Giờ đây, website này còn là nơi tập trung của ngày càng nhiều bài giảng được các trường đại học cung cấp miễn phí cho những người quan tâm.
Trên website YouTube EDU, người ta có thể tìm thấy tài nguyên giáo dục của không ít trường đại học nổi tiếng thế giới. Ảnh: Greenzer.com
Tài nguyên giáo dục mở
Kể từ đầu năm nay, YouTube đã mở một ngôi nhà mới dành riêng cho giáo dục gọi là YouTube EDU. Website này khởi đầu như là một dự án của nhân viên công ty nhằm giúp tập hợp tốt hơn những nội dung giáo dục được các trường đại học Mỹ đưa lên YouTube.
Đến tháng 9 vừa qua, YouTube EDU được quốc tế hóa sau khi 45 trường đại học ở châu Âu và Israel đưa nội dung lên đó.
Obadiah Greenberg, một thành viên của YouTube EDU, cho tạp chí Newsweek (Mỹ) biết: “Nhờ YouTube EDU, bất kỳ người nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thoải mái ngồi tại nhà và làm mới kiến thức của mình về một chủ đề nào đó hoặc khám phá những đề tài mình quan tâm”.
Với loại hình “đại học trên mạng” này, một người không cần phải là sinh viên vẫn có thể thu được lợi ích của giáo dục cao cấp. Ngoài YouTube EDU, các website như iTunes U, TED và Academic Earth đang cho phép hàng triệu người tải về miễn phí bài giảng của một số chuyên gia hàng đầu thế giới.
Được biết đến như là tài nguyên giáo dục mở (OER), phong trào này đang biến giáo dục trở thành một hình thức giải trí cho số đông. Peter Bradwell, một thành viên của Viện Nghiên cứu Demos (Anh), nhận định: “Nhu cầu về những tài liệu kích thích tri thức và dễ tiếp cận đang gia tăng”.
Website OpenCourseWare (OCW) của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho phép truy xuất miễn phí đến hầu hết tài liệu học tập và bài giảng của trường. Trong khi đó, iTunes U cung cấp những bài giảng miễn phí, những cuộc thảo luận và hội thảo từ những trường như Oxford, Yale và viện kinh doanh HEC Paris (Pháp).
Carolyn Culver, người phụ trách bộ phận truyền thông chiến lược của Oxford, nói: “Nét đẹp của OCW là mang tài nguyên giáo dục của bạn đến nhiều người sử dụng hơn”.
Thu hút hàng triệu người
Tiến trình dân chủ hóa nền giáo dục cao cấp bắt đầu vào những năm 90 của thế kỷ trước khi các trường đại học bắt đầu tận dụng internet để tiếp thị kho tài nguyên tri thức của mình. Vào năm 1999, Đại học Tubingen ở Đức trở thành đại học đầu tiên cung cấp miễn phí bài giảng trên website. Đến năm 2002, MIT tung ra website OCW nói trên. Giờ đây, 45% người truy cập OCW là những người mà MIT mô tả là “người tự học”.
Ông Francesc Pedro, một nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và Cải tiến giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhận định: “Nhờ OER, một giảng viên đại học ở châu Phi hoặc một sinh viên tại một nước phát triển ở châu Á có thể truy xuất tài liệu học tập của những trường đại học uy tín ngay trên máy tính của mình. Đây quả thực là một kho báu quý giá đối với họ”.
Cho dù đối tượng sử dụng OER là ai thì con số này cũng không ngừng gia tăng. Website OCW hiện thu hút hơn 1,2 triệu người truy cập mỗi tháng. Trong khi đó, số lượng tài liệu của Oxford được tải lên iTunes U đã vượt qua con số 1 triệu. Các giảng viên cũng vô tình trở nên nổi tiếng hơn sau khi bài giảng của họ xuất hiện trên mạng.
Chẳng hạn như giáo sư triết học Marianne Talbot của Đại học Oxford được biết đến nhiều sau khi một bài giảng của bà đứng đầu danh sách những bài giảng thu hút nhất của iTunes U.
(Theo nld online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com