Có tới 90% khách hàng đăng ký dịch vụ 3G là để sử dụng dịch vụ truy cập Internet |
Công ty truyền thông đa phương tiện VTC vừa trở thành doanh nghiệp mới nhất được cấp phép kinh doanh 3G. Liệu thị trường 3G sẽ được phân chia thế nào?
Nhiều mà vẫn ít
Ngay từ khi mới chỉ có 7 mạng viễn thông (chưa có sự tham gia của Beeline và mới nhất là VTC), rất nhiều chuyên gia đã cho rằng thị trường đã quá chật chội, và việc cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp tham ra thị trường viễn thông là một sự lãng phí về nguồn lực hạ tầng và kỹ thuật. Câu chuyện càng trở nên nóng hơn khi có tới 5/7 doanh nghiệp ấy được cấp phép triển khai dịch vụ 3G. Mà chỉ riêng việc để được cấp phép 3G, mỗi doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc 1.500 tỷ đồng, một số vốn không nhỏ. Chính bản thân các doanh nghiệp viễn thông cũng thừa nhận việc tham ra thị trường 3G chỉ như một động thái “xí phần”.
Ngay trong lễ ra mắt dịch vụ 3G, ông Lâm Hoàng Vinh - Giám đốc VinaPhone cũng đã nhận định, trong những năm trước mắt, mạng 2G vẫn là “nồi cơm” của VinaPhone. Vì, theo ông Vinh, 3G là khoản đầu tư lâu dài, và phải mất 7 - 8 năm mới thu hồi lại được vốn. Ngay cả đại gia Viettel cũng đã khẳng định, trong năm 2010, tốc độ phát triển thuê bao 3G của Viettel sẽ vẫn rất hạn chế so với mức độ đầu tư. Có thể chính tâm lý này nên hầu như các doanh nghiệp không đầu tư quá nhiều cho việc cung cấp cũng như quảng bá các dịch vụ trên nền 3G, trong khi theo ông Hoàng Ngọc Diệp - chuyên gia về quản trị viễn thông và CNTT, có rất nhiều ứng dụng có thể triển khai trên nền 3G như: Nội dung giải trí; Nội dung kinh doanh; Nội dung hỗ trợ hoạt động cá nhân; Các giải pháp cho đào tạo từ xa, các giải pháp theo dõi giao thông đô thị. Đó là chưa kể tới vô vàn ứng dụng ở mức cao hơn là các ứng dụng liên quan đến thương mại điện tử và chính phủ điện tử...
Cạnh tranh đâu dễ
Là người đi sau nhưng ngay trong lễ nhận giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, lãnh đạo VTC đã khẳng định đặt mục tiêu trong vòng 3 năm sẽ đạt 1 triệu thuê bao và đạt con số sử dụng 20% dịch vụ giá trị gia tăng 3G. Ông Chu Tiến Đạt, PGĐ Công ty Viễn thông số (Digicom thuộc VTC) khẳng định: “Chúng tôi tin sẽ có thể thực hiện được mục tiêu này”. Theo ông Đạt, VTC sẽ không tập trung mạnh vào các dịch vụ thoại, tin nhắn truyền thống mà đặt trọng tâm vào các dịch vụ GTGT, nội dung trên di động, qua đó hấp dẫn khách hàng, tránh các trường hợp khách hàng đăng ký dùng 3G nhưng không biết sẽ dùng dịch vụ gì trên đó. Về dịch vụ trên 3G, VTC dự định zcung cấp các dịch vụ liên quan đến truyền hình, nội dung số, các dịch vụ thanh toán, thương mại điện tử...
Có thể thấy, những tuyên bố về mục tiêu phát triển thuê bao của VTC được đưa ra dựa trên những thế mạnh sẵn có. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường BMI (Anh) đưa ra cuối năm 2009, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao di động (ARPU) tại Việt Nam đang sụt giảm rất nhanh trong những năm qua, chỉ đạt khoảng 5 USD/thuê bao. Báo cáo này cũng dự báo số thuê bao 3G sẽ đạt khoảng 4,5 triệu thuê bao vào năm 2013, chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số thuê bao di động hiện nay.
Chính vì thế, một chuyên gia viễn thông đã nhận định: “Khi mà bản thân các doanh nghiệp viễn thông còn đang khó khăn để chặn đà suy giảm ARPU thì việc một doanh nghiệp đi thuê lại hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông (ở đây là VTC) sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”.
(Theo Thanh Duy // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com