Mấy năm trở lại đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhiều giá trị ảo cũng ra đời. Âm nhạc cũng không đứng ngoài lề. Các ca sĩ mạng lần lượt xuất hiện góp phần thổi một làn gió mới vào đời sống âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay thì đây vẫn đang là một đề tài gây nhiều ý kiến tranh cãi và có nhiều bất cập.
Những ngả đường đến với thế giới ảo
Ít ai ngờ rằng, Thuỳ Chi - cô ca sĩ mạng đang “hot” nhất hiện nay - lại chưa bao giờ có ý định đưa ca khúc của mình lên mạng. Là sinh viên khoa piano, trường nhạc viện Hà Nội, Thuỳ Chi không có ý định trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng, giọng ca đầy triển vọng của cô đã được bạn bè phát hiện và truyền tải qua mạng. Các ca khúc ấy được cư dân mạng yêu thích, tải về với số lượng chóng mặt. Thuỳ Chi nhanh chóng trở thành một trong những cái tên ca sĩ “hot” của giới trẻ. Họ đặt cho cô tên gọi “ca sĩ mạng”.
Thực ra cho đến bây giờ, em vẫn không nghĩ là em sẽ quảng bá cái gì của bản thân em lên trên mạng để đến với mọi người cả… Em thu âm các bài hát mà mình yêu thích và hầu như các bài hát em thu là đều dành cho em, gia đình và bạn bè em chứ không phải để đưa lên mạng. Những bài hát của em đưa lên mạng đa số hầu hết là do các anh chị, bạn bè đưa lên” – cô tâm sự.
Khác với Thuỳ Chi, ngay từ ngày đầu mới thành lập, nhóm M4U đã nhận thấy sức mạnh của Internet. Họ quyết định chọn mạng làm con đường tiếp cận với công chúng.
Mỗi một ca khúc thu âm xong, nhóm đều đưa lên các trang âm nhạc. Với sức lan toả chóng mặt của internet, các ca khúc của M4U nhanh chóng được biết đến và yêu thích. Chỉ một thời gian ngắn sau, nhắc đến các ca sĩ, nhóm nhạc thành danh trên mạng, người ta không quên nhắc tới M4U.
Minh Vương chia sẻ: “Internet hiện tại là một công cụ rất hữu hiệu để cho ca khúc của riêng nhóm, của mình có thể đến được rộng rãi với mọi người rất nhanh. Có thể chỉ sau một tuần thôi thì trên các website âm nhạc, các ca khúc của nhóm cũng đã được mọi người biết đến rất nhiều. Cũng chính lí do đó mình chọn internet là mục tiêu âm nhạc để mình đưa lên”.
Từ ảo…
Thuỳ Chi và M4U chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều các ca sĩ, nhóm nhạc được biết đến và yêu thích trên mạng hiện nay. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự ra đời của hàng loạt các website, diễn đàn âm nhạc, ngày càng nhiều ca sĩ mạng xuất hiện.
Có người xác định ca hát là con đường chuyên nghiêp và coi internet là một cánh cửa để đến với công chúng. Có người hát chỉ để thoả mãn đam mê và internet là nơi để chia sẻ. Internet là lựa chọn hàng đầu của họ bởi sức lan toả nhanh và không tốn kinh phí.
Nói về vấn đề này, tác giả trẻ Duy Hùng chia sẻ: “Internet là một phương tiện chuyển tải âm nhạc của riêng cá nhân đó đến với công chúng một cách nhanh nhất và khá hiệu quả mà không tốn chi phí gì cả”.
Người có điều kiện thì thu âm tại phòng thu, sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ để chỉnh sửa rồi đẩy lên các diễn đàn. Người không có điều kiện thì chỉ cần một máy tính, một headphone có micro cộng với một phần mềm thu âm tốt cũng đã có thể quảng bá giọng ca của mình trong thế giới ảo rộng lớn.
Nhạc sĩ An Hiếu nói:“Theo cá nhân tôi, các ca sĩ thông qua internet để tiếp cận khán giả là một cái lợi. Bởi vì tôi nghĩ đây là một kênh nhanh nhất và nhất là đa số các khán giả trẻ bây giờ người ta sử dụng internet. Những tinh hoa, thuận tiện nhất người ta đều sử dụng hiệu quả của kênh công nghệ thông tin này, hơn thế đây là kênh thông tin mà không cần nhiều sự đầu tư về knh phí. Thay vì cái việc là bây giờ mình làm CD hay VCD chẳng hạn thì rất tốn tiền và cần phải thông qua một thời gian thẩm thấu thì thông qua việc mạng mọi người có thể gửi gắm, giới thiệu sớm cho người nghe”.
Các trang bình luận âm nhạc, mục bình luận sau mỗi ca khúc trên các website, diễn đàn thậm chí là các trang blog là nơi các ca sĩ mạng cũng rất quan tâm. Nó chính là chiếc cầu nối nhanh nhạy và thông thoáng nhất giữa họ và công chúng.
Với mỗi một ca khúc được đưa lên của ca sĩ chuyên hoặc không chuyên, mọi người đều có quyền bày tỏ những suy nghĩ, bình luận, khen chê, góp ý của mình một cách thẳng thắn nhất. Thậm chí, nó còn trở thành một nơi để mọi người tranh luận, bảo vệ ý kiến của mình…
… Đến thực
Cuộc sống của Thuỳ Chi đã thay đổi khá nhiều từ khi cô trở thành một ca sĩ được yêu thích trên mạng internet. Nó chính là bàn đạp để Thuỳ Chi bước ra sân khấu thực, mở ra cho cô rất nhiều cơ hội…
Nhiều nhạc sĩ biết được giọng ca của Thuỳ Chi qua mạng và mời cô thu âm những ca khúc của mình. Đặc biệt, Thuỳ Chi đã được mời tham dự những chương trình lớn như Bài hát Việt, Tuổi đời mênh mông… Những những ngày đầu bước từ sân khấu âm nhạc ảo ra sân khấu đời thực Thuỳ Chi cũng gặp nhiều khó khăn.
Cô chia sẻ: "Từ thế giới mạng bước ra sân khấu Bài hát Việt cũng như các sân khấu khác cũng rất bỡ ngỡ với em. Bản thân em cũng không được học qua trường lớp đào tạo về biểu diễn cũng như thanh nhạc. Tất cả mọi thứ đều do sự đam mê tìm tòi của em đến với anh chị nhạc sĩ nên sức phản hồi của khán giả khi mà em tham gia chương trình đầu tiên Bài hát Việt là ý kiến để em trau chuốt lại phong cách biểu diễn hay một cái gì đấy để mọi người có thể nhìn nhận khả năng của mình đúng nhất".
Thuỳ Chi nhận giải thưởng "Ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn Bài hát Việt 2008.
Khi được hỏi về những ca sĩ mạng đang được yêu thích hiện nay như Thuỳ Chi, Đinh Mạnh Ninh, nhạc sĩ An Hiếu nhận xét: “Những giọng thông qua internet tôi biết họ thì tôi nghĩ họ có một giọng hát rất là tốt và đầy triển vọng và họ chọn một đường đi rất là đúng. Ví dụ nếu như bây giờ tự nhiên một ngày một cô bé như Thuỳ Chi xuất hiện trên sân khấu mà chưa ai biết đến thì sẽ có nhiều hạn chế vì Thuỳ Chi không có nhiều lơi thế hình thể cho lắm, nhưng thông qua internet người ta đã biết rất nhiều về Thuỳ Chi trước khi lên sân khấu, là người sở hữu một giọng hát rất tuyệt vời trong phòng thu”.
Nhóm M4U cũng không là ngoại lệ. Được biết đến qua mạng internet, quen với cách hát tại phòng thu, có chỉnh sửa nên những ngày đầu đi biểu diễn trên sân khấu thực, các thành viên cũng khá bối rối. Đó là chưa kể tới việc, là người của thế giới ảo nên khi ra đời thực, không ai nhận ra họ, thỉnh thoảng cũng gây ra nhiều bất tiện…
“Hát phòng thu và hát live là hai lĩnh vực rất khác nhau. Khi ở phòng thu thì mình có thể chọn được thời điểm sức khoẻ tốt nhất, giọng tốt nhất và có thể thu đi thu lại một câu hát nào đó, và sau khi thu mộc rồi có thể sử dụng công nghệ phòng thu mix lại cho giọng của mình nhịp và cao độ chuẩn xác hơn. Còn khi hát live trên sân khấu thì mình chỉ có thể hát một lần và công sức tập luyện hát live trên sân khấu thì phải tập luyện kĩ càng thì mới hát tốt được” – Minh Vương nhóm M4U chia sẻ.
Còn ca sĩ Mạnh Duy nhóm M4U, khi tâm sự về ngày đầu bước ra sân khấu thực, cảm xúc dường như vẫn còn nguyên: “Lần đầu đứng trên sân khấu, em rất run và hầu như không làm chủ được các động tác biểu diễn của mình. Sau mỗi lần đi diễn về, nhóm lại bật clip cũ để xem nhận xét, đánh giá và rút kinh nghiệm để thay đổi, mỗi người có lỗi nhỏ hay lớn thì đều phải cố chỉnh sửa”.
Đó cũng là những khó khăn chung của những ca sĩ bước ra từ thế giới ảo. Tuy nhiên, con đường của họ sẽ khác nhau. Có người không ngừng cố gắng rèn luyện để vượt qua những khó khăn ban đầu ấy, và ngày càng tiến xa hơn. Nhưng cũng có người do không có năng lực thực sự nên lại quay về với thế giới ảo, với kĩ thuật của phòng thu… và mãi mãi ở lại đó.
Tuy nhiên, đó không phải là bất cập duy nhất. Việc xuất hiện ca sĩ mạng một cách ồ ạt còn kéo theo rất nhiều vấn đề khác trong đời sống thực như chất lượng ca khúc và vấn đề bản quyền.
Mấy năm trở lại đây, những cuộc tranh chấp bản quyền ca khúc đã không còn xa lạ. Những cuộc tranh chấp này đều xuất phát từ thế giới mạng. Do các ca sĩ tự tung bài lên các diễn đàn, không có kiểm soát và đăng kí ở bất kì cơ quan nào nên việc gian lận càng khó để phân giải.
Có những vụ đã được giải quyết, nhân vật nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa, nhưng có những vụ cho đến bây giờ vẫn là một dấu chấm hỏi?
Nhạc sĩ Quốc Trung nói: “Ở Việt Nam thì mọi thứ đều khó khăn vì sự bảo vệ bản quyền còn rất hạn chế. Bảo vệ bản quyền ở CD, phát hành các xuất bản khác đã khó rồi, bảo vệ trên internet còn khó hơn. Nó đòi hỏi nhà quản lý phải có những bước đi rất mạnh, đi trước…Nếu như chúng ta không có bước chuyển mạnh mẽ thì lúc nào chúng ta cũng ở phía sau và phải chạy đuổi theo cái xu hướng như thế thì sẽ rất khó và không thúc đẩy được nền công nghiệp âm nhạc”.
Không chỉ vậy, với sự bùng nổ của các ca sĩ mạng, số lượng các ca khúc trong đời sống đã được tăng lên một cách đáng kể. Bên cạnh những ca khúc hay, có chất lượng và được đầu tư cũng đã xuất hiện nhiều ca khúc nội dung và chất lượng chưa tốt. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tốc độ lan toả của cả hai loại ca khúc này đều như nhau trong đời sống âm nhạc. Trong khi chưa thể quản lí các ca khúc mạng thì người nghe cần phải có sự chọn lọc của riêng mình…
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ thêm: Nói chung thì mọi cái đều có hai mặt, mặt trái và mặt phái. Nếu bạn tiếp cận nhanh thì đời sống sẽ không được lâu. Có thể vài click chuột bạn đã biết đến một ca sĩ nổi tiếng lên rất nhanh, thời gian sống trong đời sống của nó có thể không được lâu. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến những cái nhanh, những cái trước mắt như thế thì nó không được lâu dài… Nếu có muốn nâng cao về chất lượng thì phải có cạnh tranh, có sự bảo vệ để những nhà sản xuất chuyên nghiệp có chất lượng uy tín đưa lên. Lúc ấy sẽ có sự cạnh tranh và đào thải về chất lượng.
Nhận xét về chất lượng của ca sĩ mạng, Nhạc sĩ An Hiếu không giấu nổi băn khoăng: “Internet như là một kênh thông tin mở vậy sẽ có những tác phẩm, những giọng hát dở. Nó được xuất hiện không qua một cổng kiểm soát nào cả. Họ thoải mái tung ra những ý kiến cá nhân, tung ra mọi thứ… Người nghe nhiều khi chỉ biết nghe thôi, còn thẩm thấu từ từ đôi khi người ta thẩm thấu cả những cái không hay. Tôi nghĩ là như vậy”.
Ca sĩ mạng – xu hướng tất yếu
Dù vẫn còn nhiều bất cập nhưng rõ ràng internet đang là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều ca sĩ. Có ca sĩ sử dụng internet để thăm dò dư luận trước khi ra đĩa, có người coi internet là phương thức để quảng bá hình ảnh của mình. Và, dù với phương thức và mục tiêu gì thì rõ ràng các ca sĩ ngày càng biết tận dụng tối đa sức mạnh của internet. “Thế giới ảo là một bước để mình đến với thế giới thực. Thế giới thực sẽ là cái đích mình đến. Còn đối với thế giới ảo thì mình vẫn duy trì và phát triển nó”, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh - thành viên nhóm M4U - tâm sự.
Trong tương lai gần, sân chơi này chắc chắn sẽ còn sôi động hơn. Thậm chí, nó sẽ là mảnh đất màu mỡ để các ca sĩ, các nhà sản xuất đầu tư vốn và phát triển như một lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả. Ngay trong năm 2009, sân chơi này chắc chắn cũng sẽ nhiều biến động, khi mà các biện pháp bảo hộ bản quyền được thực hiện một cách quyết liệt.
“Trong xu hướng thông tin bây giờ, mạng internet là kênh thông tin thậm chí trong tương lai sẽ phát triển lớn hơn có thể tiêu diệt cả kênh phát hành CD. Gọi là ca sĩ mạng tức là người ta đã bỏ qua cái kênh dẫn tới khán giả bằng con đường CD bằng trực tiếp là download ở mạng. Cái chuyện đấy thì ở các nước phát triển người ta cũng đã có rồi. Chẳng hạn như năm ngoái, năm kia gì đó, có ban nhạc đã để album của họ trên mạng để mọi người download và mọi người tự trả phí”, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định.
Cũng cùng suy nghĩ này, tác giả trẻ Duy Hùng chia sẻ: “Trên thế giới, Mỹ hay các nước khác thì họ đã kinh doanh trên internet rồi. Họ đã có những trang riêng để họ up bài lên và bán trực tuyến. Đó cũng sẽ là một xu hướng phát triển tất yếu của âm nhạc Việt Nam trong tương lai gần”.
Thế giới mạng đã mở ra nhiều cánh cửa và mang lại nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người. Đặc biệt, với các ca sĩ, internet đã mở ra một con đường mới, tiện lợi và hiện đại hơn. Nhưng, không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng, để có thể thành công trên thế giới ảo hay thế giới thực, mỗi ca sĩ đều cần lao động nghệ thuật nghiêm túc và cầu tiến. Và, dù còn nhiều bất cập, nhưng tiếp cận công chúng qua mạng internet là một sự lựa chọn thông minh và là một xu hướng tất yếu.
(Theo vtv)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com