Các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá là những nguồn năng lượng không tái tạo được, chúng đang dần cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, nhiên liệu sinh học (NLSH) đã được chọn mặt gửi vàng như là một “ứng cử viên” đầy triển vọng nhằm thay thế một phần hoặc toàn bộ nguồn nhiên liệu truyền thống nói trên.
Tảo - nguồn nhiên liệu sinh học xanh - Ảnh: Reuters
“Tam giác quỷ” 3F
NLSH được sản xuất từ các nguyên liệu có nguồn gốc sinh học (động, thực vật) như ngũ cốc: bắp...; cây công nghiệp: mía, cây cọc rào (jatropha)...; chất béo của động vật: mỡ cá ba sa... Loại nhiên liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các loại nhiên liệu hóa thạch như có thể tái tạo, có tính thân thiện với môi trường: khí thải của chúng ít độc hại hơn.
Tuy nhiên hiện nay vấn đề sản xuất và sử dụng NLSH trong đời sống còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân đó xuất phát từ một số lý do, từ kinh tế (chưa hạ được giá thành sản xuất xuống thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống) cho đến đạo lý. Trên khía cạnh đạo lý, các nhà khoa học đã khái quát hóa thành “tam giác quỷ 3F” để diễn giải chúng (xem hình). 3F bao gồm fuel: nhiên liệu (sinh học), food: thực phẩm (cho người), feed: thức ăn (cho chăn nuôi). Ba yếu tố đó ràng buộc, chi phối lẫn nhau, một mặt chúng tạo nên thế quan hệ giằng co, cạnh tranh, nhưng mặt khác chúng cũng có thể hỗ trợ nhau nếu có những chính sách điều phối hợp lý.
Rõ ràng nếu sử dụng đất sản xuất lương thực, thực phẩm truyền thống cho mục đích phục vụ chế tạo nhiên liệu thì sẽ được lợi về mặt nhiên liệu nhưng kèm theo đó là việc giảm sản lượng lương thực, thực phẩm. Điều này có thể đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao, tạo ra những cơn sốt lương thực, thực phẩm. Mối nguy hại là nhãn tiền, lợi bất cập hại. Nhưng nếu sử dụng hợp lý đất hoang hóa, gò đồi, bạc màu để trồng cây phục vụ sản xuất nhiên liệu thì lợi nhiều mà hại ít. Do đó vấn đề quan trọng là phải có chương trình, quy hoạch cụ thể và chính xác các vùng đất trồng cây phục vụ sản xuất NLSH, đảm bảo được sự cân đối của tam giác 3F, phục vụ việc phát triển bền vững.
Nhiên liệu sinh học tại Việt Nam
Trong xu hướng chung của thế giới, tại Việt Nam, dù muộn so với các nước, đề án 117 về “Phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2020” đã được Chính phủ phê duyệt. Một số nhà máy sản xuất NLSH (cồn nhiên liệu sinh học: bio-ethanol) đã được khởi công xây dựng như các nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất và tỉnh Phú Thọ. Nhưng đến nay, tốc độ phát triển NLSH tại Việt Nam chưa được như mong muốn.
Trong đó việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu như vùng đất nào sẽ trồng cây gì vẫn là chủ đề nóng. Trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng “jatropha hóa”, tức là “phong trào” xin đất, bao gồm cả đất rừng, đất nông nghiệp, để trồng jatropha ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó còn có tình trạng doanh nghiệp tiếng là xin cấp đất trồng jatropha, nhưng thực chất để “xí phần” đất đai.
Thoát khỏi “tam giác quỷ” 3F
Việc sử dụng lương thực làm nguyên liệu sản xuất NLSH về lâu dài quả là điều khó chấp nhận xét theo các mối quan hệ trong “tam giác quỷ” 3F. Để khắc phục điều đó, nhiều nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu sản xuất NLSH thế hệ thứ hai. Đó là loại NLSH được sản xuất từ các phế phẩm của nông nghiệp, công nghiệp và rác thải... Nhưng có một xu hướng “thời thượng” hơn, triển vọng hơn, ưu thế hơn về cả phương diện kinh tế lẫn tính chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất là chế biến... tảo thành NLSH xanh.
Nó sẽ được nuôi trồng trên mặt nước, như mặt biển, hoàn toàn không xâm phạm, không tranh chấp đất đai, nguồn nước với cây nông nghiệp. Rõ ràng việc sản xuất NLSH từ tảo là một phương thức giúp nhân loại thoát khỏi mối quan hệ giằng co trong vòng xoáy của “tam giác quỷ” 3F. Một tương lai khả quan hơn cho nhân loại về sản xuất NLSH đã được mở ra.
(Theo Tuổi Trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com