Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thị trường dầu mỏ đầy biến động, nhiều nước trên thế giới đã tìm các loại nhiên liệu khác để thay thế. Trong đó nhiên liệu sinh học đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các quốc gia do lợi ích của nhiên liệu này đối với an ninh năng lượng, môi trường và xã hội.
Sắn là nguyên liệu chính để sản xuất ethanol sinh học ở nước ta hiện nay. Phú Yên là tỉnh có diện tích sắn lớn để phát triển nhiên liệu sinh học - Ảnh: N.T |
NHIÊN LIỆU SINH HỌC VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Nhiên liệu sinh học (NLSH) với ưu điểm nổi bật: khí thải của chúng ít độc hại hơn, hạn chế tác động gây biến đổi khí hậu đã được “chọn mặt gửi vàng” nhằm thay thế một phần hoặc toàn bộ nguồn nhiên liệu truyền thống từ dầu mỏ. Hiện nay trên thế giới, NLSH chủ yếu gồm 2 dạng: ethanol sinh học và diesel sinh học. NLSH được sản xuất từ các nguyên liệu có nguồn gốc sinh học (động, thực vật) như ngũ cốc: bắp...; cây công nghiệp: mía, cây cọc rào...; chất béo của động vật: mỡ cá ba sa...Sử dụng NLSH so với xăng dầu sẽ giảm khoảng 70% khí CO2 và 30% khí độc hại do chúng chứa lượng lưu huỳnh cực nhỏ nên cháy sạch hơn. Riêng NLSH sản xuất từ mía đường giảm đến 89% khí CO2. Mặt khác, NLSH phân hủy sinh học nhanh, ít gây ô nhiễm nguồn nước và đất. Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Do là một dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường nên NLSH ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại nhiên liệu truyền thống khác. Một số loại chất thải, phụ phẩm (gỗ, dầu thải, phế thải nông nghiệp…) có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất NLSH. Hơn thế nữa, để sản xuất NLSH cần có một lượng sinh khối lớn do đó việc thúc đẩy việc trồng các vùng cây nguyên liệu, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn đất đai. Mặt khác, sử dụng NLSH khá thuận tiện, đơn giản, hạn chế thấp nhất chi phí thay thế hay cải tạo động cơ, giá thành lại thấp hơn các loại sản phẩm năng lượng từ nguồn nguyên liệu hóa thạch khác nên có tính hiệu quả cao.
Trong xu thế chung của thế giới, từ năm 2007, Chính phủ nước ta đã phê duyệt đề án“Phát triển NLSH, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường” với mục tiêu đến năm 2015 sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn, đáp ứng 1% nhu cầu xăng của cả nước; đến năm 2025 là 1,5 triệu tấn, đáp ứng 5% nhu cầu xăng của cả nước. Mới đây, tại Phú Yên, Ban điều hành đề án của Chính phủ về phát triển NLSH do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển NLSH, các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực này đều khẳng định: Vấn đề phát triển NLSH là xu thế tất yếu trong tương lai.
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN NLSH CỦA PHÚ YÊN
Tiến sĩ Lê Việt Nga, thành viên Văn phòng Ban điều hành đề án phát triển NLSH Việt Nam, cho biết: Qua khảo sát thực tế tại Phú Yên và các tỉnh miền Trung, có thể khẳng định rằng, vùng đất này có tiềm năng rất lớn và đầy đủ các điều kiện để có thể đầu tư sản xuất loại nhiên liệu sạch này. Riêng tại Phú Yên đang sẵn có một vùng nguyên liệu rất dồi dào để phục vụ cho ngành công nghiệp phát triển NLSH. Đó là mía, sắn, rỉ đường với diện tích và sản lượng lớn đủ sức để phục vụ một nhà máy có quy mô lớn. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng như các tỉnh miền Trung còn một số lớn diện tích đất nông nghiệp đồi núi cằn cỗi có thể phát triển những đối tượng cây trồng làm nguyên liệu cho sản xuất NLSH như cây cao lương ngọt, cây cọc rào...
Một số doanh nghiệp tại Phú Yên cũng đã nhận ra nguồn lợi từ sản xuất NLSH phục vụ cho sản xuất của mình như hai nhà máy đường Tuy Hòa, Sơn Hòa, nhà máy sắn Sông Hinh. Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam R. Subbaiah cho biết: Công ty đang lập kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất ethanol với công suất 50kg/ngày sẽ đi vào sản xuất trong năm 2011, nguyên liệu sử dụng từ mật rỉ đường hoặc mía nước thứ 2 với độ brix thấp lấy từ khâu ép trong quá trình sản xuất đường. Sự hoạt động của nhà máy sản xuất ethanol trong vụ sản xuất đường sẽ giảm gánh nặng về vốn đầu tư, loại trừ sự mạo hiểm một khi giá cả xuống thấp trong thời gian nghỉ vụ ép, bên cạnh đó giải quyết vấn đề dư thừa đường (nếu có xảy ra).
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã cho nhập khẩu một số giống jatropha tốt trồng khảo nghiệm tại các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ nhằm đến năm 2015 trồng được 300.000 ha, chế biến đạt khoảng 300 tấn dầu thô/năm. Đây là loại cây trồng được đánh giá rất dễ tính, có phổ thích nghi rộng, có thể trồng ở vùng đất dốc nghèo kiệt với chu kỳ kinh tế 30 năm. Nếu sử dụng hợp lý đất hoang hóa, gò đồi, bạc màu để trồng cây jatropha phục vụ sản xuất NLSH thì lợi ích sẽ rất lớn. Tuy nhiên, phát triển NLSH là cây công nghiệp, vùng nguyên liệu đảm bảo đầu ra cho người nông dân phù hợp với điều kiện cũng như quy hoạch chiến lược của tỉnh. Do đó, vấn đề quan trọng là phải có chương trình, quy hoạch cụ thể các vùng đất trồng cây phục vụ sản xuất NLSH phát triển bền vững.
(Theo NGUYÊN TRƯỜNG // Phú Yên Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com