Sức mạnh của các mạng két nối (thông tin di động, internet…) giúp con người dễ dàng liên lạc với nhau, nhưng cũng tạo ra nguy cơ làm “sứt mẻ” những giá trị nhân bản đối với người lạm dụng chúng.
“Biến dạng” giao tiếp
Có nhiều phương thức để con người có thể giao tiếp với nhau, nhưng chỉ có phương thức truyền thống (gặp mặt trực tiếp) mới sử dụng hết những chức năng sinh học của các giác quan và bộ phận hỗ trợ. Tin nhắn, instant message (chat), email… không làm được việc này. Sự bùng nổ của thiết bị di động cách đây ít lâu đã khiến người ta phải đặt ra một khái niệm “thế hệ ngón tay cái” - thế hệ những người dùng (một hoặc hai) ngón tay cái để nhắn tin nhiều hơn là nói với đối tượng giao tiếp. Ngày nay, không chỉ những người trẻ mới ham mê trực tuyến cùng các công cụ chat, hoặc liên hệ qua email. Như thế, con đường nhận biết đối phương trong giao tiếp đã được rút ngắn hơn rất nhiều so với cách truyền thống: từ mắt nhìn tới bộ não, thông qua hỗ trợ của các ngón tay (gõ phím máy tính). Có viễn cảnh nào đó về con người trong tương lai sẽ không cần thanh quản, và tai thì cụp xuống?
Xúc cảm lý tính
Có thể trí tưởng tượng của con người sẽ phát triển, khi họ phải vẽ ra trong đầu những định nghĩa cụ thể về niềm hứng khởi về một chuyến picnic, nỗi buồn của một người bạn, nỗi đau của người gặp tai nạn nào đó, thông qua thông tin dạng văn bản (tin nhắn, chat, email, web). Đó là bước khởi đầu cho con đường “định nghĩa cảm xúc”, chứ không phải cảm nhận cảm xúc. Báo Tuổi Trẻ TPHCM dẫn nguồn tin Telegraph qua khảo sát của một nhóm các nhà nghiên cứu về thần kinh cho thấy, các hoạt động thường ngày như đọc sách, gặp gỡ người thân, giao lưu bạn bè, vốn là những hoạt động giúp chúng ta định nghĩa được các giá trị đạo đức, đang bị lấn át và ngày càng ít đi vì sự hấp dẫn của những website cập nhật các dòng tin ngắn vô hồn. Đoạn cuối của con đường định nghĩa cảm xúc này là những trạng thái vui, buồn… được mặc nhiên thừa nhận là khái niệm, không gây nên rung động nào trong con người.
Hạn chế hành vi
Internet rõ ràng là một kho tri thức vô hạn với mỗi cá nhân, nhưng nó đồng thời là kho lý thuyết, thiếu tính thực hành với bản thân người tiếp nhận. Tôi nhớ tới nhân vật do ngôi sao kiêm chính trị gia Arnold Schwarzenegger thủ vai trong phim Twins (Sinh đôi), anh ta là một cuốn từ điển sống: biết vài thứ tiếng, tính toán logic tới từng hành động… nhưng lại không có kinh nghiệm thực tế về những điều đó, vì sống và được dạy dỗ từ nhỏ tới lớn trên một hòn đảo. Internet có thể biến nhiều cá nhân thành các “Rô-bin-xơn” trên ốc đảo công nghệ của mình, tự tin bên máy tính nhưng tự ti trước chỗ đông người. Anh ta có thể biết rất rõ cách làm sao để nhảy valse đúng điệu, nhưng sẽ không dám chìa tay mời quý cô nào đó trong vũ hội, vì rất lo sẽ giẫm lên chân người đẹp.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia tâm lý đã chỉ đích danh mạng xã hội là nguy cơ với sự phát triển nhận thức: thói tự kỉ, mất dần khả năng phối hợp nhóm. Điều đáng tiếc là, khởi đầu cho những nguy cơ đó chính là tiện ích “cá thể hóa” của mạng xã hội. Trên phương diện xã hội, nguồn lực là có hạn, thì với cá nhân cũng vậy. Trong giới hạn về thời gian, sức lực, nếu anh ưu tiên cho thế giới ảo, thì anh phải bỏ bớt sự quan tâm tới thế giới thực. Theo lối đó, mối quan hệ giao tiếp giữa người với người chỉ được duy trì một cách thoải mái nhất khi không phải đối mặt, thông qua chữ viết và hỗ trợ của máy tính, internet. Họ là những “Rô-bin-xơn” bỏ quên đất liền và chỉ muốn làm chúa đảo - ốc đảo cá nhân.
(Theo Trung Nguyễn // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com