Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sao Hỏa "mất mặt"

Cách đây 30 năm, chùm ảnh từ một vệ tinh Mỹ gửi về Trái đất làm người ta giật mình: Trên sao Hỏa có một mặt người khổng lồ. Đã có không ít chuyện được thêu dệt lên xung quanh mặt người này. Tuy nhiên, những bức ảnh do ESA công bố cuối tuần qua cho thấy, đó chỉ là kết quả ngẫu hứng của thiên nhiên.

Từ chùm ảnh đầu tiên

Ngày nay người ta có thể coi đó là một trò đùa tinh nghịch của thiên nhiên, nhưng trước đây 30 năm có lẽ hiếm có bức ảnh nào làm xôn xao dư luận như bức mặt người trên hành tinh Đỏ. Giới thiên văn học nghiệp dư, các nhà "nghiên cứu" vật thể bay lạ (UFO) cùng nhiều người tự xưng có đầu óc thám tử v.v. quả quyết rằng vệ tinh "Viking 1" hồi 1976 đã phát hiện ra một sự kiện động trời qua bức thông điệp hóa đá của nền văn minh sao Hỏa gửi đến các cư dân còn lại trong Thái dương hệ.

Chuyên gia của NASA thì dĩ nhiên không có cặp mắt lãng mạn như vậy, ngay từ đầu họ đã khẳng định đó chỉ là một núi đá và một sự tình cờ ngẫu nhiên, khi ánh nắng và các hõm đá ở vào một tương quan nhất định, đã khiến nó mang hình một mặt người. Vệ tinh "Mars Global Surveyor" cũng đã chụp lại hòn núi trơ trọi nói trên hai lần nữa, vào các năm 1998 và 2001, song vẫn không xua tan được những lời đồn đoán.

Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA cũng cảm thấy có bổn phận "cải chính" các tin đồn vô căn cứ trên và tổ chức chụp lại bằng máy ảnh nổi với độ phân giải cao (HRSC) tương ứng 13,7 mét/pixel). Đây là một kỳ tích trong kỹ thuật chụp ảnh do nhà khoa học Gerhard Neukum cộng tác với ĐH Freie Universitaet (Berlin).

Nhiều chuyến bay ngang sao Hỏa đã được bố trí để chụp lại không gian rộng xung quanh "mặt người", song đều thất bại. Có khi độ cao quá lớn để chụp rõ, hoặc tình cờ những cơn bão cát hoặc sương mù che phủ tầm nhìn.

Cho đến 22.7 vừa qua, tình cờ đúng vào dịp tròn 30 năm kể từ khi "Viking 1" truyền chùm ảnh hy hữu xuống trạm mặt đất, nhóm HRSC đã thành công: Vùng cao nguyên Cydonia trên bán cầu Bắc của ngôi sao đó đã được máy ảnh cày xới nhiều lần và chụp ảnh nổi với từng chi tiết sắc nét nhất.

Và sự thật: Một núi đá "vô duyên"

Nhằm tối ưu hóa chùm ảnh mới chụp, nhóm nghiên cứu của Gerhard Neukum tích hợp cả các thông số trắc địa mà người Mỹ đã kiếm được qua vệ tinh "Mars Global Surveyor", song các dữ liệu về màu sắc và độ cao là kết quả của máy ảnh HRSC. Lần đầu tiên, có thể quan sát hòn núi đá từ bên cạnh, và cũng là lần đầu tiên chứng tỏ nó chỉ là một núi đá "vô duyên" như trăm nghìn hòn khác trên sao Hỏa. Hòn núi "mặt người" cũng đã bắt đầu bị lở nhiều, và nham thạch núi lửa cùng gió bão góp phần tạo nên nhiều dạng cổ quái khác.

Cydonia, cao nguyên có núi "mặt người" là không gian chuyển tiếp nằm giữa cao nguyên miền Nam và vùng thung lũng phía Bắc sao Hỏa. Địa hình đặc trưng ở đây là các hòn núi đơn độc với độ lớn khác nhau đứng giữa vùng trũng sỏi đá. Cũng nên nhắc lại là gần núi "mặt người" còn khá nhiều chóp nhọn mà "Viking 1" chụp từ trên xuống gây ảo giác đó là một thành phố Kim tự tháp - khá thích hợp với phỏng đoán về một nền văn minh. Các nhà nghiên cứu nghiệp dư còn cố chứng minh là hệ thống Kim tự tháp ấy còn được xây theo hướng phong thủy như công trình họ hàng ở Ai Cập, và hôm nay chỉ còn là đống hoang tàn sau khi chủ nhân của chúng di cư đến hành tinh khác!

Loạt ảnh mới nhất từ vệ tinh "Mars Express" công bố cuối tuần qua vạch rõ rằng thành phố "Kim tự tháp" cũng chỉ là một trò chơi của thiên nhiên, khi hướng nắng và độ dài bóng đổ ngẫu nhiên đem lại ấn tượng khó tiên liệu. Và như mọi điều trong cuộc sống, huyền thoại dễ xuất hiện hơn bị phủ nhận: nền văn minh sao Hỏa đã từ lâu là một thành phần quan trọng của vô số trò game điện tử, thậm chí được dựng thành phim khoa học giả tưởng ("Mission to Mars").

Ngay cả khi Giovanni Schiaparelli (1835-1910) với ống kính thiên văn thô sơ "phát hiện" ra hình bóng một hệ thống kênh rạch (canali) trên sao Hỏa, lập tức xuất hiện ngay một Herbert George Wells (1866-1846) để dựng cho chúng một tượng đài văn học. Song cũng phải đổ tội cho chính NASA, khi họ đưa ra khái niệm "mặt người sao Hỏa" (Face on Mars) trong phiên họp báo công bố chùm ảnh của "Viking 1" và vô hình trung chắp cánh cho trí tưởng... bở phong phú của nhiều người.

Sau này, khi NASA cố sửa lỗi bằng những ảnh mới chụp từ góc độ và hướng nắng khác nhau thì huyền thoại đã có chỗ đứng vững rồi. Một "học giả" tự xưng, tên là Richard C. Hoagland, còn tuyên bố rằng đó chỉ là chiến thuật đánh lạc hướng của NASA, nhằm phủ nhận một nền văn minh ngoài Trái đất!

Ngay chung quanh ta trên mặt đất không thiếu những hình tượng do thiên nhiên bào xát và trí tưởng tượng tô vẽ thêm thành hòn Trống Mái, núi Đầu Voi, nàng Tô Thị… Tạo hóa vốn được tiếng là nhiều sáng kiến, song khoa học có ngôn ngữ riêng. Hãy để chú Cuội ngồi tiếp bên gốc cây đa trong thế giới của cổ tích lãng mạn và đừng mất công bàn ra tán vào về những phỏng đoán vô bổ.


(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

  • Con người đã làm cho các bão ngày càng trở nên hung dữ
  • Điện thoại di động khiến não hưng phấn hơn
  • Kính viễn vọng lớn nhất thế giới
  • Những phát minh độc đáo năm 2006
  • Hai loài bướm biến thành một
  • Tàu vũ trụ Atlantis trở về trái đất an toàn
  • Quái vật kỷ Jura lộ diện
  • Giải Nobel Kinh tế năm 2006: Chiến thắng lại là người Mỹ!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị