Thiên tai liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới: Thủ phạm giấu mặt: Biến đổi khí hậu
Những tổn thất mà người dân Trung Quốc, Nga, Pakistan... đang phải "oằn mình" chống chọi với thảm họa thiên tai lịch sử giáng xuống nhiều ngày qua tiếp tục tăng. Việc hàng triệu người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất một lần nữa cho thấy, biến đổi khí hậu không chỉ là lời cảnh báo.
|
Cuộc sống của người dân Mátxcơva bị đảo lộn vì khói bụi do cháy rừng. |
Lở đất kinh hoàng nhất trong vòng 60 năm qua do mưa lũ đã bất ngờ xảy ra tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) hôm 8-8 vừa qua. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã cứu được hơn 1.200 người, nhưng đến nay đã có hơn 700 người thiệt mạng, trong khi khoảng 1.000 người vẫn còn mất tích. Chắc chắn đây chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng, lực lượng cứu hộ gồm 5.300 binh sĩ, 150 xe, 4 máy bay trực thăng... của Trung Quốc vẫn miệt mài tìm kiếm. Đây chỉ là một trong những trận lũ lụt xảy từ đầu năm đến nay ở nước này khiến hàng nghìn người ở 28 tỉnh, thành phố thiệt mạng và mất tích.
Pakistan cũng đang trải qua đợt lũ lụt kinh hoàng mà hậu quả của nó còn tồi tệ hơn cả thảm họa sóng thần năm 2004 ở châu Á, động đất ở Pakistan năm 2005 và trận động đất xảy ra gần đây ở Haiti. Phó Giám đốc Ủy ban Phòng, chống lụt bão Pakistan Ayaz Tanvir khẳng định, khoảng 13,8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1.176 người thiệt mạng, 4.717 người bị thương trong đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm qua tại nước này; gần 300.000 ngôi nhà bị phá hủy; khoảng 800.000ha đất canh tác đến kỳ thu hoạch bị nước lũ cuốn trôi... Đặc phái viên của Liên hợp quốc về thảm họa Jean-Maurice Ripert dự đoán, Pakistan sẽ phải cần tới hàng tỷ USD để khôi phục những khu vực chịu thiệt hại, song điều này rất khó khi thế giới đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong khi Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ... phải gồng mình chống lũ, những đợi nắng nóng kéo dài kèm theo cháy rừng bùng lên dữ dội trong những ngày đầu tháng 8 này được mô tả là tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm qua đang đẩy nước Nga vào một thảm họa chưa từng thấy. Mặc dù đến nay các vụ cháy rừng và than bùn đã nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nắng nóng và khói bụi đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu người dân xứ Bạch dương, nhất là ở thủ đô Mátxcơva. Với cường độ dập các đám cháy rừng và than bùn suốt ngày đêm như hiện nay, các cơ quan chức năng Nga dự tính phải cần tới 5 đến 7 ngày nữa mới chế ngự được thiên tai. Trước những diễn biến phức tạp của nạn cháy rừng, chính quyền Nga mới đây đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố Ozersk thuộc vùng Chelyabinsk, nơi đặt Mayak - một trong những trung tâm lớn nhất của Nga chuyên xử lý và bảo quản chất thải hạt nhân.
Nhóm các nhà khí tượng học của Anh, do Tiến sĩ Andrew Watson đứng đầu, thuộc Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định tình trạng nắng nóng dữ đội tại Nga hiện nay có thể là do hiện tượng biến đổi nhiệt độ của các dòng hải lưu ở Đại Tây Dương. Một chuyên gia có uy tín thuộc Tổ chức Khí tượng Thủy văn thế giới giám sát hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu Omar Baddur cũng có chung nhận định trên. Đây là hiện tượng "El Nino" từng gây khô hạn, nắng nóng ở Ấn Độ và châu Phi, trong khi hiện tượng "La Nina", một hiện tượng thời tiết trái ngược với "El Nino", gây nên tình trạng lũ lụt ở Pakistan. Thiên tai diễn ra bất thường tại Trung Quốc, Pakistan và Nga... được xem là khẳng định cho những kết quả nghiên cứu của IPCC trước đó rằng, biến đổi khí hậu toàn cầu chính là "thủ phạm giấu mặt".
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng các vụ cháy rừng dữ dội chưa từng có đang diễn biến phức tạp tại Nga sẽ làm gia tăng lượng khí cácbon thải vào bầu khí quyển, có thể dẫn đến việc tiếp tục đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.