Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên Internet không còn là chuyện của mỗi gia đình, đặc biệt khi khoảng cách giữa thế giới thật và ảo thu hẹp dần. Liên minh Viễn thông thế giới, thông qua dự án COP Bảo vệ trẻ em trong không gian ảo, đã kêu gọi trách nhiệm cao hơn từ các nhà hoạch định chính sách thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các nhà cung cấp thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông nhằm tạo sức mạnh bảo vệ cộng hưởng mạnh hơn, rộng hơn.
Tại các thành phố lớn, dịch vụ Internet mọc lên như nấm sau mưa, giá truy cập rẻ, lại mở cửa cho bất cứ ai có tiền. Ở trường học, tin học đã được đưa vào chương trình dạy chính thức từ lâu và Internet ngày càng thu hút giới học sinh, sinh viên vì kho tàng kiến thức khổng lồ ẩn chứa bên trong nó. Trong khi mỗi ngày số gia đình trang bị kết nối Internet nhiều hơn do giá máy tính và giá cước sử dụng Internet đã giảm đi rất nhiều.
Với những tác động này, các bậc cha mẹ hầu như không còn hoặc không thể cấm con cái sử dụng Internet nhưng luôn lo sợ chúng bị rơi vào những cạm bẫy trên mạng thông tin toàn cầu này. Bằng nhiều cách khác nhau, các bậc cha mẹ áp đặt cho bằng được các biện pháp quản lý con cái và nghĩ rằng họ đang dõi theo chúng sát sao. Kết quả khảo sát của công ty bảo mật Symantec (Mỹ) công bố gần đây còn chỉ ra những sự ngộ nhận đáng chú ý khác.
Tưởng biết... hóa ra không
Một trong những điều bất ngờ nhất từ kết quả của cuộc khảo sát mang tên Norton Online Living Report 2009 của Symantec là có sự khác biệt rất lớn về thời gian truy cập Internet của trẻ em trong suy nghĩ của phụ huynh và thời gian truy cập Internet trên thực tế của chúng.
Tính trung bình, các phụ huynh cho rằng trẻ em cần khoảng 26 giờ mỗi tháng để sử dụng Internet, trong khi trẻ em cho rằng con số này là hơn 43 giờ (xem bảng 1).
Trên thực tế, trẻ em Brazil mất khoảng 70 giờ mỗi tháng để truy cập Internet nhưng cha mẹ chúng cho rằng chỉ khoảng 56 giờ. Tại Nhật, trẻ em lên mạng 31 giờ mỗi tháng, còn cha mẹ chúng nghĩ rằng chỉ có 13 giờ. Số giờ sử dụng Internet của trẻ em ở Anh và Mỹ tương đối gần hơn với con số trung bình, nhưng cũng cho thấy sự khác biệt lớn so với con số do các bậc cha mẹ đưa ra khi nó thấp hơn 50% so với kết quả khảo sát.
Phần lớn phụ huynh cho rằng họ luôn biết rõ con cái của họ làm gì khi lên mạng, nhưng Norton Online Living Report 2009 cho thấy sự phản biện không đồng tình của con cái. Các bậc cha mẹ ở Úc tỏ ra rất tự tin trong việc quản lý, giám sát này với 86% người được hỏi khẳng định họ biết những gì con cái của họ đang làm khi lên mạng, nhưng chỉ có 65% trẻ em Úc đồng tình. Điều này cũng tương tự như ở Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, tại Brazil, Ý và Thụy Điển, con cái và cha mẹ có sự chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này. Chẳng hạn ở Brazil, cha mẹ và con cái có thể trao đổi với nhau hàng loạt các vấn đề khi lên mạng và khoảng 60% trẻ em nước này xem cha mẹ như một địa chỉ liên lạc thường xuyên trên các trang mạng xã hội của chúng. Trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về phụ huynh Mặc dù có những nỗ lực nhất định nhưng nhiều phụ huynh cảm thấy khó khăn để bảo vệ con em mình khi chúng truy cập Internet, đôi khi vì họ không biết phải làm điều đó như thế nào hoặc đơn giản là họ không có mặt khi con cái truy cập vào Internet. Hơn một phần năm số trẻ em truy cập Internet ở bên ngoài nhà, nơi mà cha mẹ chúng không thể giám sát và có không quá 40% gia đình duy trì được các chế độ cài đặt về bảo mật theo đúng ý của phụ huynh. Tuy nhiên, chỉ các bậc cha mẹ người Úc, Trung Quốc và Mỹ mới quản lý các chế độ bảo mật đã thiết lập (xem bảng 2). Cứ năm phụ huynh được hỏi thì có một người từng phát hiện con mình tham gia vào những hoạt động trên mạng mà họ không chấp thuận và hầu hết các bậc cha mẹ đã nói chuyện với con cái về việc làm thế nào để giữ an toàn trên Internet. Tại Nhật, kết quả khảo sát cho thấy việc sử dụng Internet của trẻ em ở mức dưới trung bình. Phụ huynh người Nhật có xu hướng muốn con cái tự bảo vệ hơn là mong đợi vào sự giúp đỡ của chính phủ, cơ quan quản lý hoặc các công ty bảo mật (xem bảng 3). Nhiều bậc cha mẹ ở Ấn Độ cũng đưa ra các ý kiến gợi ý về những điều trẻ em cần làm khi sử dụng Internet để được bảo vệ, đồng thời họ cũng cho rằng chính phủ và các công ty cung cấp dịch vụ giữ vai trò đáng kể trong việc đưa ra các chính sách bảo vệ trẻ em khi chúng thâm nhập vào thế giới ảo. Tuy nhiên, phần lớn các bậc cha mẹ ở khắp nơi trên thế giới nghĩ rằng trọng trách bảo vệ trẻ em và giúp đỡ chúng có những định hướng tốt khi truy cập vào mạng Internet trước hết thuộc về chính họ rồi mới đến xã hội. Mới đây, Symantec cũng tung ra thị trường một chương trình bảo mật cho trẻ em, trong đó hãng này khuyến khích các bậc cha mẹ trò chuyện nhiều hơn với con cái để cùng thảo luận những nội dung nên xem và không nên xem cũng như thống nhất các quy tắc bảo mật cho con tự bảo vệ mình khi tham gia vào cộng đồng mạng. Điều này cũng hàm ý rằng quan niệm áp đặt kiểu “cha mẹ bảo sao, con cái nghe vậy” không thể phù hợp với môi trường Internet. ... Và thuộc về xã hội Liên minh Viễn thông thế giới, viết tắt là ITU, đã khởi xướng chương trình Bảo vệ trẻ em trong không gian ảo COP (Child Online Protection) nhằm xây dựng môi trường Internet an toàn cho trẻ em tại Tokyo, Nhật vào tháng Sáu năm nay và đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế khắp nơi trên thế giới. Dự kiến, COP sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. ITU đã kêu gọi tất cả các nhà hoạch định chính sách thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các nhà cung cấp thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông thúc đẩy việc áp dụng các chính sách và chiến lược bảo vệ trẻ em trong không gian ảo và sự an toàn khi truy cập vào tài nguyên trực tuyến. Điều này sẽ không chỉ hướng đến việc xây dựng xã hội có thêm thông tin chung mà còn giúp đỡ các nước đang phát triển đáp ứng nghĩa vụ thực hiện Công ước về Quyền trẻ em được thông qua vào tháng 11-1989. Các công việc này bao gồm: Nâng cao nhận thức xã hội về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trong không gian ảo để xác định các chính sách, các công cụ và tài nguyên để sử dụng cho các quốc gia; tham gia vào các sự kiện có liên quan đến quyền trẻ em của ITU nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt nhất; hỗ trợ liên tục việc phát triển các điều hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách và điều chỉnh kịp thời việc bảo vệ trẻ em trực tuyến; xác định rủi ro đối với trẻ em trong không gian ảo khi Internet tiếp tục mở rộng; xây dựng kho tài nguyên chung cho trẻ em sử dụng; thúc đẩy việc xây dựng các công cụ hữu hiệu để phản ứng nhanh với các mối đe dọa đối với trẻ em toàn cầu trên Internet; phối hợp với tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol để đối phó với một trong những tội phạm nghiêm trọng nhất hiện nay là lạm dụng tình dục trẻ em.Liên minh Viễn thông thế giới đã kêu gọi tất cả các nhà hoạch định chính sách thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến CNTT thúc đẩy việc áp dụng các chính sách và chiến lược bảo vệ trẻ em trong không gian ảo.
(Theo Minh Thảo // Thời báo kinh tế Sài Gòn // ITU)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com