Mọi nguồn năng lượng đều cần thiết, nhưng theo các nhà khoa học Thụy Sĩ chỉ có năng lượng tái tạo mới đem lại sự phát triển bền vững và giúp con người giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay như chống hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch đang bị cạn kiệt, giảm chất thải phóng xạ và nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử, giảm sự mất cân bằng Bắc-Nam.
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn dầu mỏ, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Thụy Sĩ (SATW) cho rằng, mỗi quốc gia cần có chiến lược năng lượng dài hạn và phù hợp với lợi ích chung của nhân loại. Theo SATW, tiêu thụ năng lượng hiện nay cần tuân thủ các nguyên tắc: tiêu thụ chừng mực, ưu tiên cho nhu cầu thiết thực, quan tâm tới cầu hơn là cung; tăng cường hàm lượng chất xám trong các thiết bị, máy móc theo hướng gia tăng hiệu suất nhưng vẫn tiết kiệm được năng lượng; bảo vệ môi trường và tiết kiệm các nguồn năng lượng hóa thạch cho thế hệ sau.
Theo các chuyên gia, nguồn năng lượng tái tạo xuất hiện khắp nơi trên thế giới và kỹ thuật, cũng như công nghệ khai thác không phức tạp, đòi hỏi kinh phí lớn như các nguồn năng lượng truyền thống khác. Do vậy, chính phủ các nước cần có chủ trương xây dựng hệ thống sản xuất và cung cấp năng lượng theo từng khu vực với quy mô nhỏ và vừa, với mục đích sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, tránh lãng phí năng lượng trong quá trình vận chuyển.
Theo SATW, nếu tính tổn thất gây ra cho môi trường do sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống, thì năng lượng tái tạo sạch, kinh tế và dễ khai thác hơn cả. Vì vậy, nhiều nước châu Âu tiên tiến đã chủ trương đầu tư phát triển cho lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Tại Thuỵ Sĩ, người dân chấp nhận tăng một vài phần trăm tổng số tiền trong hóa đơn tiền điện để ủng hộ quỹ phát triển năng lượng tái tạo.
Năng lượng từ gió là nguồn năng lượng dồi dào và dễ khai thác. Theo dự đoán của giới chuyên gia, đến năm 2050, tổng sản lượng điện khai thác từ gió trên thế giới sẽ có thể tương đương với thuỷ điện. Hiện nay, những quốc gia khai thác hiệu quả nhất nguồn năng lượng này là Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Mỹ. Đức đang đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này với công suất 15.000 MW.
Với những ưu thế và tiềm năng nêu trên của năng lượng tái tạo, Liên minh Châu Âu đã quyết định nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo từ 13,9% năm 1997 lên 22% năm 2010 trong chiến lược năng lượng dài hạn của khối này. Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng tái tạo, đến giữa thế kỉ 21, tỷ lệ năng lượng khai thác từ nguồn tái tạo tại Đức có thể chiếm 50% tổng mức tiêu thụ năng lượng của nước này. Cũng theo ước tính của các chuyên gia, tới năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính trên thế giới.
Ngoài năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng hiện nay được xem là một nguồn năng lượng quan trọng. Theo các chuyên gia năng lượng, nếu toàn thế giới quyết tâm chống lãng phí năng lượng thì sẽ tiết kiệm được một nửa năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Tính riêng nước Mỹ (chiếm 5% dân số thế giới) đã tiêu thụ tới 25% năng lượng toàn thế giới. Nhiều chuyên gia năng lượng của Mỹ cho rằng, nước này có thể tiết kiệm được 43% lượng năng lượng tiêu thụ.
(Theo Thông tấn xã Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com