Dựa trên nền công nghệ, các nhà khai thác dịch vụ di động liên tục đưa ra các dịch vụ giá trị gia tăng mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà các tiện ích này đem lại, nó cũng đồng thời kéo theo cả những phiền phức cho chính người sử dụng và người nhận…
Đầu tiên phải kể đến dịch vụ nhạc nền trong khi đàm thoại được các nhà mạng đặt những tên gọi khác nhau: Viettel gọi là Background music, Mobifone và Vinaphone gọi là Music talk. Sử dụng dịch vụ này, khách hàng được tùy chọn các bản nhạc hay những âm thanh đặc trưng khác. Có nghĩa là, trong khi trò chuyện, thuê bao hoàn toàn có thể đặt một bản nhạc du dương, êm dịu hay những giai điệu có tiết tấu sôi động và đặc biệt, khách hàng còn có thể yêu cầu được cài đặt cả những âm thanh của tiếng còi xe, tiếng ầm ầm từ nhà máy hay công trường… Sau khi đưa dịch vụ này vào hoạt động, tại các diễn đàn trên mạng có rất nhiều ý kiến của giới trẻ chia sẻ sự háo hức đón nhận với những xúc động lãng mạn. Có ý kiến còn đề xuất nhà cung cấp dịch vụ nên đưa thêm âm thanh của tiếng chim hót để họ cài vào làm nhạc nền, để chuyện trò với người yêu vào buổi sáng. Song, với không ít người là dân công sở, văn phòng, người lớn tuổi hơn và đã có gia đình thì việc ứng dụng những tiện ích này giúp họ nói dối một cách dễ dàng.
Bên cạnh những tiện ích mà công nghệ 3G mang lại có cả những phiền phức. Ảnh: Thanh Hải
Anh T. làm việc tại một doanh nghiệp máy tính kể lại, từ khi có dịch vụ nhạc nền, mình sử dụng ngay và "nó" đã "cứu" mình thành công mỗi lần bị vợ gọi. Chả là, thỉnh thoảng có mấy người bạn rủ đi nhậu, bạn bè gặp nhau trò chuyện vui vẻ, tuy nhiên, về muộn toàn bị vợ càu nhàu. Vậy, mỗi khi ngồi quán, mình chọn ngay âm thanh của tiếng còi xe để trả lời cho vợ biết là đang… bị tắc đường. Tất nhiên, "diễn" mãi trò đó cũng dễ bị lộ, mình cài thêm vài bản nhạc quen thuộc vẫn nghe (mà vợ cũng biết) để nói đang ở cơ quan làm việc muộn. Kết quả là mình không bị bà xã ca cẩm, mà việc nói dối này cũng vô hại vì mình chẳng làm gì xấu… Anh kể thêm, mấy người bạn tôi cũng đều sử dụng dịch vụ này theo cách ấy, nói chung đều ổn. Phải cảm ơn công nghệ di động! Còn chị M., nhân viên văn phòng ở Hà Nội kể, thỉnh thoảng bận việc riêng phải đi đâu đó chưa đến cơ quan được, không biết viện lý do gì, mình phải gọi điện báo sếp là đang… tắc đường, thế là phải cài đặt nhạc chuông bằng tiếng còi xe. Thế sếp có tin chị? Tất nhiên là sếp không vặn vẹo, nhưng nếu ngày nào cũng kẹt xe là không ổn, nhưng chỉ thỉnh thoảng mình mới đến cơ quan muộn.
Nhưng dù gì, dịch vụ giúp khách hàng "nói dối" như kể trên mới chỉ có thể diễn tả bằng âm thanh. Có một dịch vụ mới ra đời đang thu hút khách hàng bởi rất nhiều tính năng mới, hấp dẫn đó là 3G. Dựa trên nền công nghệ mới này, các nhà cung cấp dịch vụ di động có thể đưa ra nhiều tiện ích, trong đó có video call (nhìn thấy hình ảnh nhau trong khi trò chuyện), mobile camera (có thể nhìn thấy bối cảnh nơi thuê bao đang thực hiện cuộc gọi như tại nút giao thông, trong nhà…). Xung quanh câu chuyện này đã xảy ra những tranh luận tại chính các nhà cung cấp dịch vụ (xin không nêu tên) giữa các nhân viên phòng kỹ thuật và kinh doanh. Anh H. (phòng kinh doanh công ty) cho rằng, sau khi nghiên cứu, nhận thấy, những người có gia đình có thể không sử dụng hai dịch vụ trên vì rất dễ bị lộ với đối phương (vợ, hoặc bạn gái) nếu như mình đang bận ở một nơi nào đó mà mình không muốn cho họ biết. Hơn nữa, với những người có gia đình, phải nhìn nhau hằng ngày mãi rồi, nay gọi điện cũng nhìn nhau nữa thì… nhàm quá - anh quả quyết. Tuy nhiên, anh Th. - kỹ thuật viên công ty thì đưa ra giải pháp hoàn toàn có thể dùng dịch vụ mobile. Theo anh nếu đang dùng 3G ngồi ở cơ quan, trên đường đi thì không vấn đề gì, nhưng nếu ở nơi bí mật nào đó và không muốn bị lộ, tốt nhất khi có điện thoại, ta chạy vào toa let, vì WC nói chung ở đâu cũng như nhau thôi! Tôi nghĩ giải pháp này là khả thi hơn cả, trong khi nhà mạng chưa đưa ra dịch vụ có hình ảnh thay thế (kiểu như lựa chọn nhạc nền trong khi đàm thoại) - anh Th. giải thích.
Theo kế hoạch, chậm nhất đến tháng 4-2010, các nhà khai thác trúng tuyển cung cấp 3G phải khai trương dịch vụ. Nhiều chuyên gia từng lo ngại số lượng thuê bao đăng ký 3G sẽ ít hơn và điều này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì họ bỏ ra đầu tư lớn; đồng thời chỉ ra nguyên nhân (từ kinh nghiệm của một số nước trong khu vực) là do thói quen chỉ cần nhắn tin và đàm thoại của người dân cũng như mức thu nhập chưa cao để sử dụng 3G. Tuy nhiên, với câu chuyện kể trên, đã có thêm nguyên nhân để người sử dụng (cụ thể là những người đã có gia đình) sợ không dám dùng 3G…