![]() |
Đã qua rồi thời của thư viện truyền thống chuyên lưu trữ và quản lý tài liệu thông tin trên giấy tờ, sổ sách một cách thô sơ và vai trò của người thủ thư chỉ đơn giản là phân loại và quản lý các tài liệu giấy…
Chức năng của thư viện đang ngày càng thay đổi, nó không còn chỉ gói gọn trong việc lưu trữ và cho mượn sách mà mở rộng thành một trung tâm tìm kiếm tri thức và người thủ thư phải là người hướng dẫn tìm kiếm kho tri thức đó.
Việc chuyển từ thư viện truyền thống sang thư viện số đang là một xu hướng tất yếu của các thư viện trong một thời đại mà sách giấy đã không còn ở vị trí độc tôn.
Trong tương lai, thư viện sẽ là một tổ chức lai giữa không gian vật lý và không gian ảo ứng dụng những công nghệ mới giúp người sử dụng phát triển sở thích và chia sẻ sở thích, kết nối với nhau để tìm chỗ đứng trong thế giới số đang phát triển. Muốn làm được điều đó, thư viện phải đầu tư lớn cho hạ tầng CNTT và các giải pháp chuyên ngành để từng bước hiện đại hóa dịch vụ của mình.
Ở Việt Nam, đã có nhiều thư viện đang trong bước chuyển mình sang giai đoạn số hóa như thư viện Đồng Nai, thư viện Trà Vinh, Trung tâm học liệu Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, Thư viện Quốc gia Việt Nam và một số thư viện tại các trường đại học.
Cách mạng số hóa
Thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử là nguồn thông tin được cung cấp cho người đọc ở dạng số. Việc xây dựng thư viện số nhằm giúp cho độc giả trong việc truy tìm nguồn thông tin một cách hữu hiệu hơn là những thông tin lấy từ các trang web. Thư viện số là nơi không chỉ cho bạn đọc tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về toàn văn các sách, tư liệu giữa các thư viện số. Ngoài ra, nó cho phép độc giả truy cập bất cứ nơi đâu khi họ có thiết bị đầu cuối kết nối với Internet, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện.
Để làm được điều đó phải có một nguồn cơ sở dữ liệu hoàn toàn số hóa trước khi đưa lên trang web và người sử dụng sẽ phải trả phí khi sử dụng các dịch vụ đọc, in ấn hay tải xuống.
Ông Trần Tất Thành, Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Nai, nói rằng trong vòng 30 năm qua, nơi này đã lưu trữ và sưu tầm hàng ngàn đầu sách. Công tác lưu trữ trên giấy và sổ sách ghi chép biên mục được làm một cách thủ công. Chính cách lưu trữ này đã làm phát sinh nhiều chi phí như chi phí đầu tư cho việc mua sách, mua nguyên liệu (giấy tờ, sổ sách), chi phí bảo quản…, đặc biệt là đối với tài liệu quý hiếm. Đó là chưa kể đến công tác quản lý, tra cứu cũng chiếm rất nhiều thời gian, công sức của thủ thư lẫn bạn đọc mà hiệu quả tìm kiếm thông tin không cao.
“Điều đó đã khiến chúng tôi trăn trở là phải làm sao giải quyết được những khó khăn đó và hướng đến mục tiêu phục vụ độc giả ngày một tốt hơn”, ông nói.
Vào thời điểm năm 2000, Thư viện Quốc gia, Trung tâm học liệu Huế và Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai phần mềm Vebrary (quản lý thư viện) của Lạc Việt giúp xử lý quy trình quản lý thư viện. Sau đó, Thư viện Đồng Nai đã đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm thực tế và phối hợp với Công ty Lạc Việt để triển khai phần mềm quản lý thư viện Vebrary từ năm 2002.
Hiện nay, mỗi thư viện huyện của Đồng Nai đều được đầu tư xây dựng phòng phục vụ đa năng và truy cập Internet với một máy chủ và từ năm đến 15 máy trạm. Tất cả cán bộ thư viện huyện đều được tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thư viện gồm các phân hệ cơ bản và các phân hệ hoàn thiện như được cài đặt ở thư viện tỉnh. Phần mềm Vebrary sẽ xử lý toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư viện khép kín từ công tác bổ sung, xử lý nghiệp vụ đến phục vụ, thông tin báo cáo để thư viện huyện thực hiện việc tra cứu tài liệu, quản lý việc phục vụ bạn đọc, kiểm kê tài liệu trên máy, cân đối kho tài liệu, liên kết cho mượn giữa các thư viện... Điều quan trọng là đến nay tất cả các thư viện cấp huyện đã phục hồi xong các kho tài liệu và đưa lên mạng khai thác.
Theo ông Thành, dự án thư viện điện tử Đồng Nai đã mang lại sự tiện ích cho người đọc, mở rộng phạm vi tra cứu, sưu tầm tài liệu, nhất là cho người dân ở nông thôn, góp phần đưa sách báo đến tiếp cận với người đọc. “Hệ thống thư viện điện tử được kết nối đến 15 thư viện tuyến huyện đã tạo sự liên thông chia sẻ nguồn lực giữa các thư viện trong hệ thống. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có tham vọng kết nối thư viện xuống tận tuyến xã”, ông Thành nói.
Với mong muốn đưa thư viện đến nông thôn, Thư viện Đồng Nai đang làm một cuộc cách mạng lớn, đó là đưa toàn bộ thư viện của họ lên đám mây.
Theo ông Thành, đầu tư máy chủ cho thư viện cấp xã là quá tốn kém, do đó Đồng Nai đã chọn giải pháp “thư viện đám mây”, chỉ đầu tư hệ thống máy chủ cho thư viện tỉnh và đầu tư hạ tầng Internet để kết nối xuống tuyến xã. Để từ đó, các thư viện tuyến xã có thể truy cập vào nguồn tài nguyên của thư viện tỉnh chỉ thông qua kết nối Internet.Đến nay, dự án thư viện đám mây đã thực hiện xong quá trình tư vấn và đang trong quá trình chuẩn bị triển khai vào cuối năm nay.
Câu chuyện của Thư viện tỉnh Đồng Nai cho thấy một bước chuyển biến tích cực của ngành thư viện hướng đến việc xây dựng thư viện thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích với nguồn thông tin đa dạng phong phú, áp dụng công nghệ hiện đại, dịch vụ tiện lợi đáp ứng nhu cầu học tập và tìm kiếm thông tin ngày càng cao của người dân.
Ngành này có tham vọng là đến năm 2015, tất cả các thư viện tuyến tỉnh phải được tin học hóa với 50-70% tài liệu quý hiếm được số hóa. Đến năm 2020, 100% thư viện tuyến huyện được tin học hóa. Hiện, các thư viện trong cả nước đang áp dụng các phần mềm quản lý ILBI (Công ty Máy tính CMC), LIBOL (Công ty Tinh Vân), Vebrary (Công ty Lạc Việt) và phần mềm dữ liệu text miễn phí CDS/ISIS do UNESCO cung cấp.
Thách thức không nhỏ
Hiện mạng lưới thư viện Việt Nam trải rộng từ cấp quốc gia đến cấp xã và chủ yếu hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, Thư viện Quốc gia Việt Nam có vốn tài liệu hơn 1 triệu đầu sách và xuất bản phẩm Việt Nam, được Nhà nước cấp mỗi năm 11 tỉ đồng. Thư viện này hoạt động theo hai phương thức vừa truyền thống và hiện đại, đã tự động hóa toàn bộ các quy trình nghiệp vụ, đưa thư viện điện tử vào hoạt động và đang số hóa toàn bộ tài liệu.
Còn mạng lưới thư viện cấp tỉnh có 63 đơn vị, mỗi đơn vị có vốn tài liệu khoảng 15.000 bản sách và được cấp kinh phí khoảng 1,8 tỉ đồng/năm. Ngoài ra còn có mạng lưới thư viện cấp xã với 4.000 thư viện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết hệ thống thư viện phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước để hoạt động. Trong những năm gần đây, nguồn ngân sách này đang bị cắt giảm dần để ưu tiên cho những yêu cầu cấp bách khác như phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu… Do đó, các thư viện phải đối mặt với thách thức lớn là làm sao vừa duy trì hoạt động vừa nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc thông qua việc tin học hóa.
“Để tồn tại, các thư viện phải nỗ lực huy động mọi nguồn tài trợ, huy động kinh phí từ người đọc thông qua phương thức tính lệ phí truy cập và theo đầu tài liệu. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều thư viện vẫn không đủ sống”, bà Mai nói.
Ngoài thách thức về kinh phí, các thư viện gặp vấn đề lớn về chất lượng nhân sự khi họ phải thay đổi tác nghiệp từ môi trường thư viện truyền thống sang môi trường thư viện Internet. Đội ngũ cán bộ buộc phải nâng cao kiến thức về CNTT để quản lý và phục vụ người đọc tốt hơn. Dưới áp lực buộc phải đổi mới, cán bộ thư viện phải trở thành chuyên gia số, thường xuyên tương tác với người đọc để nắm bắt nhu cầu thay đổi của họ.
Mặt khác, việc số hóa kho tài liệu cũng đang gặp vấn đề lớn liên quan đến luật bản quyền.
Ông Vĩnh Quốc Bảo, Trưởng phòng Tin học Thư viện Quốc gia TPHCM, nói rằng xây dựng thư viện số không khó nhưng nếu làm nghiêm túc thì gặp phải trở ngại lớn nhất là vấn đề bản quyền. Thư viện phải thương thảo, xin phép tác giả khi công khai văn bản số hóa. Do đó, tại thư viện này hiện chỉ mới số hóa khoảng 700.000 trang sách bằng phương pháp quét và chụp vi phim các tài liệu lâu năm đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền. Hầu hết đây là tài liệu quý hiếm nhưng đang có nguy cơ bị vàng ố và hư hỏng.
Theo ông Bảo thì mô hình thư viện điện tử tại Việt Nam vẫn đang ở mức sơ khai, số lượng đầu sách được số hóa và tài liệu được đưa lên web còn ít ỏi. “Cần lắm một chính sách toàn diện, tổng thể như một cú hích để giấc mơ hiện đại hóa thư viện truyền thống trở thành hiện thực”, ông Bảo nói.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com