Giao tiếp là nền tảng của xã hội, hoạt động kinh tế và quản lý nhà nước. Mạng xã hội tạo ra một môi trường giao tiếp phi biên giới, một công cụ có tínhtương tác cao và hứa hẹn thúc đẩy thay đổi hành vi cả trong đời sống thường nhật cũng như chuyện làm ăn.
Tái định hình hành vi
Mạng xã hội tạo ra “sân chơi” cho hàng triệu người từ khắp mọi nơi trên thế giới, là địa chỉ mà con người có thể thoải mái chia sẻ quan điểm, thể hiện cảm xúc, nói tiếng nói cá nhân, giải trí, kết bạn, hay làm việc. Nó là một xã hội ảo gồm những con người thật, nơi mà từ ý thức đến hành vi gần như làm thành một vòng tròn khép kín.
Tại Facebook, một mạng xã hội đang nổi lên như ngôi sao trên bầu trời mạng toàn cầu, cộng đồng thành viên đã xác lập nhãn đồ uống Coca Cola là “minh tinh” có tới gần 3,4 triệu “fan” hâm mộ. Trang của Coca Cola chỉ kém hút khách so với trang của tổng thống Mỹ Barack Obama, hiện đứng đầu trên Facebook với hơn 6,2 triệu ủng hộ viên (thống kê tại tháng 4/2009). Điều này có ý nghĩa gì với Coca Cola? Họ sẽ biết rằng mình có ít nhất gần 3,4 triệu khách hàng (fan) có thể hàng ngày vừa lên mạng vừa uống Coca Cola? Không đơn giản chỉ như vậy, đây là một kênh quan trọng để hãng đánh bóng hình ảnh; vừa nắm bắt được tâm lý, lại vừa có cơ hội giao tiếp khách hàng, tận dụng một công cụ tiện ích mà chi phí ở tầm tối thiểu.
Nền tảng kết nối, chia sẻ, và khả năng giải phóng tư duy của mạng xã hội cung cấp cho người làm kinh doanh một nguồn tin quan trọng để nghiên cứu thị trường/nghiên cứu khách hàng, tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, hay thậm chí là cảnh báo khủng hoảng. Tại những mạng có ảnh hưởng lớn tới công chúng, nhà kinh doanh tham gia với tư cách thành viên hay quan sát cũng là để xem đối thủ cạnh tranh của mình thực hiện chính sách giao tiếp như thế nào. Chẳng hạn, Mc Donalds (1,845 triệu fan) sẽ không bao giờ nghĩ rằng đồ ăn của mình kém hấp dẫn hơn Pizza, nhưng làm sao Pizza có tới 3,12 triệu fan rõ ràng là điều mà Mc Donalds phải quan tâm.
Và như vậy, mạng xã hội góp phần hối thúc các hãng phải định hình lại hành vi trong giao tiếp công chúng, đặc biệt là với khách hàng hiện tại cũng như tiềm năng - những người lấy internet làm một không gian cho cuộc sống.
Doanh nghiệp xã hội
Câu chuyện ở đây không liên quan tới các doanh nghiệp hoạt động công ích, hay khái niệm “xã hội hóa” nào đó. Theo quan điểm của cây viết Joshua-Michele Ross trên tạp chí Forbes, doanh nghiệp xã hội là một cơ cấu đặc biệt, không đơn giản là mô hình đi theo chủ nghĩa hợp pháp (đi trong hành lang pháp luật), mà còn phải tham gia vào một khế ước xã hội, hoàn toàn khác so với một loại khế ước truyền thống là hợp đồng kinh tế . Hợp đồng kinh tế được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật, còn khế ước xã hội được điều chỉnh bởi mối quan hệ tương tác, mức độ của niềm tin, sức ép xã hội, tiêu chuẩn văn hóa. Cộng đồng mạng xã hội đóng một vai trò to lớn trong việc xây dựng và duy trì những tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi này.
Trở thành một “doanh nghiệp xã hội” là bạn đặt mình vào vị trí của nhiều sức ép, từ chất lượng sản phẩm dịch vụ, hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh, chế độ sau bán hàng, giá trị nhân văn trong sản phẩm… Mục tiêu của kinh doanh không cứng nhắc là năng suất lao động và lợi nhuận, mà phải bao gồm khả năng phát triển bền vững. Đổi lại, vị thế của doanh nghiệp và nhãn hàng sẽ được nâng lên tầm cao hơn. Nhiệm vụ hàng đầu là phải có nghệ thuật lắng nghe và đối thoại, cho và nhận, xây dựng lòng tin và sự tôn trọng với khách hàng, đối tác, nhà phân phối, và người lao động. Một lần nữa, mạng xã hội đem lại cho bạn cơ hội thực hiện những điều tốt đẹp đó, đồng thời cũng đem đến nguy cơ đổ vỡ nếu bạn không làm cho những điều đó trở nên tốt đẹp.
(Theo báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com