Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương mại điện tử và “bức tường” tâm lý

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở các kênh đặt hàng qua phương tiện điện tử, đồng thời doanh thu của doanh nghiệp từ thương mại điện tử cũng đang có xu hướng gia tăng đều qua các năm.

Thương mại điện tử đang được xác định là một trong những giải pháp tối ưu để doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tinh gọn hoạt động sản xuất, mở rộng hợp tác kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng, khó khăn hiện nay.

Dù vậy, theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2008, vừa được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố hôm 14/4/2009, mức độ đầu tư cho công nghệ thông tin và thương mại điện tử của các doanh nghiệp đã có những tín hiệu đáng mừng, nhưng tín hiệu này vẫn còn… “le lói”,  bởi "bức tường” tâm lý!

Tín hiệu mừng

Kết quả từ 1.683 doanh nghiệp được điều tra của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong năm 2008, có 48% doanh nghiệp đầu tư dưới 5% tổng chi phí hoạt động cho công nghệ thông tin và thương mại điện tử, 38% có tỷ lệ đầu tư từ 5- 15% và 13% doanh nghiệp là trên 15%.

Theo Cục, điểm sáng nhất về ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp trong năm qua là tỷ lệ đầu tư cho phần mềm tăng trưởng nhanh, chiếm 46% tổng đầu tư cho công nghệ thông tin, tăng gấp hai lần so với năm 2007; trong khi đó phần cứng cũng giảm từ 55,5% xuống còn 39%.

Chính sự dịch chuyển trong cơ cấu đầu tư cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng tới các phần mềm ứng dụng để triển khai thương mại điện tử.

Cụ thể, theo thống kê điều tra của Cục, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở các kênh đặt hàng qua phương tiện điện tử, đồng thời doanh thu của doanh nghiệp từ thương mại điện tử cũng đang có xu hướng gia tăng đều qua các năm.

Trong đó năm 2008 có 25,7% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử là 5% tổng doanh thu, 38,7% là từ 5 – 15% và 35,6% chiếm tỷ trọng trên 15%, thì so sánh với các năm trước đó, doanh thu từ thương mại chiếm tỷ trọng từ 5 -15% của doanh nghiệp đều tăng cao hơn và giảm ở tỷ lệ doanh thu thấp, dưới 5%.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho rằng, kết quả trên là do nhiều doanh nghiệp đã từng bước nhận thức rõ về tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và ít nhiều đã bắt tay vào ứng dụng.

“Những doanh nghiệp này đều có thể cải thiện ứng dụng và tăng doanh thu từ thương mại điện tử trong thời gian tới”, ông Linh nhận định.

Chạm “bức tường” tâm lý

Tuy nhiên, ngay cả khi có những tín hiệu đáng mừng trên thì thực tế cũng mới chỉ vỏn vẹn có 3,5% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước áp dụng phương thức thanh toán trực tuyến. Ông Trần Hữu Linh cho rằng, tỷ lệ này là rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới và yêu cầu thanh toán trong thương mại điện tử.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Lương Văn Tự phân tích, ở Việt Nam, người mua và người bán thực hiện theo hình thức “tiền trao, cháo múc” và tâm lý “sờ tận tay”, nên người tiêu dùng lo ngại mua phải sản phẩm không dùng được hoặc chất lượng không đạt như mong muốn.

“Chính tâm lý tiêu dùng này đã thành bức tường cản trở lớn nhất đối với phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam", ông nói.

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink còn cho rằng, ngoài thói quen tâm lý, một nguyên nhân nữa là do ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp hay ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh về tư cách tài chính của người bán hàng và người mua, để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch thương mại điện tử.

Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp phản ánh, một trong những trở ngại lớn để phát triển thương mại điện tử là vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử, nhất là về dữ liệu thông tin người tiêu dùng, vì còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể để bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.

Theo bà Tú Anh, yếu tố chủ đạo và cốt yếu là nhà sản xuất phải bán ra những hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo những tiện nghi nhất cho người mua cả trước và sau bán hàng, như thế mới gây dựng và giữ được uy tín.

“Để thúc đẩy thương mại điện tử là phải thay đổi tâm lý tiêu dùng, mà yếu tố số một là đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ bán hàng của doanh nghiệp”, ông Tự nói.

Đồng thời, theo ông, Nhà nước cũng cần sớm có bộ chứng từ điện tử để đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh qua thương mại điện tử.

Tại một buổi tọa đàm về ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, trong khó khăn về đầu ra, chi phí sản xuất tăng cao và phải cắt giảm nhân lực nên việc ứng dụng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử sẽ là một giải pháp, nhu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp.

Theo ông, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nên coi bán hàng, giao dịch thương mại qua mạng như một mảng phân phối mới của doanh nghiệp. Vì qua hình thức kinh doanh trực tuyến doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận với khách hàng hay mở rộng mối làm ăn, hợp tác với các đối tác nước ngoài, đồng thời sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí, như thuê mặt bằng, nhân công và các chi phí khác.

(Theo VnEconomy )

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ kinh tế
  • Người Việt chưa mặn mà với giao dịch thương mại điện tử
  • Đầu tư mạnh cho thông tin
  • Thiếu nhân lực: Khu công nghệ cao có nguy cơ thành khu công nghiệp
  • Cần hàng nghìn tỷ đồng cho "thành phố không dây"
  • Đức xúc tiến phòng ngừa chiến tranh tin học
  • Microsoft bị phạt vì vi phạm bản quyền
  • Khủng hoảng "kích thích" tội phạm công nghệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị