Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gập ghềnh “xa lộ” mạng giáo dục

Việc số hóa bài giảng và các nội dung liên quan tới ngành giáo dục mới là mấu chốt quyết định sự thành công trong việc nối mạng giáo dục. Ảnh: Tuyết Ân.

 Việc “nối mạng giáo dục” đã tạo được bước nhảy vọt kể từ khi Viettel tham gia cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho ngành giáo dục năm 2008. Nhưng để “xa lộ” này hoàn thiện, cần có sự phát triển đồng bộ giữa Internet, mạng máy tính và nội dung.


Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đang cho thấy sự nhạy bén trong việc tạo dựng hình ảnh, đầu tư mở rộng thị trường và chờ đợi sự trưởng thành của khu vực tiêu dùng này trong tương lai.


Trên cơ sở nỗ lực của doanh nghiệp, việc “nối mạng giáo dục” đang dần tạo được những hiệu ứng tích cực và hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, thị trường giáo dục rộng lớn và còn mang tính bao cấp xã hội, và các doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm “Khả năng tiếp cận máy tính và Internet trong trường học” tại TP.HCM ngày 7-7 đã đề cập đến vấn đề này. Theo họ, nếu gánh nặng này chỉ đặt lên vai một mình doanh nghiệp thì họ khó có thể gồng gánh được, nhưng việc ngân sách nhà nước gánh vác cũng khó thành hiện thực.


Sự sáng tạo của doanh nghiệp

 
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục-Đào tạo, cho biết với chủ đề “Năm học công nghệ thông tin”, niên học 2008-2009 đã để lại những dấu ấn tích cực trong việc đưa CNTT vào trường học. Bước đột phá cho ngành giáo dục có thể kể đến là khi Viettel ký kết với Bộ Giáo dục-Đào tạo cung cấp Internet miễn phí tới tất cả các trường học trên toàn quốc.

 


Như vậy, Internet sẽ đến được với 39.000 trường học các cấp từ nay đến năm 2010. Đến cuối tháng Bảy này mạng lưới Viettel được đưa đến khoảng 18.000 trường, mục tiêu đến cuối năm nay là đưa đến 75% số trường và hoàn tất chương trình trên toàn quốc vào cuối năm 2010.


Theo ông Ngọc, việc tham gia vào ngành giáo dục với mục tiêu xã hội của Viettel tác động mạnh mẽ không chỉ tới hoạt động của riêng ngành giáo dục mà cả thị trường cung cấp Internet nói chung hiện nay, giá cước trong năm qua cũng đã giảm xuống rõ rệt.


Trong chương trình, Viettel và Cục CNTT cũng đã chọn các tỉnh còn khó khăn như Điện Biên, DakLak, Cà Mau để kết nối 100% băng thông rộng đến các trường tại các địa phương. Tốc độ truy cập khoảng 150-250 Kb/giây ở vùng sâu vùng xa là một kỳ tích so với dung lượng khoảng 20 KB trong giai đoạn đầu của việc phát triển Internet tại Việt Nam.


Trong khi đó, Intel với vai trò nhà cung cấp máy tính, để khuếch trương cho sự phát triển của thị trường CNTT, đã có những chương trình thâm nhập với nhiều hoạt động kích thích ứng dụng CNTT một cách sáng tạo trong giảng dạy và học tập. Chương trình Intel Teach trong những năm qua đã đào tạo hơn 50.000 giáo viên phổ thông về kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập theo nhóm và chia sẻ tri thức. Từ góc độ tiếp cận này, các nhà cung cấp cũng kỳ vọng vào nhu cầu của thị trường sẽ tăng lên trong tương lai.


Mặt khác, vấn đề của việc phát triển mạng giáo dục không chỉ là Internet, máy tính mà còn là hàm lượng nội dung cũng đang được đặt ra cho ngành giáo dục, một ngành vốn mang tính học liệu và đặc thù. Việc số hóa bài giảng và các nội dung liên quan tới ngành giáo dục mới là mấu chốt quyết định sự thành công trong việc nối mạng giáo dục. Kho dữ liệu này những năm gần đây đã phát triển nhưng chưa thể nói là phong phú.


Theo ông Ngọc, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều chương trình chia sẻ và dùng chung nội dung, bài giảng đã được đào tạo cho giáo viên ở 35 tỉnh thành. Các phần mềm nguồn mở đang được khai thác để phổ cập cho toàn ngành, khuyến khích phát triển các phong trào làm bài giảng điện tử trong đội ngũ giáo viên, hướng tới một môi trường xã hội học tập.


“Những năm gần đây, dịch vụ nội dung cho giáo dục cũng được các doanh nghiệp quan tâm phát triển, hiện tại nhiều chương trình phần mềm quản lý e-learning đang phát triển mạnh, nhiều dịch vụ tiện ích ra đời như nhắn tin tra cứu điểm thi, cẩm nang tra cứu và tập hợp dữ liệu học sinh, trường học… là một dấu hiệu đáng mừng,” ông Ngọc cho biết.


Một triệu máy tính, bao giờ ?


Bộ Giáo dục-Đào tạo và Intel cũng đã công bố chương trình “1 triệu máy tính cho giáo dục”. Tuy nhiên, mục tiêu của Bộ đề ra là giai đoạn từ nay đến năm 2015 mỗi sinh viên, giáo viên và học sinh cấp 3 sẽ có một máy tính xem ra là điều khó thực hiện. Ngay ở khu vực đô thị có mức thu nhập cao nhất nước như TP.HCM, hiện cũng mới có 50% số giáo viên có máy tính cá nhân. Mặc dù vậy, ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương, cho biết họ vẫn kỳ vọng rằng mục tiêu này hoàn thành sớm hơn vào năm 2010.


Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo cho thấy đến cuối năm 2007, Việt Nam có khoảng 18 triệu sinh viên-học sinh từ tiểu học đến đại học và gần 1 triệu giáo viên các cấp, hơn 3 triệu trẻ em tuổi mầm non và khoảng 160.000 giáo viên mầm non. Nếu tính riêng khối cấp 3 và đại học, Việt Nam có hơn 5 triệu học sinh-sinh viên và khoảng 200.000 giáo viên. Như vậy, xem ra đây là một mục tiêu không dễ thực hiện được nếu như không có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, và chủ trương “Năm học CNTT” đã có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động CNTT trong giáo dục.


Một trong những điều bất cập là giá máy tính vẫn còn khá cao so với thu nhập của nhiều giáo viên, học sinh, nhất là những người ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Ngay các chương trình mua máy tính trả góp mà các nhà cung cấp hợp tác thực hiện vẫn gặp khó khăn.

 

Ví dụ, hiện nay giáo viên muốn mua trả góp máy tính tại Ngân hàng Việt Á, phải chứng minh được thu nhập của mình ít nhất là 2,5 triệu đồng/tháng, một mức thu nhập khá cao đối với những giáo viên mới ra trường. Các doanh nghiệp, vì thế đề nghị nên chăng mức chứng minh tài chính này là 1,5 triệu đồng/tháng thì mới phù hợp với giáo viên. Các giáo viên và học sinh tham gia các chương trình trả góp vẫn không dễ tiếp cận với ngân hàng, vì thế cần có một chính sách mở để các ngân hàng mạnh dạn giải ngân cho chương trình này.


Ở một góc cạnh khác, các doanh nghiệp cũng đề nghị cần có vai trò điều tiết của Cục CNTT trong các mô hình khuyến khích ứng dụng CNTT. Khi giáo viên, học sinh thực sự nhận thức được tính hữu ích của việc tạo ra công cụ cho học tập và giảng dạy thì họ mới có nhu cầu đầu tư thực sự cho công cụ này và thúc đẩy sức mua trên thị trường.


Ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Long Phước, quận 9 (TP.HCM), cho biết nhiều giáo viên tại đây đã mua máy trả góp với sự bảo lãnh của nhà trường. Chẳng hạn giá một máy tính trong chương trình của Intel và các đối tác dành cho ngành giáo dục là khoảng 5 triệu đồng, mức được xem là phổ cập trên thị trường, nhưng xét trên toàn cục, đa số các giáo viên và học sinh chưa đủ khả năng tiếp cận. Nếu cung cấp Internet miễn phí về trường học nhưng mạng máy tính không theo kịp thì cũng chỉ là một sự lãng phí. “Xa lộ” mạng giáo dục chỉ có thể hoàn thiện khi tất cả cùng tiến.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Việt Nam xếp top 10 quốc gia hấp dẫn nhất về CNTT
  • Triển lãm công nghệ thông tin và điện tử Việt Nam lần thứ 14: Sáng và tối
  • Mặt sau những con số thống kê
  • Web 2.0 – Đi tìm “bảy phần chìm” của tảng băng trôi
  • Các mục tiêu mới của hình thức tấn công DDoS
  • “Bão” đã tan trên thị trường công nghệ?
  • Phần mềm eOffice đoạt giải nhất bình chọn "Giải pháp CNTT-TT hay nhất 2009"
  • New York Times muốn tính phí truy cập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị