Trong nỗ lực trở thành nền kinh tế ít phát thải carbon, năm 2009 Trung Quốc nâng độ che phủ rừng lên 20,36%. |
Bóng đèn, máy giặt, máy điều hòa không khí trong nhà có thể tự động chuyển sang hoạt động ở chế độ tiết kiệm điện vào giờ cao điểm để tiết kiệm tiền điện. Triển vọng này sắp trở thành hiện thực đối với người dân Trung Quốc. Theo Cai Guoxiong, phó tổng công trình sư của Viện Nghiên cứu Điện lực Trung Quốc thuộc Tổng công ty Lưới điện nhà nước, hiện nay lưới điện thông minh đang được triển khai thí điểm tại nhiều thành phố ở nước này. Được biết, Trung Quốc khởi công xây dựng lưới điện thông minh vào tháng 5-2009.
Lưới điện thông minh là từ gọi một hệ thống có khả năng hợp nhất các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, năng lượng Mặt trời từ các nhà sản xuất thành mạng lưới cung cấp điện chung. Thông qua lưới điện thông minh, các công ty điện lực có thể điều khiển để các thiết bị điện của người tiêu dùng sử dụng nguồn điện được tạo ra từ các nguồn tái sinh với mức giá thấp hơn. Theo ông Cai, một “mạng lưới điện thông minh, bền vững và thống nhất” sẽ được triển khai trên toàn Trung Quốc vào năm 2020 để hợp nhất nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân và các nguồn điện tái sinh khác.
Việc Trung Quốc xây dựng lưới điện qui mô lớn nhằm mục đích khai thác tối đa các nguồn năng lượng thay thế và hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn điện sản xuất bằng than đá. Hiện nay, gần 2 phần 3 nguồn điện ở Trung Quốc được sản xuất từ than đá, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Trung Quốc đặt mục tiêu trong năm nay, năng lượng tái sinh đáp ứng 10% nhu cầu sử dụng điện của nước này và tỷ lệ đó đến năm 2020 phải là 15%. Mục tiêu này cũng nhằm phục vụ chiến lược đưa đất nước trở thành nền kinh tế ít phát thải khí carbon của Bắc Kinh. Năm ngoái, Trung Quốc cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 40-45% lượng khí thải carbon so với mức của năm 2005.
Hiện nay, Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng điện Mặt trời và thủy điện, và đứng thứ 4 về công suất phong năng. Tuy nhiên, sản lượng điện gió và Mặt trời thường không ổn định do chịu ảnh hưởng của thời tiết và không thể cung cấp nguồn điện liên tục. Chính vì thế, việc sáp nhập 2 nguồn điện sạch này vào lưới điện truyền thống, hiện chỉ truyền tải nhiệt điện vốn có sản lượng ổn định, là rất khó. Theo các chuyên gia ngành điện Trung Quốc, vì vấn đề truyền tải nên nước này hiện đang thừa gần 1/3 sản lượng phong năng.
“Trung Quốc đặt ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển lưới điện thông minh bởi các nguồn năng lượng tái sinh đang được tăng cường khai thác sẽ không thể sử dụng được trên diện rộng nếu quá trình truyền tải từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng không suôn sẻ”, ông Cai nhấn mạnh. Theo ông, người dân có thể kết nối với lưới điện thông minh thông qua hệ thống cáp quang điện thoại và Internet. “Với lưới điện thông minh, người tiêu dùng có thể kiểm tra lượng điện tiêu thụ và hóa đơn tiền điện trực tuyến, và thậm chí điều khiển thiết bị điện gia dụng từ xa”, ông Cai nói thêm.
(Theo LONG CHÂU/Xinhua/CanTho)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com