Những thay đổi về các yếu tố khí hậu đang tác động tiêu cực tới tài nguyên nước, gia tăng các dòng chảy kiệt cùng các đợt lũ hằng năm.
Gia tăng sự khắc nghiệt
Các kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (TN và MT) chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu (BÐKH) trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn tới các nguồn nước ở Việt Nam, nhất là với hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Công. Theo các kịch bản về BÐKH, những năm tới, hai dòng chảy quan trọng này sẽ tác động tới nguồn tài nguyên nước của Việt Nam. Theo đó, so với hiện nay, vào năm 2070, dòng chảy năm sẽ biến đổi trong khoảng từ (+5,8%) đến (+19,0%) đối với sông Hồng và (+4,2%) đến (-14,5%) đối với sông Mê Công; dòng chảy kiệt biến đổi trong khoảng (-10,3%) đến (-14,5%) đối với sông Hồng và (-2,0%) đến (-24,0%) đối với sông Mê Công; dòng chảy lũ biến đổi trong khoảng (+12,0%) đến (-5,0%) đối với sông Hồng và (+15,0%) đến (-7,0%) đối với sông Mê Kông.
Như vậy, theo Viện Chiến lược, Chính sách TN và MT, trên cả hai sông lớn, các biến đổi âm nhiều hơn đối với dòng chảy năm và dòng chảy kiệt; biến đổi dương nhiều hơn đối với dòng chảy lũ. Trên các sông vừa và nhỏ khác, dòng chảy năm có thể giảm đi và cũng có thể tăng lên ở mức độ tương tự hoặc nhiều hơn. Ðiều đó cũng có nghĩa là, sự khắc nghiệt ngày càng gia tăng đối với nguồn tài nguyên nước của Việt Nam. Và những cảnh báo này không còn là quá sớm cho những kế hoạch bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Vùng núi Tây Bắc và Ðông Bắc: Nguy cơ gia tăng cường độ hạn hán
Với sự biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, các dự báo đã chỉ ra rằng, tại khu vực vùng núi Tây Bắc và Ðông Bắc lượng mưa trong thời gian tới vào mùa mưa sẽ nhiều hơn, còn mùa khô, tuy không nhiều lên nhưng dao động sẽ mạnh hơn. Dòng chảy trên các sông, nhất là dòng chảy kiệt có thể giảm đi mặc dù vẫn gia tăng dòng chảy lũ trong một số năm nhất định. Nguồn nước, nhất là trong mùa khô trở nên khan hiếm hơn, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.
Sẽ có thêm các năm ở trung tâm mưa lớn như Bắc Quang, Sa Pa... không có lượng mưa vượt trội các nơi khác; và các trung tâm mưa ít hơn như Sông Mã, Yên Châu, Bảo Lạc không ít mưa hơn các vùng kế cận. Ðặc biệt, tính thất thường của chế độ mưa trở nên sâu sắc hơn: Các kỷ lục cao về mưa (lượng mưa ngày, lượng mưa tháng...) đều tăng lên đồng thời với việc gia tăng tần số các đợt mưa lớn diện rộng cũng như các đợt hạn hán khốc liệt. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở vùng Ðông Bắc, mưa phùn tiếp tục giảm đi vào các tháng chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa.
Miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ - Mức độ tổn thương lớn
Nằm ở khu vực nhạy cảm, được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất đối với các BÐKH, khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ phải đối mặt với sự gia tăng của bão, khô hạn và nhiều yếu tố tiêu cực khác.
Tại miền Trung, nhiệt độ trong các thập kỷ tới sẽ cao hơn, mùa gió Tây khô nóng có xu thế đến sớm và kết thúc muộn hơn. Với khu vực Tây Nguyên, mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp sẽ dài thêm, ngược lại, mùa lạnh sẽ thu hẹp lại. Ở miền Trung, lượng mưa phổ biến sẽ tăng lên rõ rệt tại các trung tâm mưa lớn như Kỳ Anh, Trà My, Ba Tơ... Tại khu vực này, mùa mưa vốn đã dồn vào các tháng thu đông sẽ có thể còn dồn dập hơn. Ở Nam Trung Bộ, mùa khô vẫn tiếp tục tồn tại từ tháng 12, tháng 1 cho đến tháng 8, tháng 9 (quãng thời gian hạn rất khắc nghiệt). Ở Bắc Trung Bộ, tháng 5, tháng 6 có thể trở thành các tháng khô nóng thường xuyên như ở Nam Trung Bộ. Mưa phùn cũng trở nên hiếm hoi hơn. Tại Tây Nguyên, các trung tâm mưa lớn như Bảo Lộc hay mưa bé như Ayunpa vẫn tiếp tục là những nơi mưa nhiều nhất hoặc ít nhất hằng năm, nhưng tính bất ổn định trong chế độ mưa sẽ tăng lên. Tình trạng hạn hán cũng sẽ gia tăng vào nửa cuối mùa đông với mức độ ngày càng gay gắt hơn.
Với khu vực Nam Bộ, nhất là với vùng ÐBSCL, thay đổi về thời tiết hằng năm đang trực tiếp tác động đến nguồn nước. Dòng chảy sông Mê Công có xu thế giảm đi, chủ yếu do dòng chảy kiệt giảm. Dự báo, từ nay đến năm 2070, dòng chảy lũ thiên về biến đổi dương và dòng chảy kiệt thiên về biến đổi âm. Nguy hại hơn, do chế độ mưa ngày càng thất thường nên nguồn nước về mùa khô sẽ trở nên khan hiếm hơn. Hạn hán không những gia tăng trong mùa khô mà còn có khả năng phát sinh trong một số thời điểm nhất định của mùa mưa. Bên cạnh đó, do nhiệt độ tăng cao và bốc hơi mạnh trên các ruộng lúa cũng sẽ làm tăng nhu cầu về nước và chi phí sản xuất. Ðồng thời, khi nước biển dâng, phần lớn diện tích vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Công sẽ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tưới cho cây trồng các loại, thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất và thoái hóa nguồn nước.
(Theo Thạch Long // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com