Vài ngày trước, Kong – nhân viên một công ty xây dựng ở Hàn Quốc - lại “đụng độ” với sếp chỉ vì tính hay quên trước quên sau của mình. Khi sếp hỏi anh về tiến độ một dự án xây dựng mà anh theo đuổi, Kong ngẩn người ra và hỏi ngược lại có phải anh có chân trong dự án đó. Sau nhiều lần bỏ quên ví và điện thoại trên xe buýt và trong văn phòng, hiện Kong phải mang chiếc túi nhỏ để đựng bóp tiền, mô-bai, chìa khóa.
Anh chàng 32 tuổi trên không phải là trường hợp cá biệt. Các chuyên gia cho rằng ngày càng nhiều nhân viên ở độ tuổi 20-30 mắc chứng hay quên do bị bao vây bởi hàng núi thông tin trong công việc và quá lệ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số. Một số người đã tìm đến bác sĩ khi triệu chứng mất trí trở nên tồi tệ. Giới chuyên môn đặt tên nó là Digital Alzheimer’s (tạm dịch chứng mất trí nhớ thời số hóa). Cũng như đau nửa đầu hay mất ngủ, chứng bệnh này chủ yếu nhắm tới dân thành thị.
Luật sư Lee, 31 tuổi, luôn “kè kè” bên mình các thiết bị kỹ thuật số. Anh sử dụng điện thoại di động 3G có kết nối Internet và thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số để sắp xếp và theo dõi lịch làm việc. Tuy nhiên, Lee cho biết anh hay bị đãng trí hơn so với thời anh ghi chép bằng sổ tay hay nhật ký. Lee đến bệnh viện và bác sĩ cho biết thể lực anh không có gì bất ổn và khuyên anh nên nghỉ ngơi. Mặc dù chưa có thống kê, nhưng các bác sĩ Hàn Quốc cho rằng số nhân viên trẻ tìm đến bệnh viện vì chứng hay quên đang gia tăng. Giáo sư Na Duk-lyul thuộc khoa thần kinh Trung tâm Y khoa Samsung cho rằng, triệu chứng của Digital Alzheimer’s bắt nguồn từ các yếu tố môi trường như việc lạm dụng thiết bị kỹ thuật số hơn là do rối loạn hoạt động não bộ.
Một khảo sát gần đây với 2.030 nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc cho thấy 63% thừa nhận bản thân hay bị đãng trí, trong đó đa phần ở độ tuổi 20-30. Khi được hỏi về nguyên nhân khiến họ hay quên, 20,4% cho rằng chính là môi trường sống và làm việc tràn ngập các thiết bị kỹ thuật số, tất cả đều có chức năng lưu trữ thông tin nên người dùng không cần phải mất công ghi nhớ.
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn đến chứng đãng trí ở giới trẻ. Chẳng hạn căng thẳng tinh thần (stress) do áp lực công việc hoặc quá tải thông tin. Khi đó, não bộ có thể ngưng hoạt động hiệu quả. Trầm cảm là nguyên nhân khác gây mất trí nhớ. Giáo sư Yeon Byeong-kil ở Trung tâm y khoa Hallym cho rằng người bị trầm cảm có xu hướng hay quên do họ thờ ơ với môi trường xung quanh và suy nghĩ của họ vì thế trở nên chậm lại. Trí nhớ suy giảm một phần cũng do Internet có mặt khắp mọi nơi. Các thiết bị công nghệ cao như thiết bị dẫn đường Navigator, được thiết kế để ghi nhớ giùm người sử dụng, vô hình trung khiến chúng ta lười ghi nhớ.
Giáo sư Lee Dong-young của Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul cho biết bệnh nhân bị đãng trí được chẩn đoán “không có vấn đề gì” là do họ luôn tập trung khi làm xét nghiệm trí nhớ. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, Digital Alzheimer’s xuất phát từ việc không tập trung chú ý do bị chi phối bởi nhiều nguồn thông tin. Khi chúng ta lệ thuộc vào thông tin lưu trữ trong máy hơn là vào khả năng ghi nhớ của bản thân, não bộ sẽ tăng cường chức năng tìm kiếm thông tin và hạn chế khả năng ghi nhớ. Việc quá lệ thuộc thiết bị kỹ thuật số làm giảm khả năng ghi nhớ của não bộ.
(Theo Báo Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com