Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CNTT và “nụ cười công quyền”

Sau khi cổng thông tin www.hcmtax.gov.vn được Cục Thuế TPHCM hoàn thiện, doanh nghiệp có thể đăng ký, khai báo và nộp thuế qua mạng Internet trong thời gian sắp tới thay vì phải trực tiếp đến cơ quan thuế. Ảnh: Kinh Luân.

Thái độ niềm nở, tận tình hay hách dịch, quan liêu, cửa quyền của người cán bộ tiếp dân sẽ được người dân đánh giá qua hai nút bấm “hài lòng” hay “không hài lòng” trên một thiết bị. Những cán bộ này không thể xóa được các ý kiến đánh giá đó vì nó đã được truyền về máy chủ do một bộ phận khác quản lý và sẽ báo cáo trực tiếp với chủ tịch UBND quận 1, TPHCM.

Đây được xem là sáng kiến của UBND quận 1 trong việc cải cách hành chính nhằm lấy ý kiến của người dân về cách ứng xử của bộ máy công quyền đối với người dân thay cho cách gửi thư tay góp ý như trước đây.

Để trang bị máy, quận 1 phải đầu tư gần 200 triệu đồng. Số tiền đó sẽ không phải là quá nhiều khi nó đạt được mục tiêu là thay đổi cách ứng xử của bộ phận tiếp dân ở các chính quyền quận huyện.

Câu chuyện của UBND quận 1 TPHCM cho thấy những ứng dụng CNTT đang từng bước len lỏi vào công việc của các cơ quan công quyền, giúp cải cách các thủ tục hành chính phức tạp và thổi một làn gió mới cho dịch vụ công khi mà lĩnh vực này gặp không ít lời than phiền của người dân trong thời gian qua.

CNTT và cải cách hành chính

Theo bản báo cáo xếp hạng về cải cách hành chính ở các quốc gia do Liên hiệp quốc thực hiện vào năm 2010, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan Chính phủ. Từ vị trí 126 trong năm 2006, bốn năm sau, Việt Nam đã leo lên vị trí 90, đứng thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia Đông Nam Á.

Việc đánh giá xếp hạng nói trên của Liên hiệp quốc dựa trên các chỉ số chính như: sự sẵn sàng điện tử, đánh giá web, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở và sự tham gia điện tử.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ, tại Hội nghị chính phủ điện tử vừa diễn ra tại TPHCM, cho biết hiện có nhiều cơ quan địa phương quan niệm rằng cải cách thủ tục hành chính chỉ là việc sửa đổi các quy định. “Thực ra cách hiểu như vậy là chưa đúng, chưa đủ. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi mà vấn đề là phải tổ chức tốt việc thực hiện các thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn”, ông Phan nói.

Theo ông, trong công cuộc cải cách hành chính thì CNTT phải được xác định là công cụ hỗ trợ để nâng cao chất lượng thông tin trong quan hệ giữa nhà nước và người dân. Cùng với việc bảo đảm tính công khai, minh bạch của các thủ tục hành chính ở mọi cấp chính quyền một cách rộng rãi, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận, hiểu rõ và có điều kiện tham gia giám sát việc thực hiện các thủ tục ấy.

Trong thực tế, việc chia sẻ thông tin một cách minh bạch giữa các đơn vị hành chính hiện nay là khá phức tạp. Nhiều đơn vị tỏ ra khá cởi mở trong việc công khai thông tin, song cũng có đơn vị lại đóng cánh cửa thông tin của mình.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho hay qua thực tế triển khai ứng dụng CNTT cho 24 quận huyện và 20 sở ban ngành của thành phố, thì mức độ công khai ở từng đơn vị là rất khác nhau. Có quận huyện công khai 5-6 lĩnh vực, nhưng lại có những quận huyện công khai đến 15-16 lĩnh vực trên các cổng thông tin của mình.

Ngoài việc góp phần minh bạch hóa thông tin, CNTT cũng góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương có địa bàn quản lý rộng và dàn trải trên nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho hay TPHCM với 100.000 doanh nghiệp, 300.000 hộ kinh doanh cá thể, hơn 10 triệu người dân sinh sống nếu không ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản lý, rút ngắn thời gian xử lý thì chắc chắn không thể thực hiện nổi một khối lượng công việc quá lớn. Chính vì vậy, thành phố đã ứng dụng mô hình một cửa điện tử từ nhiều năm qua.

Hiện, tất cả các quận huyện, sở ban ngành đều triển khai ứng dụng tới tận các phòng ban tác nghiệp chuyên ngành của mình. Qua một cửa điện tử cơ quan hữu trách sẽ theo dõi được toàn bộ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp của các đơn vị. Như vậy, một cửa điện tử chính là nơi phản ánh rõ nét nhất hiệu quả ứng dụng CNTT của từng đơn vị, khả năng liên thông giữa các ban ngành. Và trong giai đoạn tới, thành phố sẽ triển khai cổng thông tin dịch vụ trực tuyến của toàn thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn thì không phải địa phương nào cũng đạt được thành công trong việc xây dựng chính quyền điện tử như ở TPHCM. Bởi, muốn triển khai thành công các dự án CNTT cần có một cơ chế mạnh, có tiền, có quyền và có giải pháp hữu hiệu.

Cơ chế, kinh phí và giải pháp kết nối

Mấu chốt để triển khai ứng dụng CNTT thành công tại TPHCM là có một cơ chế mạnh khi chính quyền thành phố đã mạnh dạn giao quyền và cấp đủ kinh phí để Sở Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng với điều kiện “miễn sao có hiệu quả”. “Trong khi đó, các sở tại địa phương khác còn đang loay hoay xin giao quyền và kinh phí, như vậy chưa thể nói đến hiệu quả của công việc. Hiện chưa có địa phương nào trong cả nước có được một cơ chế mạnh như TPHCM”, ông Tuấn nói.

Theo kinh nghiệm triển khai của TPHCM, để được giao quyền cũng như được cấp nguồn kinh phí, trước tiên Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã xây dựng được các kế hoạch ứng dụng CNTT cụ thể trên địa bàn thành phố. Việc thẩm định các dự án, toàn bộ quá trình tham mưu, tư vấn cũng do sở quyết định, và chính quyền thành phố chỉ đóng vai trò là đơn vị ra quyết định giao vốn.

Luật CNTT có quy định các địa phương phải đầu tư 1% GDP cho CNTT nhưng trên thực tế rất khó khăn để có được sự đồng thuận của các sở và ủy ban nhân dân. Nhiều địa phương phải vận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện công việc này, từ vốn của trung ương, địa phương, vốn ODA đến vốn của đối tác.

Bên cạnh việc thiếu quyền và kinh phí thì ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước còn gặp những khó khăn khác như việc triển khai chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các địa phương và bộ ngành và cuối cùng là thiếu một chuẩn kết nối thống nhất.

Ví dụ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tám dịch vụ công mức độ 3, mức độ cho phép điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi tới cơ quan thụ lý hồ sơ. Các dịch vụ công mức độ 3 trước đây được triển khai rất thuận lợi nhưng nay đã gặp phải khá nhiều vướng mắc. Vướng nhất là khâu chỉ đạo triển khai dịch vụ, đang gây ra sự chồng chéo.

Trên thực tế, trước đây Lâm Đồng cũng như một số tỉnh thành khác đã tự triển khai việc đăng ký quản lý kinh doanh, giải pháp chạy rất tốt, đã cập nhật toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý kinh doanh trên toàn tỉnh. Nhưng nay khi có quy định đăng ký quản lý kinh doanh dùng chung do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban ra thì sản phẩm tại địa phương phải gỡ bỏ, không dùng nữa.

“Điều đáng nói ở đây là có một số giải pháp khi tích hợp phần thông tin của địa phương lên cổng dùng chung thì không được, dữ liệu từ hai phía không tương thích. Vì vậy ngoài cái khó về tiền, sự không hợp chuẩn giữa các ngành dọc và ngành ngang đang là mối trở ngại trong việc triển khai các dự án CNTT ở các địa phương như Lâm Đồng”, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm quản lý Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng, cho hay.

Nhiều đơn vị đã xây dựng xong hệ thống cơ sở dữ liệu, các ứng dụng trực tuyến nhưng lại không thể kết nối với nhau và chia sẻ thông tin cho nhau khiến công cuộc đầu tư cho ứng dụng CNTT trở nên lãng phí hơn bao giờ hết. Do đó, các địa phương, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, đang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đưa ra những hướng dẫn về việc hợp chuẩn dữ liệu giữa ngành dọc và ngành ngang.

Nhìn nhận việc xây dựng chính phủ điện tử dưới góc độ của một chuyên gia quản trị CNTT, ông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Qualcomm Đông Dương, nói rằng yêu cầu cơ bản cho việc xây dựng chính phủ điện tử là xác lập phương pháp tiếp cận để xây dựng cơ sở dữ liệu cho chính phủ điện tử hoặc cho hệ thống CNTT phục vụ cho chính phủ. Các nước như Úc hay Singapore và nhiều nước khác đều có một bộ (hoặc tổ chức) chuyên trách về CNTT cho chính phủ, còn những bộ ngành khác trở thành khách hàng của bộ này.

Trong khi đó, tại Việt Nam đang có sự phân cấp theo kiểu: cơ sở dữ liệu về dân cư giao cho Cục Cảnh sát, cơ sở dữ liệu về tài nguyên-môi trường giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ sở dữ liệu về thương mại thì giao cho Bộ Công Thương đảm trách xây dựng... Việc phân cấp ấy dẫn đến sự thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc triển khai.

Theo ông Diệp, cần có sự phân cấp cho một bộ hay một nhóm chịu trách nhiệm chung về cấu trúc đồng bộ, chất lượng đồng bộ và tiêu chuẩn đồng bộ. Và Việt Nam không nên tự mày mò xây dựng những tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu riêng mà nên tham khảo và dựa theo các tiêu chuẩn như ISO 27000 hay DoD 5010.2 để vừa bảo đảm tính an toàn, tính tương thích vừa không phải sửa và nâng cấp về sau.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Nokia tấn công thị trường “dế” 2 sim
  • Samsung Galaxy SII sẽ gây “sốt” ở Việt Nam?
  • Thư viện và giấc mơ số hóa
  • Thư viện không biên giới
  • Cải thiện dịch vụ công bằng dữ liệu điện thoại
  • Thời của tốc độ USB 3.0
  • Tương lai Internet nằm trong tay phụ nữ
  • Siêu máy tính IBM sử dụng năng lượng hiệu quả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị