Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại 29 sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố đã đạt những kết quả nhất định; tuy nhiên vẫn còn những bất cập do thiếu nhân lực chất lượng cao.
|
Công nghệ thông tin góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: Linh Tâm |
Những điểm sáng
Có thể nói, hầu hết các cơ quan nhà nước thành phố từ các sở, ngành đến quận, huyện đều đã và đang tích cực triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động hằng ngày của đơn vị, đặc biệt là gắn với các hoạt động cải cách hành chính (CCHC), góp phần tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động.
UBND quận Hoàn Kiếm là một trong những điểm sáng về ứng dụng CNTT vào các hoạt động hằng ngày, trong đó việc ứng dụng CNTT trong CCHC được coi trọng.
Ngoài việc xây dựng cổng giao tiếp điện tử, quận đã có phần mềm quản lý văn bản bắt buộc đội ngũ cán bộ nhân viên sử dụng để xử lý công việc hằng ngày, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực. Theo Chánh văn phòng UBND quận Khuất Đăng An, việc ứng dụng phần mềm này giúp lãnh đạo đơn vị có thể quản lý được đầu việc của cấp dưới và theo dõi tiến trình xử lý công việc đang diễn ra. Nếu hệ thống mạng thông suốt, phần mềm này có thể kết nối công việc với 18 phường trên địa bàn quận. Ngoài ra, Hoàn Kiếm cũng đang triển khai nhiều loại phần mềm khác vào các hoạt động, như quản lý địa chính (cập nhật hơn 3.000 hộ dân với các thông tin về diện tích, vị trí thửa đất…), tiếp nhận giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, mô phỏng và tái tạo phố cổ Hà Nội, quản lý đăng ký kinh doanh, quản lý cấp phép xây dựng…
Quận Tây Hồ cũng được đánh giá là đơn vị ứng dụng CNTT khá bài bản và đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT đến năm 2015 với các chỉ tiêu, như cáp quang hóa toàn bộ hệ thống mạng diện rộng của quận thay thế cho mạng ADSL-VPN; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu hệ thống; hệ thống bảo mật chuyên dụng cho toàn bộ hệ thống mạng CNTT của quận; xây dựng hệ thống họp trực tuyến giữa UBND quận với phòng, ban, đơn vị hiệp quản và UBND các phường trên hệ thống mạng cáp quang. Quận cũng đưa ra mục tiêu cụ thể về ứng dụng xây dựng 5 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 và triển khai áp dụng chữ ký điện tử trong các ứng dụng CNTT tại quận…
Một số đơn vị khác, như Sở Giáo dục - Đào tạo đưa 26 thủ tục hành chính đạt mức độ 2 công khai trên mạng, trong đó có phần mềm "Hệ thống tra cứu điểm thi" cung cấp thông tin cho học sinh và người dân. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng được 3 hệ thống xếp hàng tự động phục vụ công dân đến giao dịch giải quyết thủ tục hành chính; 3 hệ thống kiốt điện tử sử dụng màn hình cảm ứng để người dùng có thể biết các thông tin về hoạt động của sở và các dịch vụ tiện ích cho công dân…
Thiếu nhân lực
Có lẽ, khó khăn lớn nhất trong ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước thành phố hiện nay không phải là nhận thức hay thiếu nguồn vốn mà là thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư CNTT có trình độ. Đây cũng là điều mà hầu hết các đơn vị gặp phải và là kiến nghị mà nhiều đơn vị phản ánh thay vì kiến nghị thiếu kinh phí như thường thấy. Đại diện một số đơn vị cho biết, do lương thấp, nên những cán bộ có trình độ CNTT khá chỉ làm việc một thời gian ngắn, sau lại bỏ việc ra ngoài làm khiến đơn vị lao đao theo. Sở Kế hoạch và Đầu tư là một trong những đơn vị bị "chảy máu" chất xám trong lĩnh vực này vì họ "không chịu nổi" mức lương quá thấp. Đại diện một đơn vị cho biết, ngoài trả lương theo quy định, lãnh đạo đơn vị cố gắng bố trí thêm thu nhập cho cán bộ CNTT chuyên trách, song cũng chỉ trong phạm vi có thể, mà mức thu nhập như vậy vẫn là rất thấp so với thu nhập bên ngoài. Vì thế, các nhân viên này và những người có trình độ chán nản, lần lượt bỏ việc.
Một vấn đề khác, trong khi đã có nhiều sở được trang bị hạ tầng, thiết bị CNTT tương đối khá thì vẫn còn không ít đơn vị thường xuyên gặp "trục trặc" do thiết bị thiếu và quá cũ. Sở Y tế là một ví dụ khi mà hệ thống đường truyền hoạt động không ổn định. Tương tự, hệ thống máy tính, mạng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không những thiếu mà hoạt động cũng không ổn định. Ngoài ra, bên cạnh những cơ quan nhà nước thành phố coi trọng ứng dụng CNTT thì vẫn còn một số đơn vị chưa có phần mềm "một cửa", chưa có hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, chưa triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính… Trong đó, nhiều website mới chỉ cung cấp thông tin giới thiệu một chiều, chưa có tương tác với độc giả và các dịch vụ trực tuyến với công dân. Xem ra, việc ứng dụng CNTT tại các đơn vị của thành phố vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Sở Thông tin và Truyền thông đang kiến nghị thành phố cấp kinh phí ứng dụng CNTT cho các đơn vị.