Tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), một cậu bé 14 tuổi ở thành phố Nghi Tân, suốt 5 năm qua đã uống dầu hỏa và xăng với mong muốn trở thành anh hùng như những rô-bốt trong các bộ phim ăn khách ’Transformers’ của Mỹ
Gia đình cậu bé này cho biết, ban đầu, cậu bé muốn có "thêm sinh lực" như các thần tượng Bumblebee hay Optimus Prime trong bộ phim này, nhưng hiện nay thì cậu bé này đã nghiện xăng thực sự.
Theo lời kể của người bố, sau khi xem phim, cậu bé bắt đầu thích ngửi mùi gas của bật lửa, thích uống xăng dầu. Cậu đã từng ăn trộm xăng ô tô nhà hàng xóm. Mỗi ngày cậu tiêu thụ 2 - 3 chai nhiên liệu. Mãi sau này gia đình mới phát hiện ra khi họ chứng kiến con trai đang uống nửa chai xăng lấy từ chiếc xe máy. Khi tới bệnh viện, các bác sĩ nói rằng cậu bé này bị rối loạn thần kinh.
TT&VH (21/7) trích lời bố cậu bé trên tờ Metropolis Daily: "Từ khi con trai tôi uống xăng, chỉ số thông minh bị tụt nhanh chóng và giờ nó không thể tính toán, cộng trừ trong giới hạn 100. Trước đó, nó là một cậu bé rất thông minh, thậm chí có thể chữa TV. Nhưng giờ đây, nó không còn biết 7 cộng 17 là bao nhiêu".
Nghiện ăn xăng là hội chứng rối loạn hành vi
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, xung quanh những thói nghiện kỳ lạ ở một số người.
Tiến sĩ có thể lý giải thế nào về trường hợp cậu bé nghiện uống xăng trong suốt 5 năm để có thể trở thành anh hùng giống như các robot trong một bộ phim mà cậu thần tượng?
Đây có thể được coi là một dạng rối loạn hành vi, như thường thấy ở trẻ em trong độ tuổi mới lớn. Phim ảnh có thể có tác động đến sự hình tính cách, thói quen của trẻ, nhưng trong trường hợp này chưa chắc phim ảnh đã là "thủ phạm" gây ra vấn đề.
Chúng ta cũng cần xem xét nhiều yếu tố khác trong cuộc sống, chẳng hạn như cậu bé này có thể có những mâu thuẫn, xung đột lớn trong cuộc sống với bạn bè, gia đình, những người xung quanh, dẫn đến sự rối loạn hành vi. Hoặc cũng có thể cậu bé đã có vấn đề về tâm sinh lý bẩm sinh nhưng không được phát hiện, chỉ đến giai đoạn này mới bộc lộ rõ.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho cha mẹ?
Lỗi do cha mẹ cũng chỉ là một phần bởi vì ở tuổi đó cha mẹ không còn chăm sóc từng li từng tí mà bắt đầu phải cho trẻ hoạt động độc lập, do đó cha mẹ chỉ có thể phát hiện ra khi vấn đề đã rõ ràng, hoặc như trong trường hợp này là vô tình phát hiện ra.
Những biến đổi hành vi này không phải một sớm một chiều thay đổi ngay mà thường là diễn biến từ từ, thay đổi dần dần, từng chút nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, việc nghiện xăng về cơ chế cũng như nghiện ma túy hay nghiện game nên khi người nghiện đã "đủ liều" thì thường không có biểu hiện gì.
Trường hợp này nên được điều trị tâm lý thế nào, thưa tiến sĩ?
Trường hợp này có liên quan đến hệ tiêu hóa nên trước hết cần được điều trị về mặt y tế để phục hồi sức khỏe. Cũng như nghiện ma túy, nghiện xăng, uống xăng quá nhiều đã làm thay đổi những cấu trúc sinh học của cơ thể nên cần được điều trị để cơ thể trở lại bình thường. Tuy nhiên vì xăng đã trở thành một chất kích thích không thể thiếu đối với cơ thể họ, nên trong quá trình điều trị phải "đoạn tuyệt" với xăng thì người bệnh cũng có thể "lên cơn". Sau khi ổn định sức khỏe mới có thể sử dụng các liệu pháp tâm lý đối với người bệnh.
Nghĩa là cậu bé này có thể trở lại cuộc sống bình thường?
Tất nhiên khả năng trở lại bình thường là có thể, cũng giống như những người nghiện ma túy có thể cai nghiện được, tuy nhiên phải tùy thuộc vào quyết tâm của người bệnh và quá trình chuyển biến từ từ. Vai trò hỗ trợ của cha mẹ trong trường hợp này cũng rất quan trọng.
Theo thống kê của các nhà khoa học trên thế giới còn có nhiều hội chứng nghiện lạ khác, chẳng hạn như nghiện tắm nắng, nghiện ăn bẩn, nghiện nhai đá, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí có cả trường hợp nghiện đi đám ma… Đó có phải là những biểu hiện bệnh lý không?
Không. Những trường hợp đó không nên coi là bệnh lý mà là hội chứng xuất phát từ nhu cầu bản thân hoặc xuất phát từ những trào lưu xã hội. Nếu vì xuất phát từ nhu cầu bản thân có thể hiểu "nghiện" là khi cơ thể thiếu cái gì sẽ đòi bổ sung cái đó. Trường hợp người nghiện đi đám ma là một ví dụ - có thể hiểu là do sự mất mát của bản thân đã khiến người ta có nhu cầu được chia sẻ với nỗi đau của mọi người.
Hoặc như những trường hợp như nghiện shopping, nghiện tắm nắng… là do khi đã tham gia vào một trào lưu xã hội những người đó đã bị ngập lún quá sâu, và đã để ham muốn điều khiển ý chí. Ở những người cũng tham gia vào trào lưu này, nhưng ý chí có thể ngăn cản hành vi thì họ không bị "nghiện". Ở những người có điều kiện và phương tiện để thỏa mãn ham muốn thì ý chí rất dễ bị đánh bại, khi đó người ta được coi là bị mắc chứng nghiện.
Theo tiến sĩ, liệu có phải những người này có vấn đề về tâm lý?
Không thể đánh giá về mặt tâm lý. Đó chỉ là tính cách của mỗi người.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
(Theo VTC/AGO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com