Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

2005 - Năm nhiều kỷ lục chinh phục vũ trụ

Ðối với ngành khoa học vũ trụ thế giới, năm 2005 là năm lập được nhiều kỷ lục. Kỷ lục về chuyến khảo sát các hành tinh tốn kém nhất (3,3 tỷ USD). Kỷ lục về chuyến bay dài ngày nhất: 7 năm 1 tháng 1 ngày. Kỷ lục về khoảng cách: lần đầu tiên trên một Môđun thăm dò nặng 340 kg do con người chế tạo ra đã được mang đặt lên bề mặt vệ tinh Titan của sao Thổ, cách Trái đất 1,2 tỷ km.

Ngày 15.10.1997, tên lửa mạnh nhất của Hải quân Mỹ mang tên Titan IV rời khỏi mũi Canaveral ở bang Florida (Mỹ) mang theo một trạm tự động dài gần 7 m, rộng 4 m, nặng sáu tấn, đây cũng là kỷ lục về trọng lượng trạm tự động phóng về phía các hành tinh. Trạm tự động này được đặt tên là Cassini, để kỷ niệm nhà thiên văn học người Pháp gốc Italy Jean-Dominique Cassini (1625-1712). Một trạm tự động nặng gần sáu tấn như vậy muốn phóng lên sao Thổ ở cách xa hơn một tỷ km thì không thể phóng trực tiếp vì quá tốn kém nhiên liệu mà phải cho đi lướt qua các hành tinh khác, lợi dụng lực hấp dẫn của các hành tinh này để tăng tốc. Nhờ vào hai lần bay ngang qua sao Kim (26.4.1998 và 24.6.1999) và một lần bay ngang qua Trái đất (18.8.1999), trạm tự động Cassini được tăng tốc để bay qua sao Mộc ngày 30.12.2002 và nhờ tác động của hành tinh khổng lồ này (lớn nhất trong Hệ Mặt trời, đường kính gấp 11 lần đường kính Trái đất), gần bốn năm sau trạm tự động đã đến sao Thổ vào ngày 1.7.2004 theo đúng như tính toán của các nhà khoa học.

Bước thứ hai là từ trạm tự động Cassini thả ra một môđun thăm dò nặng 340 kg đi vào khí quyển của Titan, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ. Môđun này được đặt tên là Huygens, tên của nhà vật lý và thiên văn học Hà Lan (1629-1695), nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo kính thiên văn, người đã lần đầu tiên phát hiện ra vệ tinh Titan cũng như phát hiện các vành đai nổi tiếng của sao Thổ. Môđun thăm dò Huygens do Cơ quan Vũ trụ châu Âu chế tạo với chi phí 500 triệu USD. Môđun này được thả ra vào ngày 25.12.2004 và theo tính toán sẽ đi vào khí quyển và đổ bộ xuống bề mặt vệ tinh Titan, truyền tín hiệu và hình ảnh về Trái đất.

Ngày 14.1.2005 sẽ mãi mãi được xem là một ngày trọng đại trong lịch sử chinh phục vũ trụ. Từ sáng sớm, tại Trung tâm theo dõi các chuyến bay vũ trụ của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA - European Space Agency) ở thành phố Darmstadt (Ðức), hàng trăm nhà khoa học, nhà báo khắp nơi trên thế giới đã tề tựu tại đây để chờ đón cái giây phút đã trông chờ hơn bảy năm nay. 11 giờ 15 phút, 11 giờ 20 phút... đúng 11 giờ 25 phút thì một tiếng "bíp" nhỏ đã vang lên, được truyền đến Darmstadt từ đài thiên văn vô tuyến khổng lồ Giô-đren Ban-cơ đường kính 110m của Anh. Tiếng vỗ tay vang dội, không ít người đã khóc. Cảm động nhất có lẽ là nhà khoa học người Pháp Giăng Pi-e Lơ-brơ-tông, người đã đề xuất ra ý tưởng về dự án này vào năm 1985 và đã chờ đợi cái giây phút này suốt trong 20 năm qua. Hàng trăm bức ảnh đen trắng và mầu, hàng nghìn kết quả quan sát đã được truyền lên cho trạm Cassini và từ đấy truyền về Trái đất bằng những ăngten độ khuếch đại rất cao do Cơ quan vũ trụ Italy chế tạo sẽ giúp các nhà khoa học hiểu biết thêm về vệ tinh Titan mà người ta đã đặt cho danh hiệu là "Người gìn giữ những bí mật về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất".

Chương trình con tàu thoi vũ trụ tiếp tục

Một chuyến bay được mọi người mong chờ là chuyến bay tiếp theo của chương trình tàu con thoi vũ trụ Mỹ (Navette Spatiale-Space Shuttle), sau tai nạn tàu Columbia ngày 1.2.2003 do rơi mất mấy tấm gạch chịu nhiệt khi sắp trở về mặt đất, làm thiệt mạng bẩy nhà du hành vũ trụ. Sau đấy Mỹ đã phải ngừng phóng các tàu con thoi vũ trụ và việc đưa các nhà du hành lên trạm vũ trụ quốc tế và đưa họ trở về Trái đất hoàn toàn do các tàu "Liên hợp" của Nga đảm nhiệm.

Sau hơn 30 tháng ngừng hoạt động, chương trình tàu con thoi vũ trụ đã được nối tiếp với việc phóng tàu Discovery vào cuối tháng 7.2005. Chỉ huy đoàn phi hành bẩy người là nữ phi hành gia Eileen Collins. Như vậy là tính cho đến chuyến bay này đã có tất cả 114 chuyến bay của tàu con thoi vũ trụ chở gần 300 người thuộc gần 30 nước. Trong khi con tàu đang bay trong vũ trụ, nhà du hành vũ trụ Stephen Robinson đã bước ra ngoài khoảng không vũ trụ để sửa chữa. Một cánh tay rôbốt dài 17,6 m, do Canada chế tạo với giá 900 triệu USD được đưa lên tàu vũ trụ quốc tế ISS từ năm 2001 đã đưa Robinson vào vị trí thích hợp bên dưới con tàu Discovery. Cuộc sửa chữa trong vũ trụ đã thành công, mở đường cho việc tiếp tục phóng các tàu con thoi vũ trụ để hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ quốc tế ISS nặng 460 tấn, dài 108 m, rộng 74 m, chi phí hơn 100 tỷ USD với sự hợp tác của Mỹ, Nga, Cộng đồng châu Âu, Canada, Nhật Bản, Brazil.
Du khách thứ ba bay vào vũ trụ

Trên trạm vũ trụ ISS, liên tiếp trong hai năm 2001 và 2002 đã diễn ra hai cuộc "du lịch vũ trụ" của nhà tỷ phú Mỹ, Dennis Tito 61 tuổi và nhà triệu phú Nam Phi, Mark Shuttleworth 28 tuổi. Hai vị khách đi du lịch này đã trả cho Nga mỗi người 20 triệu USD để được luyện tập trong trung tâm huấn luyện các nhà du hành vũ trụ mang tên Yuri Gagarin trong "thành phố các vì sao" ở gần Moscow, sau đấy đi tàu vũ trụ "Liên hợp TM" của Nga lên du lịch trên tàu vũ trụ quốc tế ISS trong một tuần lễ.

Du khách vũ trụ thứ ba vừa đi tàu vũ trụ Liên hợp của Nga ngày 1.10.2005 lên trạm ISS 10 ngày và trở về mặt đất an toàn ngày 11.10.2005 là một nhà kinh doanh, tiến sĩ Vật lý tốt nghiệp trường Ðại học Virginia, Gregory Olsen, 60 tuổi, được xem là biểu tượng thành đạt trong lòng nước Mỹ. Ông là Chủ tịch Công ty Sensors Unlimited Inc., một công ty hàng đầu trong lĩnh vực quang điện tử có đối tác là Cơ quan hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Bản thân tiến sĩ Gregory Olsen đã có hơn 10 bằng sáng chế cấp quốc gia Mỹ. Ông đi vào vũ trụ không phải chỉ để du lịch, mà còn hy vọng rằng tình trạng không trọng lượng trong không gian vũ trụ sẽ giúp ông nghiên cứu tạo ra những dạng tinh thể đặc biệt dùng cho máy cảm biến hồng ngoại và các ứng dụng công nghệ cao khác.

Dự kiến du khách vũ trụ thứ tư sẽ là nhà kinh doanh Nhật Bản 34 tuổi Ðai-xu-kê Ê-nô-mô-tô, đã được kiểm tra sức khoẻ và chuẩn bị luyện tập để bay bằng tàu vũ trụ "Liên hợp" lên trạm vũ trụ quốc tế trong năm 2006.

Chuyến bay thắng lợi của tàu Thần Châu IV

Cách đây vừa đúng hai năm, ngày15.10.2003, bằng tên lửa Trường Chinh CZ-2F, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ "Thần Châu V" chở Trung tá không quân 38 tuổi Dương Lợi Vĩ bay 14 vòng quanh Trái đất, trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc. Như vậy là sau Liên Xô (trước đây) và Mỹ, Trung Quốc là nước thứ ba đã đưa người vào vũ trụ bằng tên lửa và con tàu vũ trụ do mình chế tạo.

Hai năm sau, ngày 12.10.2005, từ Trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền trong vùng Nội Mông Trung Quốc, tàu vũ trụ "Thần Châu VI" lại được phóng lên, chở hai nhà du hành vũ trụ là Trung tá Phi Tuấn Long 40 tuổi và Trung tá Nhiếp Hải Sinh 41 tuổi. Sau khi bay 76 vòng quanh Trái đất trong vòng 115 giờ 32, trên quỹ đạo cách Mặt đất 343km, tàu vũ trụ "Thần Châu VI" đã hạ cách an toàn xuống khu tự trị Nội Mông, cách điểm dự kiến một km. Bước tiếp theo của chương trình Vũ trụ Trung Quốc sẽ là cho nhà du hành đi vào khoảng không vũ trụ, phóng nhà nữ du hành vũ trụ, điều khiển cho tàu vũ trụ lắp nối với nhau và với Trạm vũ trụ Quốc tế, phóng trạm tự động lên khảo sát Mặt trăng, đổ bộ tàu vũ trụ chở người xuống đi lại trên bề Mặt trăng.

Tin vui đầu xuân

Những ngày cuối năm Ất Dậu đón năm Bính Tuất, chúng ta nhận được tin vui là ngày 18.10.2005, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1104/QÐ.TTg về việc đầu tư Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT), giao cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này được thực hiện trong ba năm 2005-2008. Dự kiến quý II-2008 sẽ đưa vệ tinh vào hoạt động. Tổng mức đầu tư là 200 triệu USD (ngoại tệ) và 40 tỷ nội tệ. Vệ tinh này cỡ trung bình , vùng phủ sóng bao gồm: Nhật Bản, Triều Tiên, một phần Trung Quốc, các nước ASEAN và Ðông châu Úc...

Như vậy là sau bao nhiêu năm mong đợi, không lâu nữa nước ta sẽ có vệ tinh viễn thông của chính mình, không những về mặt kinh tế không phải đi thuê vệ tinh của nước ngoài mà còn giúp tiến lên một bước mới trong việc hiện đại hóa ngành Bưu chính Viễn thông ở nước ta.

 

 

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị