Cuộc chiến với sự biến đổi khí hậu nên bắt đầu bằng việc sử dụng CNTT như một sợi chỉ xuyên suốt các giải pháp. Ảnh chụp hiện tượng sạt lở ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Qua hơn 30 bản báo cáo trình bày tại Diễn đàn biến đổi khí hậu ĐBSCL (1) chúng ta nhận ra rằng hệ thống hóa công nghệ thông tin (CNTT) là nhu cầu thiết yếu cho một giải pháp chung, bằng không việc tổng hợp những biện pháp ứng phó riêng lẻ của các bộ ngành và địa phương mới chỉ là “nhặt khoai bỏ chung vào bị”.
Đứng hàng thứ ba trong các châu thổ lớn bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu ảnh hưởng kép của tình trạng nước sông cạn xuống và nước biển dâng lên, của lũ lụt và hạn hán, xói lở và lấp dòng, và cả cơ hội làm giàu đi chung với thiếu đói.
Hiểm họa đến sớm cùng cảnh báo
Rạng sáng 22-2-2010 một đoạn đường với chiều dài gần trăm mét trên Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, tỉnh An Giang đã đổ sụp xuống sông như một cảnh phim, và đường nứt đã xuất hiện trên hàng trăm mét chiều dài con đường huyết mạch nối với Campuchia ngay trước mùa lễ hội Vía Bà.
Cũng trong tháng Hai tất cả các nước thuộc Ủy ban sông Mê Kông (MRC) báo động tình trạng nước sông xuống thấp kỷ lục do các đập chặn nước bên phía Trung Quốc, bởi lượng nước mùa mưa giảm sút trong nhiều năm liền và do các rìa băng tuyết trên dãy Himalaya không còn đủ dày để khi tan ra có thể giúp điều tiết dòng chảy cho hết mùa khô. Lần đầu tiên một cuộc hội nghị thượng đỉnh các nước tham gia MRC đã được tổ chức vào đầu tháng Tư để liên kết đối phó với vấn đề.
Thực ra người dân ĐBSCL mấy năm gần đây đã nhận thấy và nhìn thấy rằng tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh tới vùng châu thổ sớm hơn họ đã tưởng tượng. Bước vào đầu năm nay, người dân đồng bằng cảm nhận ngay sự nóng bức, khô hạn và lượng nước phải bơm cho ruộng lớn hơn, tiêu tốn chi phí nhiều hơn mà chưa chắc đã cho năng suất cao. Một nhà báo đã phải thốt lên rằng thiên nhiên hào phóng cho vựa lúa rồi sẽ đòi lại phần lớn diện tích trong vài chục năm nữa, sinh kế của người Việt Nam đang bị đe dọa bởi những thay đổi toàn cầu; đó là nỗi lo có thật phải tin và tìm cách ứng phó.
Với chiều hướng trái đất nóng lên không thể thay đổi như hiện nay thì sự biến đổi khí hậu dù diễn ra ở mức độ hay kịch bản nào cũng làm cho dòng sông ngày càng già cỗi và thay vì bồi đắp phù sa ra biển lại bị nước biển xâm lấn thu hẹp châu thổ, bắt đầu bằng việc xâm nhập mặn hàng chục, hàng trăm cây số vào sâu trong đồng làm mất diện tích canh tác. Hiện tượng lão hóa rất dễ nhận ra với việc dòng nước tàn phá xói lở đôi bờ rồi đem đất đắp vào giữa sông cản trở lưu thông. Vốn là cái nôi của nền văn minh sông nước, vùng ĐBSCL có các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra trên các bờ sông bờ rạch, nay thành địa điểm nhạy cảm nhất của quá trình biến đổi khí hậu.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu phân chia tác động của hiện tượng toàn cầu này làm hai nhóm, nghiêm trọng và tiềm tàng (2). Với ĐBSCL, tác động của tình trạng nước biển dâng được coi là nghiêm trọng nhất (3) và là nguyên nhân của sự lão hóa dòng sông, làm thay đổi diện mạo châu thổ, bao gồm diện mạo mặt đất và diện mạo nhân văn bởi tình trạng di trú đến nơi ở mới.
Trong 50 năm qua nước biển dâng cao 20cm, nhưng từ nay đến 2050 mức dâng thêm sẽ là 30cm làm cho sự tàn phá đôi bờ mạnh hơn, nhanh hơn và diện ngập lụt cũng rộng hơn, kéo dài hơn. Điều này có nghĩa là việc quy hoạch và thiết kế phải đáp ứng những điều kiện mới, nhất là đối với hệ thống đường sá, đô thị cùng khu dân cư và cả các khu công nghiệp.
Sự gia tăng về số lượng của các loại bệnh tật là tác động nghiêm trọng thứ hai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các nhà hoạch định chính sách quá chậm chạp đối với mục tiêu sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống, trong khi trái đất mỗi ngày một nóng lên với các thay đổi thời tiết đột ngột làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, làm suy yếu khả năng chống chọi của người già và gây ra nhiều cái chết thảm thương bởi thiên tai, dịch bệnh.
Cuối cùng, thời tiết cực đoan cũng đang trở nên nghiêm trọng trên vùng châu thổ. Trước đây con người ĐBSCL mới chỉ biết đến lũ lụt, nay cả hạn hán và bão táp sẽ cùng đe dọa họ. Mấy chục năm trước các đôi trai gái thề thốt bằng câu ví “bao giờ cạn nước Đồng Nai”, nhưng nay nhiều kinh rạch lớn nhỏ trên hệ thống Cửu Long đã bắt đầu khát nước.
CNTT là sợi chỉ xuyên suốt các giải pháp
Sẽ không có hiệu quả trong việc đối phó với sự biến đổi khí hậu nếu bỏ qua yếu tố nông nghiệp và biện pháp thích ứng cây trồng. Tác động xấu lên sản xuất lương thực sẽ nhanh chóng làm cho các biện pháp đối phó hoặc thích ứng khác trở nên vô nghĩa. Thích ứng cây trồng là biện pháp cần thiết để nền nông nghiệp có thể đứng vững trước các hiện tượng biến đổi khí hậu. Nông dân sẽ gặp phải những khó khăn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm: thời tiết thay đổi cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng cao, số ngày cực nóng và cực lạnh nhiều hơn, mùa vụ lại có khuynh hướng rút ngắn, sự bức xạ mặt trời mạnh hơn, các áp lực về hạn, ẩm hay mặn ngày càng cao, và sẽ xuất hiện các loại sâu hại cũng như các bệnh mới.
Điều làm các đại biểu tham gia Diễn đàn biến đổi khí hậu ĐBSCL băn khoăn và được thể hiện trong nhận định của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (4) , là việc tổng hợp các đề án mới chỉ là “nhặt khoai bỏ chung vào bị”, bởi ban soạn thảo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với sự biến đổi khí hậu đã không đề cập đến hệ thống CNTT như một sợi chỉ xuyên suốt các giải pháp.
Hệ thống này một mặt làm nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu cho mỗi giải pháp hoặc mỗi dự án, mặt khác giúp chúng tương tác với nhau để chọn ra giải đáp tối ưu cho mỗi bài toán của mỗi ngành, mỗi địa phương. Nền CNTT ở nước ta tuy phát triển rất nhanh nhưng vẫn còn yếu, vẫn rời rạc và ta chưa biết khai thác tính hệ thống vốn là sức mạnh bùng nổ của công nghệ trong thời đại này.
Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu phức tạp trên bình diện rộng của ĐBSCL, CNTT không chỉ làm nhiệm vụ nâng cao nhận thức như nhiều người quan niệm mà cần tích hợp trong cả tám nhiệm vụ của chương trình nói trên, bắt đầu từ việc đánh giá mức độ, xác định giải pháp, xây dựng chương trình cho đến tổ chức thực hiện.
Trong bối cảnh này việc đầu tư hệ thống hóa CNTT trở thành thiết yếu và cấp bách, bao gồm công tác tổ chức và đào tạo, trang bị máy móc và lập trình chuyên dụng, vận hành hệ thống và kiểm tra hiệu quả để từng bước nâng cao.
Cuộc chiến với sự biến đổi khí hậu không chỉ là các dự án thay những bóng đèn mà trước hết là việc thay đổi tư duy lãnh đạo, bắt đầu bằng việc sử dụng CNTT như một hệ thống thống nhất xuyên suốt từ chiến lược đến các chiến thuật, từ khâu chỉ huy đến thực hiện trên các địa bàn khác nhau.
__________________________
(1) Tổng kết Diễn đàn Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất (Cần Thơ 12-13/11/2009): http://vea.gov.vn/VN/tintuc/hoithaohoinghi/Pages/Di%E1%BB% 85n%C4%91%C3%A0n%20BD KH%20DBSCL.aspx
(2) Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Hà Nội, tháng 7/2008): http://www.noccop.org.vn/images/article/CTMTQG_27_07_08_a44.pdf
(3) Đồng bằng sông Cửu Long - Điểm nóng về biến đổi khí hậu: http://www.vfej.vn/vn/chi_tiet/19752/dong_bang_song_cuu_long___diem_nong_ve_bien_doi_khi_hau
(4) Nguyễn Ngọc Trân- Ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Cần sớm đi vào cụ thể: http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/Ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-o-DBSCL-Can-som-di-vao-cu-the/200911/68577.datviet
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com