Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích những hạt bụi thu thập được từ sao chổi. Người ta thấy, bụi sao chổi có chứa những hợp chất khác nhau.
Sau khi phân tích mẫu bụi sao chổi thu thập được từ khoang phản hồi của tàu Stardust các nhà khoa học đã có được những phát hiện mới.
Tàu thăm dò Stardust bay vào vũ trụ từ tháng 2.1999 và tháng 1.2004, tàu đã bay xuyên qua lớp mây đầy những hạt băng và bụi dày khoảng 5km xung quanh Sao Chổi Wild2, và đã thu thập các hạt vật chất bay ra từ bề mặt Sao Chổi ở khoảng cách 240km từ nhân Sao Chổi.
Các hạt vật chất này có kích thước không quá 1mm, thậm chí có những hạt có kích thước chỉ bằng 1/1000mm. Các hạt vật chất sau khi thu thập đã được tàu thăm dò Stardust đưa về trái đất bằng một khoang kín. Ngày 15-1-2006, khoang phản hồi chứa mẫu bụi của Sao Chổi đã tách khỏi phi thuyền Stardust và hạ cánh xuống sa mạc
Các mẫu vật chất này được phân chia cho các phòng thực nghiệm nổi tiếng để nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu quốc tế khoảng 170 nhà khoa học sau khi phân tích bụi Sao Chổi thu thập được đã phát hiện ra, các vật chất này đã được hình thành ở những vị trí vũ trụ khác nhau và ở những thời kỳ khác nhau, thậm chí điều kiện hình thành của chúng cũng khác nhau. Tính đa dạng của vật chất trong bụi Sao Chổi đã làm cho các nhà khoa học hết sức ngạc nhiên.
Nhà khoa học Scott Sandford của nhóm dự án Stardust thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của Cục hàng không vũ trụ Mỹ ví, các vật chất có trong bụi Sao Chổi đa dạng như các loài động vật trong vườn bách thú. Trong số các loại vật chất đó, họ đã phát hiện một loại vật chất hữu cơ mới.
Trong bụi Sao Chổi Wild2 có một lượng lớn phân tử các-bua phức tạp, những chất hoá học này có thể tạo ra phản ứng hoá học khi kết hợp với hợp chất hữu cơ khác.
Ngoài ra, trong mẫu bụi sao chổi có rất nhiều loại hoá chất không ổn định. Chúng có sự khác biệt lớn so với các chất hoá học được phát hiện từ các loại thiên thạch tìm thấy trên trái đất.
Họ cũng chưa hề tìm thấy loại hy-đrô các-bon thơm hình khuyên trong số bụi này, mà đây là loại chất hữu cơ rất thường gặp ở các loại thiên thạch, nhưng các nhà khoa học lại phát hiện được lượng lớn ô-xy và ni-tơ trong mẫu bụi.
Qua kết quả phân tích này có thể phán đoán, những phân tử hữu cơ mà chúng ta nhìn thấy được rất có thể hình thành ở giai đoạn đầu khi Hệ mặt trời tồn tại, và cũng là giai đoạn đầu hình thành Sao Chổi cũng như các hành tinh (bao gồm cả trái đất) dưới tác dụng của tia cực tím và tia vũ trụ.
Stardust là tàu thăm dò đầu tiên đem được mẫu của bụi Sao Chổi trở về trái đất, đây đều là những mẫu nguyên thuỷ nhất có từ Sao Chổi nên có giá trị nghiên cứu rất cụ thể đối với Sao Chổi.
Giới thiên văn học cho rằng, Sao Chổi là loại vật chất nguyên sơ nhất còn sót lại khi hình thành Hệ mặt trời, chúng được coi là "mẫu khảo cổ" của quá trình tiến hoá và hình thành Hệ mặt trời.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com