Hạn hán đang gây nên những tác động tiêu cực đối với đời sống người dân vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Hiện tượng biến đổi khí hậu đang gây nên những hậu quả tiêu cực đối với đời sống xã hội tại Việt Nam, và giới khoa học trên cả nước cũng như ở TP.HCM đã vào cuộc tìm các giải pháp ứng phó, trong đó bài toán về công nghệ sạch, các nguồn năng lượng mới cùng công cụ công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) được chú trọng.
Các chuyên gia đánh giá rằng sự đóng góp của CNTT - TT trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các công nghệ đang có. Hơn nữa, nhận thức của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về vấn đề này chưa cao cũng là một trong những trở ngại lớn. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nói rằng từ năm nay thành phố đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu thành một trong những trọng tâm của công tác nghiên cứu khoa học với những giải pháp công nghệ cao, công nghệ sạch, đồng thời với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn, thành phố tham gia vào chương trình toàn cầu giảm thiểu phát thải khí CO2 và chương trình giảm thiểu khí thải và hiệu ứng nhà kính, hướng đến nền kinh tế ít carbon. Chương trình này được tiến hành song song với chương trình bảo vệ tài nguyên và môi trường vốn thiên về các giải pháp quản lý, cơ chế chính sách. Bắt tay đi tìm lời giải Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định rằng trong nỗ lực hạn chế và giảm nhẹ ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu tại Việt Nam, CNTT - TT đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ông dẫn chứng CNTT được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều ngành kinh tế nhằm mục đích tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ở góc độ ứng phó với sự biến đổi khí hậu, một số chuyên gia trong ngành cho rằng công nghệ cao này vẫn chưa được khai thác hết khả năng và tiềm năng. Các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ thuộc lĩnh vực CNTT và viễn thông hiện mới chỉ được khai thác nhiều trong các kế hoạch về nguồn năng lượng sạch, trong công tác dự báo, chỉ đạo phòng chống thiên tai và một phần trong việc ứng cứu các sự cố do thiên tai gây ra. Một trong những nỗ lực của Việt Nam hiện nay là xây dựng hệ thống thông tin về phòng chống thiên tai cả trên đất liền, vùng biển và hải đảo, đồng thời Việt Nam cũng đã tổ chức và tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại các cuộc hội nghị, hội thảo liên quan đến việc ứng dụng CNTT - TT vào vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết CNTT giúp xây dựng các mô hình thuật toán dựa trên các số liệu thống kê từ các hiện tượng thời tiết như mưa, bão, băng, tuyết; sau đó thể hiện trên bản đồ để đưa ra các kịch bản về biến đổi khí hậu khác nhau. Ông Lý nói rằng các mô hình chỉ là những dự báo và hiện các phần mềm như thế cũng đang được phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở các cơ quan khí tượng - thủy văn, các viện nghiên cứu và các trường đại học. Từ các kịch bản dự báo đó, giới khoa học sẽ bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ ứng dụng trong từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể như thủy lợi, nông nghiệp, canh tác, quy hoạch, xây dựng… nhằm thích ứng với biến đối khí hậu cũng như giảm thiểu tác động của nó. Giới chuyên gia nhận định rằng ngành CNTT - TT Việt Nam cần tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin với các tổ chức và các quốc gia trên thế giới để kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các dự án ứng dụng CNTT vào trong các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, những ứng dụng này có thể giúp giám sát trong lĩnh vực khí hậu, nông nghiệp, lâm nghiệp, phòng chống tình trạng phá rừng và tiếp tục thiết lập mạng lưới thông tin truyền thông cần thiết trong trường hợp khẩn cấp và thiên tai lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền nhằm giúp nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về vấn đề này cũng sẽ được đẩy mạnh. Bắt đầu từ công nghệ sạch Trong tình hình thực tế của TP.HCM, ông Tân cho rằng trước mắt cần phải thực hiện ngay việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời ông đề xuất đưa yếu tố biến đổi khí hậu vào trong luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào giữa năm nay. Từ việc xác định mục tiêu nói trên, trong giai đoạn 2011-2015, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đến môi trường sống của thành phố, các đặc điểm và tác động của quá trình đô thị hóa, các giải pháp về công nghệ và quản lý nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đồng thời tăng tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó là việc tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến. Các chuyên gia cho rằng tính cấp thiết của việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các cấp quản lý, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, hiện đại và thu hút các dự án tốt với công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, các chính sách quản lý vĩ mô cần tạo ra sự thuận lợi cho việc thu hút nguồn tài trợ và nguồn đầu tư từ các tổ chức và định chế tài chính quốc tế cho công nghệ sạch, song song với lợi ích từ việc tham gia chương trình cơ chế phát triển sạch và bán chứng chỉ phát thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang xây dựng dự thảo Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2011 đến 2015, với mục tiêu cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các thể chế, chính sách và kế hoạch hành động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu trong tương lai.
(Theo Phi Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com