Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Số hóa truyền hình

Nhân viên kỹ thuật của một doanh nghiệp truyền hình đang lắp đặt dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Lê Toàn.

Hiện nay, truyền hình đang ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau như truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp công nghệ tương tự (analog), truyền hình cáp số hóa… Tuy nhiên, xu hướng chung trên thế giới là công nghệ số. Cùng trong xu hướng đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ số hóa hoàn toàn công nghệ truyền hình.

Theo Quy hoạch Truyền dẫn, phát sóng phát thanh - truyền hình đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt, Việt Nam sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp analog trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.


Bản quy hoạch này cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản sẽ ngầm hóa toàn bộ các mạng cáp của truyền hình dọc các tuyến đường phố chính tại trung tâm các tỉnh thành để bảo đảm chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị.

Mỗi công nghệ một ưu điểm

Hiện phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại Việt Nam đang cung cấp dịch vụ thông qua công nghệ analog. Đây là một công nghệ cũ, đã được sử dụng 60 năm trên thế giới và hàng chục năm nay ở Việt Nam.

Hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đang dần chuyển đổi sang công nghệ số, cho phép nâng cao chất lượng, có khả năng chống nhiễu cao và có nhiều ưu điểm khác. Ví dụ truyền hình cáp sử dụng công nghệ analog chỉ phát được khoảng 60 kênh thì truyền hình cáp công nghệ số có thể phát tới 200 kênh.

Công nghệ analog phát tự do không thể khóa mã các kênh truyền hình nên khó quản lý, dễ bị thu trái phép. Còn với công nghệ số thì chất lượng cao hơn và có thể khóa mã, đóng gói các kênh truyền hình theo yêu cầu; thông qua thiết bị kỹ thuật số sẽ xem được truyền hình chất lượng tốt hơn, âm thanh stereo, hình ảnh rõ nét…

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ truyền hình cáp analog sang truyền hình cáp công nghệ số rất phức tạp, yêu cầu phải thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng và thiết bị truyền hình. Thông thường, nếu chuyển từ truyền hình cáp analog sang truyền hình cáp công nghệ số thì người tiêu dùng phải đầu tư một hộp giải mã tín hiệu để đấu nối vào ti-vi mới có thể xem được các chương trình truyền hình. Trong khi, với công nghệ truyền hình cáp analog, khách hàng chỉ cần kéo cáp và đấu thẳng vào ti-vi. Muốn chuyển đổi công nghệ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp phải thay thiết bị phát sóng, truyền dẫn tín hiệu, sản xuất nội dung chương trình… từ analog sang công nghệ số.

Ông Phạm Thái Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), cho biết hiện VCTV đang phát thử nghiệm 32 kênh truyền hình cáp theo công nghệ số. Dự kiến đến năm 2010, VCTV sẽ cung cấp dịch vụ cáp số ra thị trường.

Ông Hùng cũng cho biết, do việc chuyển đổi đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ phải đầu tư một khoản kinh phí rất lớn, đồng thời cũng gây phiền hà cho khách hàng (phải mua thiết bị giải mã) nên các đơn vị cũng chỉ thực hiện dần dần.

Ông Hùng ước tính, toàn quốc hiện có gần hai triệu khách thuê bao truyền hình cáp, nếu chuyển đổi sang sử dụng công nghệ số thì người tiêu dùng sẽ phải đầu tư gần hai triệu đầu thu (mỗi đầu thu giá trên dưới 1 triệu đồng), như vậy sẽ tốn rất nhiều tiền của của xã hội.

“Kinh nghiệm phát triển truyền hình trên thế giới cho thấy, thông thường khi số người xem truyền hình số chiếm 90% dân số thì mới có thể bỏ công nghệ analog,” ông Hùng nói.

Cũng trong xu hướng chuyển đổi này, Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cũng đang từng bước chuyển các kênh truyền hình đang phát trên hệ thống analog vào kỹ thuật số để cung cấp cho khách hàng.

Không cần phải có bước chuyển đổi từ công nghệ cũ (analog) sang công nghệ mới (số hóa) như truyền hình cáp, dịch vụ truyền hình số vệ tinh DTH (Direct-to-Home) ngay từ đầu đã ứng dụng công nghệ số hiện đại. Ưu điểm lớn nhất của DTH là phát sóng qua vệ tinh nên không cần phải kéo dây đến tận nhà khách hàng như truyền hình cáp. DTH được phát sóng với băng tần cao nên vùng phủ sóng rộng (toàn bộ lãnh thổ Việt Nam), có thể đưa dịch vụ đến mọi nơi và không cần quan tâm đến địa hình, địa bàn dân cư.

Hiện nay, để hạ ngầm hệ thống cáp phải đầu tư rất lớn. Theo tính toán của chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình cáp, nếu việc kéo cáp tốn một thì việc hạ ngầm hệ thống cáp tốn gấp mười lần. Truyền hình cáp cũng có ưu điểm là băng thông rộng nên truyền được hai chiều và có thể cung cấp được nhiều loại hình dịch vụ (truyền hình Internet, truyền hình tương tác, truyền hình theo yêu cầu…). Trong khi đó, những dịch vụ này mà cung cấp thông qua DTH thì chi phí sẽ rất cao, hoặc công nghệ không cho phép thực hiện một số dịch vụ. Truyền hình DTH cũng có nhược điểm là do phát băng tần siêu cao nên khi có mưa hoặc mây đen có thể mất tín hiệu, trong khi truyền hình cáp thì hầu như không bị ảnh hưởng.

Xu hướng tất yếu

Hiện nay, một số nước phát triển đã không còn sử dụng công nghệ analog trong dịch vụ truyền hình nữa. Số hóa hiện đã trở thành xu hướng tất yếu của ngành truyền hình thế giới. Một số nước đã hoàn tất quá trình chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số, phần lớn còn lại đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam (xem bảng).

Số hóa là một xu hướng tất yếu trong ngành truyền hình thế giới nên chắc chắn sẽ ngày càng có thêm nhiều quốc gia đưa ra kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số để đạt tới mục tiêu thế giới “phẳng” trong lĩnh vực này.

(Theo Vân Ly // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Thiết bị ghi nhớ mới
  • Sắp đến thời của truyền hình có thu phí
  • Doanh nghiệp phần mềm nhỏ - Bắt tay để phát triển
  • Trang web phân tích nguy cơ tử vong
  • Những đồ công nghệ thành công nhất trong thập kỷ qua
  • Những cách đặt tên mạng Wi-Fi ngộ nghĩnh
  • 30 triệu tài khoản người dùng RockYou bị tấn công
  • Xây dựng mạng Trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho “đám mây”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị