Kết quả công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học địa lý "Tự nhiên" (Nature) của Mỹ số ra cuối tháng 8/2010 cho thấy hệ Mặt Trời có thể già hơn ít nhất 2 triệu tuổi so với các tính toán lâu nay của khoa học vũ trụ. Thông qua việc nghiên cứu các thiên thạch rơi xuống Morocco năm 2004 bằng các phương pháp xác định tuổi chính xác nhất, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Arizona (ASU) của Mỹ phát hiện tuổi của các thiên thạch này là hơn 4,5 tỷ năm, cao hơn tới 1,9 triệu năm so với các tính toán lâu nay của giới khoa học về tuổi của hệ Mặt Trời.
Điều chỉnh lại sai số này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp các nhà thiên văn hiểu rõ hơn về sự hình thành của Mặt Trời và các hành tinh của nó cũng như hình thái môi trường mà hệ Mặt Trời tiến hóa đến ngày nay.
Các nhà khoa học ASU nhấn mạnh nếu tuổi của hệ Mặt Trời được điều chỉnh lùi lại 2 triệu năm, điều đó có nghĩa là vào thời điểm hệ Mặt Trời hình thành, sự hiện diện của iron-60, chất đồng vị phóng xạ có nửa chu kỳ phân rã là 2,6 triệu năm, nhiều gấp đôi so với các tính toán lâu nay của khoa học vũ trụ.
Sự tập trung dày đặc của iron-60 vào thời điểm hình thành hệ Mặt Trời là bằng chứng quan trọng cho thấy một siêu tân tinh nổ bên cạnh khi hệ Mặt Trời mới hình thành đã tung vào nó một lượng nhiệt khổng lồ khiến nhiều hành tinh được tách ra từ đó./.