Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đến việc ứng dụng điện toán đám mây nhằm tiết giảm chi phí, giải quyết bài toán nhân sự chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) và đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách chuyên nghiệp hơn.
Đó là ý kiến của các chuyên gia CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp CNTT tại hội thảo "CIO với thách thức công nghệ" diễn ra tại TPHCM hôm 30-6.
Điện toán đám mây cho phép dữ liệu và ứng dụng không nằm trên desktop mà có thể được đặt tại các máy chủ ở nơi khác, giúp dữ liệu có thể được truy xuất từ bất kỳ đâu. Xu hướng điện toán đám mây được thúc đẩy mạnh vào nửa đầu năm 2010 với sự xuất hiện của “Office Web Apps” – phiên bản trực tuyến miễn phí của các ứng dụng văn phòng phổ biến là Word, Excel, PowerPoint và OneNote
Ông Frank Martinez, Giám đốc toàn cầu các chương trình nội dung số và máy tính chính phủ của tập đoàn Intel, cho biết điện toán đám mây đang là một xu hướng công nghệ mới trên toàn cầu, thu hút nhiều nhà cung cấp dịch vụ công nghệ và doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, điện toán đám mây còn khá mới mẻ và chỉ được nhắc đến trong những vài năm trở lại đây.
Theo ông Martinez, doanh nghiệp nên quan tâm đến xu hướng công nghệ mới nhiều hơn để tăng tính cạnh tranh và tăng hiệu suất hoạt động của mình. “Điện toán đám mây không phải là một công nghệ đắt tiền, nó hoàn toàn phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khi ở Việt Nam loại hình doanh nghiệp này chiếm gần 90%”, ông nói.
Có nhiều lý do ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến điện toán đám mây. Bởi, theo ông Martinez, "trước hết điện toán đám mây có thể cắt giảm chi phí liên quan đến việc cung cấp dịch vụ CNTT như chi phí vận hành và quản lý hệ thống CNTT". Ngoài ra, điều quan trọng nhất của mô hình này làm thay đổi bộ mặt công nghệ của từng doanh nghiệp một cách sâu rộng để ra dịch vụ thông minh hơn.
Theo các chuyên gia thì lợi ích của điện toán đám mây là không thể phủ nhận, Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cân nhắc đến các yếu tố khác nhau khi tính đến chuyện ứng dụng điện toán đám mây.
Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra các yếu tố gồm rào cản kỹ thuật, nguồn vốn để hiện đại quy trình kinh doanh bằng việc ứng dụng CNTT, giảm chi tiêu cho phần cứng, phần mềm, an toàn bằng thuê ngoài phần mềm cơ sở hạ tầng, tính linh hoạt và khả năng mở rộng của nguồn lực CNTT trước khi quyết định ứng dụng điện toán đám mây vào sản xuất kinh doanh.
Ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, cũng nhận định rằng ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động của doanh nghiệp là tất yếu, song doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin, xác thực điện tử khi áp dụng mô hình này. “Vấn đề về bảo mật là rào cản lớn nhất quyết định điện toán đám mây được sử dụng rộng rãi hay không? Bởi doanh nghiệp khi thuê ngoải không quản lý được môi trường tác nghiệp cũng như không nắm rõ ràng về các ứng dụng”, ông Khả nói.
Để giúp doanh nghiệp tránh rủi ro khi ứng dụng điện toán đám mây, Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia đang quy hoạch và tổ chức giao dịch chứng thực chữ ký số trên toàn quốc, cung cấp chữ ký số cho doanh nghiệp và xử lý chứng thực chữ ký số liên quan đến yếu tố nước ngoài nhằm tạo hành lang pháp lý, giao dịch an toàn cho doanh nghiệp khi ứng dụng điện toán đám mây.
(Theo Thu Hiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com