Hệ thống này vừa được các nhà khoa học Viện Vật lý TPHCM nghiên cứu chế tạo thành công
Dù khu vực đường Tên Lửa, quận Bình Tân – TPHCM đang chịu cảnh cúp điện nhưng tại tòa nhà Tuấn Ân, các loại máy văn phòng vẫn hoạt động bình thường. Có được điều này là do tòa nhà đang sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời của kỹ sư Trịnh Quang Dũng, Trung tâm Điện mặt trời, Viện Vật lý TPHCM, lắp đặt 4 tháng nay. Đây là công nghệ thay thế tiên tiến hơn pin mặt trời tích hợp, vốn là chìa khóa cho sự ra đời, phát triển của điện mặt trời.
Làm chủ công nghệ
Mỗi ngày, hệ thống điện năng lượng mặt trời sản xuất 70KWh, đủ cung cấp cho các hoạt động ưu tiên tại tòa nhà Tuấn Ân như hoạt động của máy vi tính, máy in, photocopy... (khoảng 30% nhu cầu của tòa nhà) mà không phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia.
Kỹ sư Trịnh Quang Dũng cho biết khác với các kỹ thuật sử dụng điện năng lượng mặt trời đang có ở nhiều nơi, điện thu từ mặt trời qua hệ thống chuyển đổi, lưu giữ (bình ắc quy) mới sử dụng được hoặc phát thẳng lên lưới điện thì công nghệ của nhóm tích hợp cả hai yếu tố trên.
Tại tòa nhà Tuấn Ân, điện mặt trời sẽ được sử dụng trong các công việc ưu tiên, khi thiếu điện sẽ tự động lấy từ điện lưới (thiếu bao nhiêu lấy bấy nhiêu). Hệ thống van được thiết kế một chiều nên chỉ có điện lưới vào, còn điện năng lượng mặt trời sản xuất tại tòa nhà được tích trữ. Những lúc không sử dụng thiết bị tiêu thụ điện, điện mặt trời sẽ được tự động nạp vào hệ thống ắc quy để sử dụng.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới thông minh tại tòa nhà Tuấn Ân - TPHCM
Thành công nhất chính là tất cả máy móc thiết bị này được các kỹ sư tại Phòng Phát triển công nghệ điện năng lượng mặt trời Viện Vật lý TPHCM tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, từ hệ thống máy PV Madicub chuyển đổi điện mặt trời DC thành AC đồng bộ với điện lưới (AC 220V 50Hz), đến các thiết bị điều khiển, thông báo, kiểm tra được điều khiển bằng máy tính, tự động và có cả dự phòng bằng phương pháp thủ công.
Trong khi nhiều đơn vị làm điện năng lượng mặt trời bằng cách nhập thiết bị từ nước ngoài về lắp đặt thì kỹ sư Dũng cùng cộng sự đã nghiên cứu chế tạo thiết bị ngay trong nước. Thành công này đã đưa Việt Nam là nước thứ 6 làm chủ công nghệ điện mặt trời nối lưới thông minh tại châu Á.
Tiết kiệm điện
Ông Huỳnh Tuấn Ân, đại diện đơn vị sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, cho biết hệ thống này hoạt động rất ổn định. Gần 4 tháng sử dụng, mỗi ngày tòa nhà tiết kiệm 62KWh điện. “Với thành công này, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trong công nghệ điện mặt trời nối lưới, không còn phải phụ thuộc nhiều vào nước ngoài như trước đây nữa” - kỹ sư Dũng tự tin nói.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, đánh giá cao dự án này và đề nghị các tác giả cần theo dõi thêm để lấy các thông số cụ thể, chính xác làm cơ sở để phát triển điện năng lượng mặt trời nối lưới trong tương lai. Ông Vũ Thế Cường, Trưởng Ban Kỹ thuật Công ty Điện lực TPHCM, cũng đánh giá cao dự án triển khai thực tế này, song ông Cường lưu ý cần quan tâm đến các cơ chế an toàn khi đưa điện lên lưới.
Theo kỹ sư Dũng, dù đã giảm khoảng 40% so với mua trực tiếp thiết bị của nước ngoài về lắp đặt nhưng khó khăn hiện nay là trong nước chưa có các nhà máy sản xuất các linh kiện cho hệ thống nên có thể mức đầu tư còn cao, nếu chủ động được linh kiện trong nước thì mức đầu tư sẽ thấp hơn.
(Bài và ảnh: Kiều Chung // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com