Tạp chí "Tấm gương" của Đức tiết lộ, tại doanh trại Tomburg nằm trong thị trấn nhỏ Rheinbach thơ mộng gần thủ đô Bonn có 76 nhân viên bị cách ly với thế giới bên ngoài đang tiến hành thử nghiệm các phương thức mới nhất để xâm nhập, khai thác, điều khiển hoặc phá hủy các mạng tin học của nước ngoài.
Đơn vị có cái tên "rất vô hại" là "Cục xử lý thông tin và mạng vi tính" thuộc bộ Quốc phòng, nhưng lại được đặt dưới sự chỉ huy của Giám đốc Cơ quan tình báo Đức, Thiếu tướng Wilhelm Kriesel, có nhiệm vụ chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tin học từ nước ngoài trong tương lai.
"Tin tặc mặc quân phục" đang là mối đe dọa khiến chính phủ, quân đội và cơ quan tình báo các nước trên thế giới lo lắng.
Cách đây gần 2 năm, Cơ quan tình báo Đức thông báo những máy chủ của tỉnh Lan Châu (Trung Quốc) đã tấn công các mạng thông tin của nhiều bộ và văn phòng chính phủ Đức bằng các phần mềm độc hại. Đầu năm nay, Chính phủ Đức đã phải thông qua dự luật của Bộ Nội vụ về việc "tăng cường an ninh thông tin mạng của chính phủ."
Đầu tháng 2 vừa qua, Thiếu tướng Wilhelm Kriesel đã trình bày một báo cáo về đơn vị tin học bí mật và cho biết nó sẽ bắt động hoạt động từ năm 2010. Binh sĩ của đơn vị này sẽ sử dụng cả các phương pháp của tin tặc.
Họ học cách cài đặt các phần mềm độc hại vào máy tính của nước ngoài thông qua thư điện tử, CD hoặc đơn giản là qua trang web được "đặt bẫy." Các máy tính bị nhiễm virus có thể tự tải các phần mềm độc hại để phá hủy dữ liệu. Họ cũng học cách "tấn công kiểu botnet" (lây nhiễm cho cả mạng lưới máy tính rồi sau đó giành quyền sử dụng mà chủ nhân chúng không hay biết).
Thực tế hai kiểu tấn công này đã được thực hiện ở Estonia và Gruzia. Hồi tháng 4 và 5/2007, vụ "tổng tấn công" tin học do hơn một triệu máy tính thực hiện đã gây ra cuộc xung đột chính trị tại Estonia. Đây là cuộc tấn công kiểu botnet và hậu quả rất khủng khiếp. Mạng máy tính của ngân hàng, chính quyền và các đảng phái chính trị ở nước này bị phá dữ dội trong vòng ba tuần. Chính phủ Estonia hoàn toàn bị "cắt đứt liên lạc" với bên ngoài.
Các cuộc tấn công tương tự cũng xảy ra với Gruzia vào mùa Hè 2008. Tại Đức, tháng 8/2007 tin tặc đã xâm nhập hệ thống máy tính của Văn phòng Thủ tướng, Bộ Kinh tế, Bộ Nghiên cứu và Bộ Ngoại giao để thu thập thông tin, gây ra sự lo ngại đối với Bộ Quốc phòng và giới chính trị Đức.
Liệu đó có phải là "chiến tranh tin học," nghĩa là chiến tranh trên mạng Internet hay chỉ là dạng một quốc gia bị một lực lượng "du kích tin học" tấn công và Cơ quan an ninh Đức có đủ sức để vô hiệu hóa một máy chủ được xác định là nơi điều khiển các vụ tấn công botnet hay không?
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Romania, các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí xây dựng một dự án chung về phòng vệ tin học. Họ cũng cam kết tăng cường an ninh mạng và lập một văn phòng của NATO đặt tại Bỉ để chuyên trách vấn đề này. NATO cũng thành lập "Trung tâm phòng vệ tin học cấp cao" ở Estonia.
Số lượng lẫn mức độ chuyên nghiệp của các cuộc tấn công tin học ngày một cao và cho dù quốc tế chưa thể đạt được sự nhất trí về vấn đề pháp lý phòng vệ chiến tranh tin học, nhưng rõ ràng Đức không muốn chờ đợi.
Bằng chứng là Đức đã tập trung nghiên cứu mọi cách phòng ngừa, đổi tên "Văn phòng an ninh thông tin mạng" thành "Văn phòng phòng vệ thông tin mạng" để tăng cường nhiệm vụ giám sát các dữ liệu được chuyển tới Văn phòng Thủ tướng và các bộ nhằm sớm phát hiện những điều bất thường tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp đối phó hữu hiệu./.
(Theo Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com