Các nhà cung cấp giải pháp CNTT liên tục tung ra những sản phẩm mới hướng đến khách hàng là các doanh nghiệp nhằm giúp họ tiết giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất làm việc, cải thiện hiệu quả kinh doanh để đối phó với muôn vàn khó khăn từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu…
Làm việc cộng tác để giảm bớt thời gian và chi phí; ảo hóa hệ thống máy chủ để tiết kiệm điện năng; hợp nhất các dịch vụ bằng nền tảng điện toán đám mây để chuyển đổi mô hình kinh doanh đến gần người tiêu dùng hơn… là những khái niệm không còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.
“Chung lưng đấu cật” với LotusLive
LotusLive, hay Lotus Foundations, là phần mềm cộng tác của IBM. Phiên bản mới vừa được giới thiệu tại Việt Nam cập nhật các công cụ cộng tác mới nhằm thu hút các doanh nghiệp nhỏ ứng dụng chương trình. Nhân tố quan trọng của các chương trình cộng tác là ở các ứng dụng web di động, giúp người sử dụng có thể liên lạc và cộng tác hữu hiệu từ bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào.
IBM đã cải thiện những công cụ này để phần mềm có khả năng xử lý nhanh và dễ dàng hơn trong môi trường làm việc di động.
Thứ nhất là tích hợp những tính năng mạng xã hội vào môi trường doanh nghiệp với các chức năng blog để người sử dụng chia sẻ thông tin hay thảo luận với cộng đồng. Tính năng này cũng kết nối với điện thoại di động để nhân viên có thể cộng tác ngay trên điện thoại của mình.
Thứ hai là giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhờ doanh nghiệp có thể họp trực tuyến và được trang bị một “phòng lưu trữ ảo” để lưu trữ văn bản hay nội dung hội họp.
IBM cũng đưa ra các công cụ mới như Mashup Accelerator để hỗ trợ những người ít am hiểu kỹ thuật dễ dàng tự xây dựng và triển khai các ứng dụng, giúp giảm áp lực cho bộ phận CNTT; công cụ Mobile Accelerator giúp đưa các dịch vụ trên cổng điện tử của doanh nghiệp vào các thiết bị di động, cung cấp khả năng truy cập tới những thông tin và ứng dụng thông qua các cổng nội bộ hoặc bên ngoài cũng như tới các thiết bị di động của nhân viên hay khách hàng; WebSphere Portal giúp thu thập, kiểm soát và trả lời những thắc mắc của khách hàng ngay trên môi trường web.
“Hợp nhất” cho trung tâm dữ liệu
Hệ thống điện toán hợp nhất (Unified Computing System – UCS) nằm trong chiến lược “trung tâm dữ liệu 3.0”, một kiến trúc giúp kết nối các ốc đảo trong trung tâm dữ liệu thành một kiến trúc hợp nhất sử dụng các công nghệ quy chuẩn của ngành công nghiệp, cho phép kết nối mạng chạm vào mọi thành phần của hệ thống CNTT.
Kiến trúc được Cisco phát triển nhằm hợp nhất các tài nguyên điện toán, bao gồm các giải pháp và công nghệ điện toán, mạng chuyển mạch hợp nhất, môi trường ảo hóa, truy cập lưu trữ (storage access) và công cụ quản trị hệ thống UCS. Kiến trúc cũng giúp Cisco tham gia thị trường máy chủ phiến (blade) chạy bộ vi xử lý Nehalem, hỗ trợ đường truyền hợp nhất trên nền băng thông kết nối Ethernet 10 Gb/giây.
Đây là kiến trúc nhắm vào các tập đoàn có nhu cầu ảo hóa hệ thống để đạt độ ứng dụng linh hoạt và lưu trữ bảo mật như tài chính-ngân hàng, dầu khí hay những tổ chức có nhu cầu xử lý dữ liệu lớn cung cấp các dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Mức độ tiết kiệm đầu tư khi Cisco đưa UCS vào “hợp nhất” các dịch vụ “đám mây” của hạ tầng dữ liệu được tính toán khá cụ thể. Chẳng hạn khi đầu tư cho cùng 320 máy chủ, sự khác biệt giữa kiến trúc điện toán truyền thống và Cisco UCS là:
Tuần qua, Cisco tiếp tục công bố giải pháp cung cấp dịch vụ hợp nhất (Cisco Unified Service Delivery), hỗ trợ các nhà cung cấp xây dựng nền tảng cho các dịch vụ điện toán đám mây, giúp cho việc cung cấp các ứng dụng cho nhà kinh doanh hay người tiêu dùng dễ dàng đến bất kỳ địa điểm và thiết bị nào. Việc kết hợp với mạng IP thế hệ mới cũng giúp tối ưu hóa việc cung cấp các “dịch vụ được quản lý” (managed services).
“Ảo hóa” cho hạ tầng lưu trữ
Sản phẩm ảo hóa lưu trữ StorageWorks Enterprise Virtual Array 6400 và 8400 (EVA 6400/8400) và SAN Virtualization Services Platform 2.1 (SVSP 2.1) vừa được HP giới thiệu đã mở rộng danh mục sản phẩm ảo hóa lưu trữ của HP đến doanh nghiệp Việt Nam.
HP công bố giải pháp nhắm đến nhu cầu thu nhỏ cơ sở hạ tầng nhưng bảo đảm về dung lượng, độ an toàn cũng như hạ thấp chi phí đầu tư trong doanh nghiệp (nếu tính trên cùng một đơn vị diện tích sàn so với các thế hệ trước).
Với giải pháp ảo hóa, doanh nghiệp có thể hạn chế mua thêm dung lượng lưu trữ bằng cách tái cơ cấu nguồn tài nguyên tới những khu vực quan trọng hay đơn giản hóa việc quản lý lưu trữ.
EVA6400/8400 được thiết kế cho doanh nghiệp, có thể tự động mở rộng hoặc thu nhỏ theo yêu cầu ứng dụng. Phần mềm bảo vệ dữ liệu tích hợp cung cấp nhân bản dữ liệu theo thời gian thực, dịch vụ chuyển đổi và khôi phục nhanh chóng dữ liệu giữa nhiều tủ đĩa mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của dịch vụ trong cả môi trường ảo hay vật lý.
SVSP 2.1 cho phép truy nhập và quản lý dữ liệu trên nhiều nền lưu trữ. Khả năng quản lý của SVSP là tập trung các nguồn tài nguyên cho phép khách hàng dễ dàng ấn định dung lượng cho các máy chủ ảo, chuyển đổi dữ liệu giữa các tủ đĩa và nhân bản dữ liệu tới một trạm ở xa. EVA6400/EVA8400 có mức giá từ 24.000- 61.000 đô-la Mỹ và SVSP2.1 là 37.000 đô-la Mỹ.
Tăng sức mạnh cho “trạm làm việc”
Dòng máy trạm (Workstations) họ Z của HP có thiết kế mới, đột phá về hiệu suất đến 500% nhờ dựa trên vi kiến trúc thế hệ mới của Intel với bộ vi xử lý Xeon 5500 cùng khả năng xử lý đồ họa phức tạp. Người sử dụng có thể tự tay tháo ráp từ bộ nguồn cho đến bo mạch chủ dễ dàng nhờ thiết kế theo module, các linh kiện kết nối không qua dây cáp.
Workstations Z còn sử dụng bộ nguồn hiệu suất 85-89% và hệ thống quản lý năng lượng ở trạng thái “nghỉ” có mức dưới 1 watt, giúp tiết kiệm khá nhiều điện năng. Hệ thống quạt tản nhiệt không gây tiếng ồn dù đang ở cường độ hoạt động gần 90% công suất của CPU. Công nghệ SkyRoom, một giải pháp hội nghị truyền hình, giúp chia sẻ âm thanh và hình ảnh 3D với tốc độ cao.
Họ Z với Z800 là thiết kế chuyên về xử lý tốc độ, khả năng nâng cấp cao để phục vụ cho các ứng dụng chuyên sâu trong phim hoạt hình 3D, phát thanh-truyền hình, thăm dò dầu khí hay chẩn đoán hình ảnh y khoa. Dòng tầm trung Z600 hỗ trợ các chuyên gia trong việc sản xuất video, tài chính hay vẽ kỹ thuật trên máy tính (CAD).
Z400 là “trạm” phổ thông cho những nhà biên tập video, nhiếp ảnh hay thiết kế kỹ thuật. Cả ba hỗ trợ bộ nhớ (RAM) tối đa 16-192 GB, ổ cứng 7,5 TB. Hệ thống xử lý đồ họa kênh đôi cho dung lượng lên đến 4 GB mỗi khe. Mức giá khởi đầu tương ứng cho các “trạm” Z800, Z600 và Z400 là 1.999, 1.679 và 969 đô-la Mỹ.
|
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com