Khi Luật công nghệ thông tin và Luật giao dịch thương mại điện tử được ban hành và có hiệu lực và Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền
kinh tế thế giới, thì hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với sự cạnh tranh bình đẳng từ các doanh nghiệp nước ngoài, mà thương mại điện tử là một công cụ ít tốn kém nhất giúp cho doanh nghiệp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Thực tế ngày càng xuất hiện nhiều website về thương mại điện tử các dạng doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng, khách hàng với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu lập các website bán hàng qua mạng rất tốt để tiếp thị, quảng bá bán hàng, hỗ trợ bán hàng, tìm kiếm và mở rộng thị trường ra khắp nơi trên thế giới...
Hiện không chỉ có doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trên Internet và các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến mới đầu tư website mà các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng cũng sử dụng công cụ nét khá hiệu quả. Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Nhà Vui, cho biết: "Từ khi công ty mới được thành lập, những khách hàng đầu tiên tìm đến công ty cũng nhờ website. Công cụ này đã giúp công ty vượt qua mọi sóng gió để tồn tại và tạo được tên tuổi như ngày nay".
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2008 thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với số thuê bao Internet trên toàn quốc là sáu triệu, quy đổi gần 19,5 triệu người dùng Internet, đạt tỉ lệ 23% dân số dùng Internet. Theo Bộ Công thương tính đến nay, Việt Nam có khoảng 38% doanh nghiệp có website riêng và hơn 93% doanh nghiệp kết nối Internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc hình thành khung pháp lý bảo vệ doanh nghiệp và người dùng khi mua, bán trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công nhận giá trị pháp lý của chữ ký số và chứng thực số trong giao dịch điện tử, điều này mở ra một thời kỳ phát triển mới cho lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam. Ðã có hàng loạt công ty chuyên về dịch vụ thanh toán điện tử kết hợp với các ngân hàng triển khai các dịch vụ "ví điện tử" dành cho đối tượng mua sắm những khoản vừa và nhỏ qua mạng Internet.
Chỉ cách đây năm năm, thương mại điện tử vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thế mà giờ đây bức tranh thương mại điện tử Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thống kê của Bộ Công thương cho biết: Qua khảo sát thương mại điện tử tại 1.700 doanh nghiệp trên cả nước, có tới 1/3 số doanh nghiệp có doanh thu nhờ các đơn đặt hàng qua phương tiện thương mại điện tử, với mức 15% trở lên so với tổng doanh thu. Nếu so sánh với năm 2005 (chỉ 8%) thì thấy rõ các doanh nghiệp đã thật sự quan tâm đến thương mại điện tử và biết cách biến lợi ích tiềm tàng của thương mại điện tử thành hiện thực.
Khoảng ba năm trở lại đây các "chợ ảo" xuất hiện và có xu hướng tăng nhanh. Nhiều trang web dịch vụ mua sắm trực tuyến có sự đầu tư đáng kể để nâng cấp giao diện website, cung cấp dịch vụ tốt hơn như truy cập nhanh, dễ sử dụng, ở nhiều thông tin cho từng sản phẩm về giá cả, xuất xứ... Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch điện tử, trong đó không ít trang web đã tạo được uy tín trên thị trường; đã có hơn 10.000 mặt hàng: kim khí điện máy, quà lưu niệm, hoa, sách, quần áo, hàng thể thao, trò chơi, trang sức, mỹ phẩm được quảng bá và giới thiệu trên mạng.
Sự phát triển của TMÐT còn vượt khỏi phạm vi doanh nghiệp, tác động và góp phần cải thiện công tác quản lý nhà nước của bộ máy công quyền. Thí dụ với ngành thuế và hải quan, chỉ tính trong năm 2007 đã có 501 doanh nghiệp tham gia hệ thống hải quan điện tử, với 36.135 tờ khai xuất - nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các lô hàng xử lý qua hệ thống hải quan điện tử đạt trên 3,4 tỉ USD, số thuế đạt trên 3.261 tỉ đồng...
Trong tổng số 63 tỉnh - thành phố, hiện có 58 tỉnh - thành phố có website hoạt động như một kênh giao dịch điện tử với người dân và doanh nghiệp qua Internet. Những hoạt động kể trên cho thấy thương mại điện tử ở nước ta đang diễn ra sôi động, có tiềm năng dồi dào để phát triển mạnh hơn nữa.
Với việc ban hành Luật công nghệ thông tin cũng như Luật giao dịch điện tử, cơ sở hạ tầng về mạng internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung đang phát triển nhanh và nhất là các lợi ích từ TMÐT đã hỗ trợ doanh nghiệp ngày một phát triển và rồi đến lượt mình, doanh nghiệp lại đóng góp trở lại cho phát triển TMÐT.
Tuy nhiên theo đại diện của Công ty Gnet Media, chuyên thiết kế website cho doanh nghiệp thì cho rằng: "Ở Việt Nam hầu như chưa có website thực hiện thương mại điện tử đúng nghĩa mà chỉ mới dừng lại ở mức độ giới thiệu thông tin về sản phẩm và dịch vụ cho website. Khiếm khuyết lớn nhất của phần lớn website vẫn là thông tin không được cập nhật đầy đủ, chính xác và thường xuyên. Nguyên nhân là do các chủ website chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này hoặc có quan tâm nhưng đội ngũ nhân viên tại doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp...".
Cản trở lớn để thương mại điện tử Việt Nam phát triển chính là việc người dân và cả doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ lợi ích của thương mại điện tử. Người dân thì chưa tin, doanh nghiệp thì thờ ơ, làm cho có. Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn là việc thanh toán trực tuyến. Theo điều tra của Vụ Thương mại Ðiện tử thuộc Bộ Công thương cho biết: Có hơn 62,5% website của doanh nghiệp chỉ dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ và chỉ có khoảng 27,4% cho phép đặt hàng qua mạng trong đó số website có hỗ trợ thanh toán trực tuyến chỉ hơn 3,2%. Hiện còn quá nhiều bất cập khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam bởi hệ thống ngân hàng vẫn chưa kết nối tốt với nhau. Bảo mật cũng là vấn đề rất lớn và tác động đáng kể đến tâm lý mua hàng của người dân dẫn đến sự e ngại trong giao dịch trực tuyến. Một số website bán hàng qua mạng nổi tiếng trên thế giới đã ngăn cản các giao dịch thanh toán trực tuyến từ các máy tính tại Việt Nam. Ðiều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển thương mại điện tử ở nước ta. Tội phạm trực tuyến trong nước tuy không nhiều nhưng đã có và gây ảnh hưởng rất lớn đối với niềm tin của khách hàng với phương thức bán hàng trực tuyến nói riêng và các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thương mại điện tử nói chung.
Ông Nguyễn Văn Ðạo - Phó Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina từng cho biết: "Cùng với tiến bộ công nghệ, sự phát triển phong phú, đa dạng của TMÐT luôn đặt ra những vấn đề mới cho hệ thống pháp luật về TMÐT. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được triển khai thật tích cực. Những quy định về cấp phép thành lập website hay mua - bán tên miền chưa phù hợp với thực tiễn...".
Sự bùng nổ của trò chơi trực tuyến, dẫn đến nhu cầu xác định tính hợp pháp của tài sản ảo, các vụ tranh chấp về tên miền, cho thấy cần có tư duy quản lý thích hợp với loại tài nguyên đặc biệt này. Chưa kể đã có những hành vi sử dụng công nghệ thông tin đột nhập tài khoản, trộm thông tin thẻ thanh toán, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động TMÐT lành mạnh...
Phát triển thương mại điện tử cũng giống như lịch sử phát triển của thương mại truyền thống, bước đầu là tự phát khi mà mỗi cá nhân, doanh nghiệp hay một cơ quan, tổ chức khi nhận thấy lợi ích của mình trong đó, rồi sau đó trở nên hiện đại hơn và đa phương thức hơn. Tuy nhiên để muốn mở rộng và phát triển ở tầm cao cũng như tạo nên lợi ích thực sự cho cộng đồng xã hội thì cần có "bàn tay của nhà nước".
Ðể kiểm soát TMÐT thì việc nâng cao nhận thức của người dùng, hoàn chỉnh khung pháp lý cho thương mại điện tử là quan trọng nhất. Tiếp tục hoàn thiện kiến trúc thượng tầng cho việc phát triển thương mại điện tử (xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn và độ tin cậy trong thương mại điện tử; khung pháp lý, cơ chế chính sách thu hút và tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính tương hỗ cho hoạt động này) đang là những đòi hỏi từ thực tế để TMÐT Việt Nam ngày càng phát triển và có vị thế "trong thế giới phẳng" của công nghệ thông tin thời @.