Rất nhiều người kiêng đi đám ma khi cơ thể yếu vì sợ nhiễm phải hơi lạnh từ người chết sẽ sinh bệnh. Điều này không phải mê tín dị đoan mà có cơ sở khoa học.
Có nên tin vào giờ trùng hay ngày trùng khi chết? Có cách hay thuốc xông nào để hoá giải mùi tử khí? Có phải người yếu bóng vía sẽ dễ bị bệnh khi đi đám tang về? Những câu hỏi trên xuất phát từ lo âu của người sống, do tin vào hậu quả của việc không kiêng cữ hoặc nghĩ “có kiêng có lành”.
Theo định nghĩa y học, chết thực sự là tình trạng ngưng tim, ngưng thở và chết não, các hoạt động cơ thể lần lượt đình chỉ và không hồi phục, năng lượng không còn sản sinh và thân nhiệt tử thi giảm xuống. Khi chết thực sự, quá trình oxy hoá chấm dứt, cơ thể bắt đầu biến đổi do hiện tượng phân huỷ. Khi đó có hai giai đoạn xảy ra:
Những người yếu không nên đến đám ma.
Biến đổi sớm: Kéo dài 8 - 10 giờ sau khi chết thực sự. Đồng thời với hiện tượng cứng bên ngoài tử thi, bên trong ruột do không còn yếu tố bảo vệ, vi trùng và ký sinh sẽ sinh sôi nhanh chóng, gây hiện tượng phân huỷ mô và thối rữa, bụng chướng lên, tử thi bắt đầu bốc mùi.
Biến đổi muộn: Là từ sau 10 giờ trở đi, các vi trùng lên men thối tạo khí khiến toàn thân phình lên, mặt biến dạng, nội tạng rữa nát, dịch thối chảy ra từ các lỗ tự nhiên…
Đó là diễn tiến của một cơ thể bình thường chết do già yếu. Nếu chết do chấn thương tai nạn, mắc các bệnh nhiễm trùng, hay chết trong điều kiện chiến tranh…, thời gian phân huỷ sẽ sớm hơn, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường người sống nếu chậm xử lý và khâm liệm. Như vậy, với trường hợp chết do già yếu thì quan niệm một số người phải tránh xa do tuổi “trùng” chỉ là mê tín dị đoan, nhưng đối với trường hợp chết do bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng… thì việc liệm nhanh, yêu cầu một số người có sức đề kháng yếu tránh xa là có cơ sở khoa học.
Dân gian xưa nay vẫn sợ hơi lạnh ở nhà người mới chết, đây là hiện tượng là có thật. Hiện tượng bị bệnh do vướng phải hơi lạnh cũng phổ biến, nhất là với những người có sẵn bệnh phong thấp, huyết áp cao... Thật ra, "hơi lạnh" chính là dấu hiệu môi trường nhiễm khuẩn do xác chết phát tán. Để phòng bệnh, các thầy thuốc thường khuyên người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người ốm hay mắc bệnh mạn tính… nên tránh đến đám tang.
Một số nơi đặt sẵn ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí. Xét về tính năng, hơi nóng của than và mùi khói bưởi, bồ kết có thể hỗ trợ sát khuẩn môi trường, giúp thân nhiệt người đến dự đám tang ổn định, khả năng nhiễm khuẩn vì vậy ít đi. Nhiều người cũng hay ngậm gừng sống, uống rượu tỏi, nước lá nhót... trước và sau khi đến lễ tang. Cách này cũng tốt cho sức khoẻ vì những thực phẩm đó có nhiều dược tính tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com