Từ trước đến nay, dầu mỏ được xem là nguồn nhiên liệu nền tảng tạo nên sự phồn vinh của Nhật Bản. Tuy nhiên gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có lẽ đã tìm ra loại nhiên liệu thay thế, giúp nước này giảm bớt sự lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Đó là methane hydrate – dạng băng nước chứa lượng lớn khí methane (khí tự nhiên), chủ yếu tìm thấy ở Nam cực và dưới đáy biển.
Với niềm tin Nhật Bản có thể chiết xuất và khai thác methane hydrate phục vụ mục đích thương mại, nhiều nhà đầu tư mới đây đổ xô mua cổ phiếu của Japan Drilling, do công ty này tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển methane hydrate, còn gọi là băng cháy, được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn năng lượng có giá trị kinh tế cao. Đây là nguồn khoáng sản rất dồi dào nằm dưới đáy biển Nhật Bản và có thể đem lại sức sống mới cho nền kinh tế nước này, đồng thời giúp định hình lại các mối quan hệ ngoại giao và quân sự với các nước trên thế giới, kể cả Mỹ. Được biết, Nhật Bản nhập khẩu đến 99,7% dầu thô từ nước ngoài, trong đó 87% từ Trung Đông.
Hiện Mỹ, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang tìm cách khai thác và thương mại hóa methane hydrate thông qua công nghệ chiết xuất. Trong khi đó, Nhật đặt mục tiêu hoàn tất việc nghiên cứu và phát triển methane hydrate vào năm 2018, trước khi đưa vào phục vụ sản xuất. Ước tính, trữ lượng methane hydrate dưới đáy biển Nhật Bản đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng tương đương 90 năm dùng khí tự nhiên của cả nước. Năm 2007, chính phủ nước này thông báo khoảng 1,14 nghìn tỉ m3 methane hydrate đang hiện hữu dưới rãnh Nankai thuộc Thái Bình Dương cách bờ biển phía Đông đảo Honshu (đảo chính của Nhật) khoảng 50 km. Ngoài ra, quanh lãnh thổ Nhật Bản còn có nhiều vùng biển có trữ lượng lớn methane hydrate.
Tuy vậy, tác động của methane hydrate đối với môi trường đang khiến nhiều người lo ngại. Mặc dù khí methane thân thiện với môi trường hơn than đá và dầu mỏ, nhưng các nhà khoa học và chuyên gia về môi trường e rằng loại nhiên liệu chưa từng được khai thác này có thể là một trong những loại khí nhà kính bị cất giữ dưới đáy biển. Thế nhưng, mối lo này đã bị Koji Yamamoto, giám đốc dự án của tập đoàn Kim loại và Dầu khí Nhật Bản (JOGMEC), bác bỏ. Ông cho rằng methane hydrate chỉ chứa nước tinh khiết, khí methane và không có bất kỳ thành phần gây hại nào khác. Mặt khác, khí hydrate là nhiên liệu khá ổn định nên không phải lo xảy ra phản ứng hóa học dây chuyền trong quá trình chiết xuất. Trong khi đó, để giảm bớt quan ngại về mặt môi trường, Viện nghiên cứu Điện trung ương Nhật Bản đã phát triển công nghệ hấp thu khí thải CO2 trong quá trình sản xuất methane hydrate.
(Theo THANH TRÚC/Atimes/CT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com