Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị từ cách đây gần 10 năm để đối mặt với một Trung Quốc đang phát triển vươn lên mạnh mẽ về kinh tế và KH&CN.
Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị từ cách đây gần 10 năm để đối mặt với một Trung Quốc đang phát triển vươn lên mạnh mẽ về kinh tế và KH&CN. Tạp chí Tia Sáng tóm tắt lại một số đánh giá mà đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự, từ một nghiên cứu do Viện Đánh giá và Hoạch định Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology Evaluation and Planning – KISTEP) tài trợ, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương thuộc tập đoàn RAND của Mỹ.
RAND Corporation (Reasearch And Development) là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách tầm cỡ toàn cầu. Thuở ban đầu tổ chức này do Công ty Máy bay Douglas thành lập nhằm phục vụ các nghiên cứu và phân tích cho Quân đội Hoa Kỳ. Hiện nay RAND Corporation được Chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn vốn từ các tổ chức chính phủ và tư nhân tài trợ cho các nghiên cứu về các vấn đề phi quân sự.
Đã có 32 cá nhân đoạt Giải Nobel làm việc tại RAND trong các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp của họ. Hiện nay RAND Corporation có khoảng 1700 nhân viên.
Để có sự phát triển thần kỳ về kinh tế, Hàn Quốc không chỉ cần một nền móng vững vàng về công nghiệp và công nghệ, mà còn cần có thị trường phù hợp để xuất khấu hàng hóa, công nghệ, vốn và tri thức. Trung Quốc chính là một lựa chọn lý tưởng. Thị phần của Hàn Quốc trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ 1,1% năm 1990 lên 10,5% năm 2002 tức là trung bình tăng 1%/năm.
Từ bổ sung cho nhau chuyển sang cạnh tranh
Trong một giai đoạn nhất định, nền kinh tế của Hàn Quốc và Trung Quốc bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh nhau. Sự liên quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế này đã có lúc được mô tả là “cái hắt hơi ở Trung Quốc đồng nghĩa với cơn sốt cảm cúm ở Hàn Quốc”. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang Trung Quốc là các cụm tổng thành và các bán thành phẩm khác trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Hàn Quốc được đặc trưng là các sản phẩm điện tử, hàng dệt may, và các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (Korea International Trade Association), 69,4% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc năm 2002 là nguyên liệu, cụm tổng thành và thiết bị. Các hàng nhập khẩu này từ Hàn Quốc lại hiện diện trong phần lớn các sản phẩm hoàn tất của Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới. Điều đáng nói là, gián tiếp qua con đường Trung Quốc – công xưởng của thế giới – Hàn Quốc đã xuất khẩu ra thế giới một thị trường rộng lớn hơn nhiều.
Như vậy, trong vài thập kỷ gần đây, Hàn Quốc đã được hưởng lợi nhiều từ thị trường Trung Quốc. Nhưng từ giữa thập niên đầu của Thế kỷ XXI, tình hình đã có nhiều biến đổi. Nền kinh tế của Trung Quốc phát triển nhanh và Trung quốc đã trở thành một trong các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Vị thế của Hàn Quốc tại thị trường Trung Quốc không còn dễ chịu như trong khoảng 10 – 15 năm trước. Hai quốc gia này bắt đầu cạnh tranh nhau trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về tổng thể, các thế mạnh của Hàn Quốc tại thị trường Trung Quốc giảm dần (so với các quốc gia khác trên thị trường Trung Quốc, hàng hóa Hàn Quốc có lợi thế về giá, nhưng lợi thế này dần dần kém đi) trong khi các thế mạnh của Trung Quốc với thị trường Hàn Quốc vẫn giữ nguyên. Hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc chủ yếu là các sản phẩm điện tử, hàng dệt may, và các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản (chúng chiếm khoảng 65%) với xu hướng mở rộng và đa dạng không hề giảm. Trên nhiều lĩnh vực công nghệ, hàng hóa Trung Quốc đang tiến gần tới trình độ của Hàn Quốc và, thậm chí, cả Nhật Bản. Trong khi đó Trung Quốc có một thị trường trong nước khổng lồ và nguồn nhân lực to lớn đang được cải thiện đáng kể.
Sự cạnh tranh của Trung Quốc và Hàn Quốc không chỉ xuất hiện trên thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mới của Trung Quốc đang bắt đầu thâm nhập thị trường Hàn Quốc và các thị phần khác của Hàn Quốc trên thế giới. Cả hai nước này đều trông vào thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản. Sự thâm nhập của Trung Quốc vào hai thị trường này góp phần làm cho thị phần của Hàn Quốc giảm đáng kể trong khoảng 10 năm, từ 1988 đến 1997: tại Hoa Kỳ giảm từ 4,6% xuống 2,6% năm 1997, và tại Nhật Bản giảm từ 6,3% xuống 4,7%. Trong khoảng thời gian đó thị phần của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng từ khoảng 6% lên 15% và tại Nhật Bản tăng từ khoảng 4% lên 8%. Tình hình tại các thị trường EU và ASEAN cũng tương tự.
Hàn Quốc trong cuộc chạy đua khoa học và công nghệ
Trong khi đó, để duy trì vị thế của mình trong tương lai, điều chắc chắn là Hàn Quốc vẫn phải định hướng nền kinh tế xuất khẩu. Định hướng này được thể hiện rõ ở các chủ trương:
• Hướng ra ngoài để có được các cơ hội đầu tư tốt nhất thế giới
• Hướng ra ngoài tới các nguồn nhân lực tầm cỡ thế giới
• Cho phép vốn và lực lượng lao động đi ra nước ngoài để tìm kiếm các cơ hội công việc và đầu tư tốt nhất.
• Hòa nhập hơn vào thế giới.
Với chủ trương như vậy, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi sự leo thang cạnh tranh ngày càng gay gắt trên các lĩnh vực thương mại, và bản chất sâu xa chính là cuộc chạy đua trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và R&D.
Hàn Quốc đã định rõ chiến lược khoa học – công nghệ của mình. Năm 2002, 17 bộ của Hàn Quốc bao gồm cả Bộ KH-CN và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã đưa ra Bản đồ Công nghệ Quốc gia cho chiến lược KH-CN của Hàn Quốc trong 10 năm tới. Bản đồ Công nghệ Quốc gia này có 5 phiên bản, 13 hướng phát triển, 49 sản phẩm và chức năng chiến lược, và 99 công nghệ cốt lõi.
Năm 2003 Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu Chương trình Đầu tàu Tăng trưởng Thế hệ Mới (Enforcement Plan of the Next Generation Growth Engine Program) nhằm đạt được mục tiêu thu nhập tính theo đầu người 20.000 USD vào năm 2012. Mười “ngành công nghiệp Đầu tàu Tăng trưởng Thế hệ Mới” đã được chỉ định dựa trên cơ sở 5 tiêu chí lựa chọn: i) kích thước thị trường toàn cầu của ngành công nghiệp đó, ii) tầm quan trọng chiến lược, iii) xu hướng thị trường và công nghệ, iv) năng lực của Hàn Quốc tiến tới có thể cạnh tranh quốc tế, và v) đóng góp vào kinh tế quốc gia.
10 ngành công nghiệp đầu tàu tăng trưởng của Hàn Quốc
Công nghiệp Sản phẩm và các công nghệ ví dụ
1. Hệ thống TV/truyền thông kỹ thuật số Các hệ thống truyền phát DTV, DMB, các thiết bị phức tạp
2. Màn hình LCD, LED, PDP, EL hữu cơ, 3D, giấy điện tử, các vật liệu liên quan.
3. Robot thông minh Robot phục vụ gia đình, robot phục vụ dựa trên IT, robot làm việc trong các môi trường khó khăn, robot hỗ trợ y tế, các công nghệ gốc dùng cho trí tuệ nhân tạo
4. Ô tô tương lai Ô tô thông minh, ô tô thân thiện môi trường, các hệ thống giao thông thông minh
5. Bán dẫn thế hệ mới Chip bộ nhớ thế hệ mới, Các hệ thống dùng chip (SoC), các thiết bị nano điện tử, các vật liệu liên quan
6. Liên lạc viễn thông di động thế hệ mới Máy và các hệ thống 4G telematics, công nghệ lý giải và xử lý dữ liệu, các công nghệ liên lạc viễn thông quang điện
7. Mạng lưới nhà thông minh Các máy chủ ở nhà thông minh/cồng vào nhà, kết mạng nhà, các sản phẩm điện tử tiêu dùng thông minh, khả năng tính ở khắp nơi
8. Nội dung kỹ thuật số/giải pháp phần mềm Các hệ thống sản xuất, sử dụng và phân bố các nội dung kỹ thuật số, nội dung văn hóa, phần mềm nhúng, hệ thống logisttics tích hợp thông minh, công nghệ GIS/GPS
9. Pin thế hệ mới Pin thứ cấp, năng lượng hydro, các vật liệu liên quan.
10. Công nghệ sinh học: thuốc/các bộ phận mới Thuốc mới, các bộ phận sinh học (bộ phận thứ hai, ghép) chip sinh học, thiết bị chẩn đoàn bằng hình ảnh, thiết bị y học dùng cho người cao tuổi
Bên cạnh đó Chính phủ Hàn Quốc xác lập 6 lĩnh vực công nghệ cao (6T) nhằm đạt được mục tiêu trên cho khoảng thời gian từ 5 tới 10 năm. Các công nghệ đó bao gồm: 1) công nghệ thông tin, 2) công nghệ sinh học, 3) công nghệ nano, 4) công nghệ môi trường, 5) công nghệ hàng không vũ trụ và 6) công nghệ văn hóa. Các chi tiêu cho R&D của Chính phủ Hàn Quốc cho 6 công nghệ này chiếm 30% tổng ngân sách R&D của Chính phủ năm 2004. Trong ngân sách 1,8 nghìn tỷ Won Hàn Quốc (khoảng 1,7 tỷ USD) cho Chương trình 6T này thì công nghệ thông tin chiếm 7,8%, công nghệ sinh học chiếm 9,1%, công nghệ nano chiếm 3,6%, công nghệ môi trường chiếm 5,3%, công nghệ hàng không vũ trụ chiếm 3,7% và 0,4% cho công nghệ văn hóa.
Có thể thấy mối quan tâm chính của Hàn Quốc dành cho công nghệ thông tin, thể hiện qua 6 trong số ngành công nghiệp đầu tàu đều dựa chủ yếu vào công nghệ thông tin. Hai ngành ô tô tương lai và robot thông minh cũng có quan hệ nhiều với các ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ có hai ngành công nghiệp pin thế hệ mới và công nghệ sinh học (thuốc mới và các bộ phận cơ thể) không liên quan nhiều tới hạng mục công nghệ thông tin.
Khảo sát năm 2003 về trình độ công nghệ do Viện Đánh giá và Kế hoạch Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Sience and Technology Evaluation and Planning - KISTEP) thực hiện đã đánh giá trình độ công nghệ tương đối của Hàn Quốc trong 99 công nghệ cốt lõi so với các cường quốc hàng đầu công nghệ thế giới. Kết quả khảo sát cho thấy trình độ công nghệ của Hàn Quốc trung bình bằng 65,1% của trình độ Hoa Kỳ, và Hàn Quốc chậm hơn Hoa Kỳ 5,8 năm trong các công nghệ này. Một khảo sát khác của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Bank - KDB) thực hiện cho thấy rằng năng lực công nghệ của Hàn Quốc vượt trước Trung Quốc 3,8 năm và chậm hơn Nhật Bản 2,2 năm. Các khảo sát trên các bình diện khác cũng cho thấy thứ tự xếp hạng thổng thể về công nghệ giữa bốn nước hiện nay là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các khoảng này tương đối đều nhau, có xu hướng hẹp lại, nhưng thứ tự sẽ không thay đổi trong tương lai gần.
Điểm mạnh trong năng lực khoa học và công nghệ của Hàn Quốc nằm ở cường độ R&D cao, ở năng lực R&D công nghiệp tương đối mạnh, có một số công ty có năng lực đổi mới ở cấp độ thế giới, ở hệ thống thị trường phát triển tương đối tốt và cơ cấu thể chế hiện đại của họ. Nhưng Hàn Quốc sẽ phải tìm cách khắc phục một số điểm yếu của mình, đó là hạn chế về trình độ khoa học cơ bản và công nghệ gốc, thiếu sáng tạo và cải cách giáo dục, số lượng hạn chế các nhà khoa học và kỹ sư có trình độ cao, thị trường trong nước hạn chế và kết mạng toàn cầu còn yếu.
RAND đã sử dụng các hệ thống đánh giá được sử dụng rộng rãi với các Chỉ số TAI của UNDP, ArCo của SPRU và STCI của RAND để so sánh tương quan hiện nay giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, qua đó rút ra các nhận xét như sau:
• Hàn Quốc hiện đang đứng trên Trung Quốc về năng lực KH-CN tổng thể. Tuy nhiên các năng lực này có xu hướng hướng về thương mại. Đó là ưu thế có tính tạm thời, không bền vững trong dài hạn và Trung Quốc có khả năng với tới, theo thời gian.
• Tỷ số R&D/GDP cao và tổng số sinh viên theo học các ngành khoa học cao là các nhân tố chính góp vào số điểm cao của Hàn Quốc. Tuy nhiên theo thước đo tuyệt đối thì Trung Quốc lại đứng trên Hàn Quốc về mặt đầu tư cho R&D và nguồn nhân lực,
• Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối về số các nhà khoa học và kỹ sư, và nguồn cung cấp dồi dào và đang tăng lên. Thành công trong cải cách giáo dục làm mạnh thêm các ưu thế về nguồn nhân lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, về số nhà khoa học và kỹ sư trên 10.000 dân thì Hàn Quốc xếp trên Truing Quốc.
• Số liệu patent cho thấy Trung Quốc có hạn chế về năng lực sáng chế. Lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc không phải là nhân tố chính trong các patent thuộc loại sáng chế. Trung Quốc xếp sau trong các hoạt động đăng ký patent ở nước ngoài. Trong khi đó Hàn Quốc tương đối mạnh trong hoạt động patent quốc tế.
• Tăng trưởng trong xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc chủ yếu là do các công ty có vốn nước ngoài, trong khi Hàn Quốc được xếp vào số các nước xuất khẩu công nghệ cao.
• Độ sâu về khoa học cơ bản của Trung Quốc được đánh giá cao hơn Hàn Quốc. Đó là điều mà Hàn Quốc khó với tới. Trung Quốc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cao hơn Hàn Quốc và tạo ra số bài báo khoa học nhiều hơn Hàn Quốc. Tuy nhiên năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp bản địa vẫn còn yếu và cường độ R&D của Trung Quốc vẫn còn thấp.
• Năng lực R&D của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực ngoài công nghiệp như trường đại học, viện nghiên cứu và các phòng thí nghiệm của Nhà nước trong khi năng lực R&D của Hàn Quốc hướng tới sản phẩm thương mại.
• Trung Quốc có mạng lưới rộng lớn người Hoa tại nhiều quốc gia trong khi Hàn Quốc đang tiếp tục các nỗ lực vươn ra thế giới.
Nguyễn Việt Hải tổng hợp
Theo Tia Sáng
Nguồn tham khảo: Báo cáo từ nghiên cứu của RAND được công bố công khai và có thể tìm đọc tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Library of Congress Cataloging-in-Publication Data-ISBN 0-8330-3746-3).
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com