nhất để bảo vệ dữ liệu của người sử dụng. Nếu không đáp ứng được, việc người sử dụng sẽ từ bỏ dịch vụ ngay sau lần đăng nhập đầu tiên là không tránh khỏi.
Những vấn đề nêu trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi một nhà cung cấp nội dung (không muốn nêu tên) cho hay, để sản phẩm thành công thì vấn đề cốt lõi nằm ở “tiếng nói chung” giữa CP và chủ sở hữu mạng xã hội.
Các chủ sở hữu mạng xã hội nói rằng để cộng đồng phát triển nội dung có thể tham gia vào nền tảng mở thì các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Zing Me và Go.vn cần cam kết cung cấp những công cụ và nền tảng đã đóng gói sẵn cho đối tác để họ phát triển các ứng dụng, nội dung và phát triển người sử dụng. Đồng thời, phía nhà cung cấp mạng xã hội cũng xây dựng sẵn hạ tầng như đường truyền, hệ thống máy chủ cho các đối tác thuê hoặc mượn để phát triển nội dung và ứng dụng của mình.
Tuy nhiên, để các mạng xã hội “mở cửa” cho các CP thì phải có điều kiện nhất định. Đó là, CP phải chứng minh được sản phẩm của mình tốt và phù hợp với thị trường. Sau khi CP chứng minh được điều đó, các chủ sỡ hữu mạng xã hội mới cung cấp cho họ công cụ API (Application Programming Interface) tùy theo cấp độ của các đối tác. API là một giao diện lập trình ứng dụng cung cấp đầy đủ các chức năng và các tài nguyên mà các lập trình viên có thể rút ra từ đó để tạo nên các tính năng giao tiếp giữa các hệ thống khác nhau. Hệ thống giao tiếp lập trình ứng dụng giúp ích rất nhiều cho người sử dụng vì nó cho phép tiết kiệm được nhiều thời gian tìm hiểu các chương trình mới, do đó khích lệ họ dùng nhiều ứng dụng hơn. Một khi được cung cấp API thì các nhà cung cấp nội dung mới có công cụ thực sự tiếp cận với mạng xã hội mà họ muốn đưa ứng dụng lên.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com