Google vẫn là “vua” trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên Internet. Nhưng ngôi vị đó đang bị lung lay trước sự xuất hiện của một loạt tên tuổi mới đang nỗ lực làm cho việc tìm kiếm dữ liệu trực tuyến trở nên nhanh hơn, “thông minh” hơn, mang tính cá nhân chuyên biệt hơn...
Khi bạn tra cứu tin tức trên Google, các kết quả hiện ra tuy mới nhưng không mang tính “thời sự nóng hổi”. Twitter đã khai thác triệt để điểm yếu này. Nó dò tìm cả những bài viết trên các blog từng giây một, cho phép người dùng nắm bắt ngay tức thì những tin tức đang lan truyền trên Internet. Facebook và FriendFeed đang thử nghiệm công cụ tìm kiếm thời gian thực nhưng chỉ hoạt động trong phạm vi mạng xã hội của mình. Cũng là mạng tìm kiếm thời gian thực nhưng Scoopler đi theo hướng tập hợp thông tin từ tất cả trang mạng xã hội. Ngoài ra, còn có TweetMeme và OneRiot, một vừa ra mắt và một vừa nâng cấp thêm chức năng tìm kiếm thời gian thực. Twitter cũng đang cung cấp chức năng tìm kiếm thời gian thực cho người chat trực tuyến – điều mà Google chưa làm được.
Những mạng tìm kiếm khác đang nỗ lực để “thông minh” hơn. Điển hình là “tân binh” Wolfram Alpha vừa mới ra mắt hôm 11-5. Khi gặp câu hỏi, hệ thống máy tính của Google sẽ lướt web để lọc ra những thuật ngữ tìm kiếm phù hợp và hiển thị kết quả đúng nhất. Còn Alpha thì lấy thông tin từ hệ thống dữ liệu có sẵn đã được đội ngũ chuyên gia của mình kiểm định và sau đó tính toán trả lời câu hỏi, kể cả những vấn đề chưa từng được giải đáp trên mạng. Alpha ăn điểm Google ở công năng tính toán khổng lồ.
Một số mạng xã hội đang cố gắng thấu hiểu mong muốn của người tra cứu. Twine và Hakia hướng tới sự “cá nhân hóa” trong tìm kiếm, tách riêng các kết quả hợp với gu tra cứu thông tin của bạn. Twine sẽ sớm tích hợp thông tin của người dùng vào chức năng tìm kiếm và đề nghị người dùng xếp loại kết quả tìm kiếm dựa theo chuyên môn, sở thích... của họ. Chẳng hạn, nếu bạn là dân nghiên cứu khoa học, kết quả tìm kiếm từ khóa “evolution” (sự tiến hóa) sẽ cung cấp thêm những bài viết nặng tính nghiên cứu. Nhưng nếu sở thích của bạn thiên về văn hóa pop thì kết quả tìm kiếm (từ evolution) sẽ hiện ra nhiều hơn hình ảnh và thông tin cơ bản.
Cũng có mạng tìm kiếm, như Searchme, với giao diện giống iTunes cho phép người dùng lùng sục tìm kiếm hình ảnh thay vì dùng danh sách siêu liên kết. Kosmix thì phân loại thông tin theo nhóm – từ Twitter, Facebook, blog, chính phủ – để dễ dàng quản lý và truy xuất. Theo Nova Spivack – “cha đẻ” của Twine – giúp máy tính hiểu thông tin trên mạng là bước kế tiếp trong nỗ lực cá nhân hóa hơn nữa việc tra cứu. Spivack cho rằng các mạng tìm kiếm có khả năng dự báo những vấn đề thời thượng sẽ ngày càng trở nên phổ biến, và dĩ nhiên sẽ được nhiều người tìm đến.
Chưa biết có đối thủ nào có khả năng vươn tới tầm vóc như Spivack dự báo hay không, nhưng Google luôn biết tự làm mới mình. “Gã khổng lồ” này vừa tích hợp thêm tính năng “show options”. Người dùng có thể dùng chức năng này để nhìn thấy các cách thức mới liên kết kết quả tìm kiếm, chẳng hạn qua timeline (trình tự thời gian) hoặc “Wonder Wheel” (bánh xe kỳ diệu) hiển thị các mối quan hệ hữu hình giữa các thuật ngữ tra cứu.
(Theo THÁI TRÂN // Báo Cần Thơ Online/CNN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com