10) Ngư dân Philippines bắt được con cá mập rất hiếm thuộc họ megamouth, vào tháng 4.2009. Theo Quỹ thiên nhiên hoang dã chi nhánh Philippines thì từ trước đến nay, trên toàn thế giới chỉ ghi nhận được 41 con thuộc loại này. Con cá mập megamouth thứ 41 này dài 4 mét và nặng chừng 500 kg.
9) Con người đã làm đẹp với những viên đá quý cẩn vào răng khoảng 2.500 năm trước. Viện Nhân loại học và lịch sử quốc gia Mexico có một bộ sưu tập độc đáo hàng ngàn chiếc răng rời hoặc nằm trong sọ những người đã sống cách đây vài ngàn năm. Các "nha sĩ" thời xưa đã sử dụng những loại đá rất cứng như obsidian để làm dụng cụ đục răng rồi gắn đá quý lên đó.
8) Trăn khổng lồ (anaconda) đang xâm nhập ồ ạt vào bán đảo Florida và miền nam Texas - những vùng đất thuộc nước Mỹ có khí hậu tương tự Nam Mỹ, vốn là cứ địa của loài động vật này.
Loài anaconda có con dài đến 7 mét, cân nặng trên 220 kg, thường không tấn công người. Còn ở Đông Nam Á có một loài trăn da hình mắt lưới dài 10 mét, chúng có thể tấn công và sát hại người.
7) Rắn to bằng xe buýt. Tháng 2.2009, các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch của loài rắn lớn nhất thế giới từ trước tới nay, dài tương đương một chiếc xe buýt.
Đây là phát hiện của nhóm sinh viên và giảng viên Đại học Toronto (Canada). Họ tìm thấy 180 xương sườn hóa thạch của 28 con rắn tại một mỏ than ở Cerrejó, đông bắc Colombia. Theo tính toán, loài rắn này nặng tới 1.135 kg và dài khoảng 12,8m. Chúng sống cách đây khoảng 58 - 60 triệu năm và được nhóm nghiên cứu đặt tên là Titanoboa cerrejonensis.
6) Xác con tàu ma sau 108 năm. Tháng 11.2009, nhóm chuyên gia khảo cổ Canada phát hiện xác một tàu hơi nước bị đắm từ thời dân chúng đổ xô đi tìm vàng ở Klondike. Đó là con tàu làm bằng sắt tên là A.J.Goddard, bị đắm trong một trận bão cách đây 108 năm. Nó vẫn còn nguyên vẹn trong lớp băng dưới lòng hồ Laberge, phía bắc thủ phủ Whitehorse thuộc vùng lãnh thổ Yukon.
5) Hóa thạch xương người 4,4 triệu năm tuổi. Ngày 2.10, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã phát hiện bộ xương hóa thạch xa xưa nhất của tổ tiên loài người tên là Ardi, thuộc chủng loại Ardipithecus ramidus, có tuổi đến 4,4 triệu năm. Trước đó, hóa thạch người tiền sử được cho có tuổi đời lâu nhất là Lucy, thuộc chủng loại Australopithecus afarensis, được phát hiện năm 1974, có niên đại 3,3 triệu năm. Ardi được tìm thấy ở vùng sa mạc Afar tại miền trung Awash, Ethiopia.
4) Một loài chim cút mà người ta ngỡ đã tuyệt chủng được tìm thấy ở Philippines vào tháng 2.2009, khi nó suýt bị làm thịt.
Theo ông Michael Lu, Chủ tịch CLB chim hoang dã của Philippines, loài chim này có tên khoa học là Turnix worcesteri, từng sống ở vùng núi Caraballo.
3) Những đám mây kỳ lạ tại Cedar Rapids, bang Iowa (Mỹ) là ví dụ về một dạng mây mới được phát hiện. Gavin Pretor Pinney, người sáng lập Hiệp hội Đánh giá mây, bắt đầu chụp những bức ảnh mây kỳ lạ và ngoạn mục vào năm 2005 nhưng lại không biết định nghĩa nó.
Sau này, ông đưa ra một cái tên Latin: Undulus asperatus - có thể hiểu là một dạng gợn sóng hỗn loạn, mạnh mẽ và bất thường.
2) Cá với lớp da đầu trong suốt được các nhà khoa học California, Mỹ ghi hình vào tháng 2.2009.
Sống ở vùng nước sâu tăm tối, loài cá kỳ lạ có tên gọi là cá mắt thùng (barreleye). Chúng sử dụng đôi mắt hình ống cực kỳ nhạy cảm để tìm con mồi lượn lờ bên trên đỉnh đầu.
1) Dấu vết nối kết giữa loài người và vượn cáo. Tháng 5.2009, các nhà khoa học phát hiện hóa thạch tổ tiên của con người có tuổi thọ 47 triệu năm. Hóa thạch này được khai quật tại Messel Pit, Đức, và được đặt tên là Darwinius masillae, có tuổi thọ nhiều hơn gấp 20 lần so với hầu hết các hóa thạch tạo nên quá trình tiến hóa của con người.
Đây là hóa thạch của một loài chuyển tiếp, mang các đặc điểm từ những dòng tiến hóa phi nhân nguyên thủy (bộ bán hầu, đại diện là loài vượn cáo) nhưng lại liên quan nhiều hơn đối với dòng tiến hóa thuộc loài người (vượn người).
(Theo Tạ Xuân Quan/Thanhnien online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com