Hiện có khá nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội làm phương tiện để truyền thông, quảng bá sản phẩm và dịch vụ từ khoảng một năm nay và mạng này đang trở thành một trong những kênh truyền thông không thể bỏ qua.
Bà Nguyễn Hữu Ngọc Trân, Giám đốc marketing của Vinamilk, cho biết trước đây công ty này chỉ dành một khoản ngân sách nhỏ cho truyền thông trực tuyến, trong đó có truyền thông qua mạng xã hội; nhưng khi xu hướng truyền thông này ngày càng phổ biến trong lúc tình hình kinh tế khó khăn thì Vinamilk phải tính toán lại. Hiện công ty đã phân bổ ngân sách cho truyền thông trực tuyến nhiều hơn, chiếm khoảng 5% ngân sách dành cho tiếp thị. Tuy nhiên, do phải thực hiện rất nhiều kế hoạch, chương trình nên Vinamilk đã thuê các đối tác – là các công ty quảng cáo, truyền thông – thực hiện chương trình truyền thông trên mạng xã hội.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng
Không chỉ Vinamilk, theo Công ty T&A Ogilvy và Công ty quảng cáo Thông minh CleverAds – những đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ truyền thông trên mạng xã hội cho doanh nghiệp, hiện có khá nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội làm phương tiện để truyền thông như Vietnam Airlines, MobiFone, LG, Coca-Cola, Adidas, HTC, Dell, Dove...
T&A Ogilvy hiện đang là đại diện quảng cáo trên mạng xã hội cho gần 50 thương hiệu quốc tế và Việt Nam. Thường các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có nhu cầu cao trong việc sử dụng mạng xã hội để tiếp xúc với người tiêu dùng. Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để lắng nghe sự phản hồi của khách hàng, một số bắt đầu tham gia đối thoại với người tiêu dùng và một bộ phận bắt đầu kiến tạo cộng đồng sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của họ. Một trong những công ty sử dụng mạnh mẽ truyền thông trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm là hãng xe hơi Ford với chiến dịch quảng bá riêng cho dòng xe Fiesta trên Facebook.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG – chủ đầu tư mạng xã hội Zing Me với 6,8 triệu thành viên và là mạng xã hội đông thành viên nhất Việt Nam hiện nay (theo thống kê của Google vào tháng 6-2011), cho biết rất nhiều nhãn hàng, tổ chức, doanh nghiệp như Nestlé, Pond’s, Converse, Samsung, Megastar, Lencil Thái Tuấn… đã chọn mạng xã hội Zing Me làm kênh quảng bá sản phẩm, tổ chức các sự kiện trực tuyến để thu hút khách hàng.
Ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc CleverAds – một trong những công ty sớm cung cấp dịch vụ truyền thông trên mạng xã hội, cho biết trên mạng xã hội doanh nghiệp có thể tổ chức sự kiện, các cuộc thi, giới thiệu chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm mới và lấy ý kiến của khách hàng về sản phẩm.
Do việc thực hiện truyền thông trên mạng xã hội rất đa dạng, phức tạp, cần nhiều thời gian, tỉ mỉ và phải có người biết về lập trình… nên phần lớn doanh nghiệp thường thuê các đối tác là các công ty quảng cáo thực hiện. Bước đầu tiên, công ty quảng cáo sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp về cách thức sử dụng mạng xã hội để truyền thông. Sau đó công ty quảng cáo sẽ tìm hiểu về sản phẩm cũng như về định hướng, mục tiêu của doanh nghiệp để đưa ra những ý tưởng cụ thể, lập trình cho chương trình và duy trì nó. Ông Trình cho biết, khi thuê các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chương trình truyền thông trên mạng xã hội, các doanh nghiệp sẽ phải trả phí tư vấn (lúc đầu) và phí quản lý (hằng tháng – chiếm khoảng 10-20% phí của toàn bộ chương trình).
Hiệu quả
Nói về hiệu quả, ông Vương Quang Khải cho biết, so với hình thức quảng cáo truyền thống, truyền thông trên mạng xã hội có khá nhiều ưu điểm, đặc biệt là tính lan truyền mạnh mẽ. Khi một nội dung hấp dẫn được đưa lên mạng xã hội, thông tin có thể lan truyền đến hàng triệu người chỉ trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, trong khi các kênh truyền thông khác chỉ tương tác một chiều thì sử dụng phương thức truyền thông này, doanh nghiệp có thể đối thoại và tương tác hai chiều với khách hàng, nghe phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ để có sự điều chỉnh phù hợp. Tương tác hai chiều trên mạng xã hội chủ yếu thông qua fanpage (trang hâm mộ). Fanpage được hiểu là công cụ để các chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức, nhân vật nổi tiếng… kết nối với cộng đồng người sử dụng trên mạng xã hội nhằm mục đích quảng bá thông qua việc truyền tải thông tin và tiếp nhận sự phản hồi.
Ông Khải cho biết, trung bình một fanpage trên mạng xã hội Zing Me có khoảng 5.000 người quan tâm. Một nửa số fanpage có hơn 10.000 người quan tâm và có khoảng 17 fanpage của Zing Me có hơn 100.000 người quan tâm. Zing Me hiện có khoảng 325 fanpage sản phẩm-dịch vụ. Fanpage của Pond’s chỉ trong vài tuần đã thu hút khoảng 500.000 lượt xem; hay những thông tin về Megastar đã thu hút hơn 12.300 người hâm mộ trong chưa đầy một tháng. “Tôi tin rằng với những thế mạnh như vậy, truyền thông trên mạng xã hội đang là một xu hướng được ưa chuộng”, ông Khải nói.
Người đại diện của T&A Ogilvy cho biết, trước đây các doanh nghiệp phụ thuộc vào các kênh thông tin truyền thống, vốn thuộc sở hữu của một bên thứ ba. Nhưng hiện nay các mạng xã hội cho phép các doanh nghiệp tạo ra kênh truyền thông của riêng mình. Với hơn 30 triệu người sử dụng Internet, mỗi người Việt Nam trung bình có 82 bạn trên mạng xã hội và là thành viên của tám mạng xã hội khác nhau. Con số này là cao so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Mạng xã hội không phải là một cơn sốt nhất thời mà nó thể hiện một sự thay đổi cơ bản tính chất truyền thông giữa người tiêu dùng và thương hiệu và thay đổi cách làm truyền thông của thương hiệu. T&A Ogilvy tin rằng sự tăng trưởng và phát triển của truyền thông trên mạng xã hội đang cung cấp một kênh truyền thông khá hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hiểu biết và tận dụng cơ hội này.
Những điều cần quan tâm
Tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi sử dụng phương thức truyền thông trên mạng xã hội, người đại diện T&A Ogilvy cho rằng nên bắt đầu từ bước cơ bản là lắng nghe, sau đó lên kế hoạch và tiếp cận, tất nhiên cộng thêm phương pháp đo lường.
Những câu hỏi nên được doanh nghiệp đặt ra trước khi làm truyền thông trên mạng xã hội là nhân viên của công ty có hiểu biết gì về mạng xã hội không; có cần được đào tạo hay không; doanh nghiệp liệu có đủ nhân lực để quản lý và thực hiện... Bởi khi đã mở trang Facebook, doanh nghiệp không nên bỏ lửng hoặc đóng lại sau vài tháng hoạt động, mà cần có chiến lược rõ ràng và bài bản trong phương thức tiếp cận.
Còn theo ông Khải, có ba vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam khi chọn mạng xã hội làm kênh truyền thông quảng bá nên quan tâm: số lượng người sử dụng lớn, sự phù hợp giữa khách hàng của mạng xã hội với đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp và mạng xã hội có chương trình hỗ trợ, tư vấn dành cho các doanh nghiệp.
Truyền thông trên mạng xã hội cũng giống như việc “thả cái chai đựng thông điệp vào đại dương xanh”. Rất khó kiểm soát được thông điệp có đến được với đối tượng khách hàng như mong đợi hay không. Chính vì thế, các doanh nghiệp nên chọn những mạng xã hội có chương trình hỗ trợ, tư vấn về truyền thông bởi những chủ đầu tư mạng xã hội đó chính là những người am hiểu khách hàng của mình nhất. “Về điểm này, các mạng xã hội địa phương đang làm tốt hơn các mạng xã hội quốc tế”, ông Khải nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trình khuyên các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm đến tiếp thị trực tuyến nhưng hiện chưa sử dụng phương thức truyền thông qua mạng xã hội thì nên lập một cái tên trên các mạng xã hội trước. Việc làm này giúp tránh được thương hiệu của mình có người đăng ký trước, sau này khi cần sử dụng lại phải mua lại chính cái tên của mình. Điều này đã xảy ra với một vài doanh nghiệp tại Việt Nam. Mặc dù CleverAds của ông Trình là đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để truyền thông nhưng ông không ngần ngại khuyên các doanh nghiệp nên tự làm truyền thông trên mạng xã hội, không nên thuê ngoài. “Bởi không ai hiểu sản phẩm của doanh nghiệp bằng chính doanh nghiệp đó. Trong trường hợp thuê phải tìm hiểu kỹ để có một đối tác thực sự có trình độ”, ông Trình nói.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com